MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tin tác động đến TTCK Việt Nam trong tháng 5/2009

Những lo ngại về câu nói "Sell in May" của người Mỹ dường như không còn thích hợp với TTCK Việt Nam ở thì hiện tại.

Trong cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2009 của CTCP Chứng khoán Bảo Việt, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng giám đốc BVSC đã từng nói: “Thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ ngoi lên mặt đất. Chúng ta mới chỉ quay lại thời điểm cuối năm 2008, khi VN-Index đóng cửa ở mức 315,62 điểm và tất cả còn đang ở phía trước.”

Theo bà Nguyễn Thị Phúc Lâm, Chủ tịch HĐQT BVSC, để nhìn ra thị trường có thực sự hồi phục hay không phải đợi vào kết quả kinh doanh quý II/2009, khi đó các gói kích cầu của Chính phủ bắt đầu phát huy hiệu quả và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ được phản ánh rõ nét nhất.

VN-Index đã giảm hơn 70% trong 2 năm qua, từ mốc 1170,62 điểm xuống 235,5 điểm. Hầu hết các nhà đầu tư tham gia thị trường đều thua lỗ.

Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM Trần Đắc Sinh có lần đã cho rằng, chính yếu tố bi quan của nhà đầu tư cũng góp phần đẩy thị trường giảm điểm. Nếu tâm lý các nhà đầu tư được cải thiện, kết hợp thị trường chứng khoán thế giới không giảm sâu, VN-Index nhất định sẽ tăng điểm.

Sau kỳ nghỉ lễ dài 4 ngày, phiên giao dịch hôm qua của VN-Index đã làm ngỡ ngàng toàn bộ giới phân tích đầu tư khi VN-Index đóng cửa ở mức 336.64, tăng 15.01 điểm với 174/177 mã tăng giá, Hastc-Index cũng tăng gần 6%, hầu hết các cổ phiếu đều kịch trần.

Lạc quan

Theo báo cáo phân tích của ông Quách Mạnh Hào, giám đốc phân tích đầu tư CTCK Chứng khoán Thăng Long, về kỹ thuật, thị trường tăng tốt ngay từ đầu phiên hôm qua là điều kiện đủ để hướng tới xu thế tăng điểm mới.

Ông Hào cho rằng VN-Index sẽ vượt qua ngưỡng 347 – 350 điểm. Ông Hào gọi đây là “điểm dừng” trước khi hướng tới kỳ vọng an toàn cho toàn bộ xu hướng hiện tại là 388-390 điểm. Mức kỳ vọng mạo hiểm đặt ra là 406-409 điểm.

“Thị trường chứng khoán thuờng đi trước các yếu tố cơ bản nên nếu chúng ta chờ đợi những điều rõ ràng từ nền kinh tế, chúng ta có thể đã bị chậm”.

Một chủ đề cũng nhận được sự quan tâm của giới phân tích toàn cầu là giả thuyết “Bán tháng Năm và không trở lại” (sell in May and go away). Điều này trong giới học thuật gọi là “Tác động tháng Giêng” (với Mỹ) và tháng Tư (với Anh).

Sự giải thích phổ biến là do các hãng đầu tư bán những cổ phiếu xấu trước kỳ khai thuế để có lợi về thuế (ở Mỹ là cuối tháng 12 và ở Anh là cuối tháng 3) sau đó tìm cách mua lại. Điều này còn được cho là đúng với những cổ phiếu nhỏ. Theo ông Hào, có thể năm nay thị trường sẽ không bị tác động bởi lý thuyết này khi năm vừa qua, các công ty thua lỗ nhiều nên rất có thể “tác động tháng Giêng” sẽ không là vấn đề.

Thận trọng

Đại đa số giới đầu tư đều nhận thấy thị trường đang chuyển biến theo hướng hết sức tích cực khi tâm lý các nhà đầu tư đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI đều khuyến nghị các khách hàng của mình nên cẩn trọng trước những diễn biến của thị trường.

Theo SSI, trong tháng 5 nếu VN-Index vượt qua được vùng kháng cự mạnh 353 – 366 điểm, chỉ số này có thể tiến đến mức 400 – 420 điểm. Tuy nhiên trường hợp này chỉ xảy ra nếu thị trường có dòng tiền chảy vào mạnh mẽ cùng sự đi lên của các chỉ số chứng khoán thế giới, đặc biệt là TTCK Mỹ.

Tuy nhiên, SSI cũng khuyến cáo, điều mà hầu hết các nhà đầu tư không muốn xảy ra đó là chỉ số VN-Index có thể đảo chiều phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 287 – 300 điểm, nếu vậy, chỉ số này sẽ rơi xuống quanh mức 260 điểm hoặc thấp hơn. SSI khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên sẵn sàng ứng phó với tình huống này để hạn chế rủi ro.

Trước đó, một số nhà phân tích theo dõi đồ thị VN-Index và cho rằng thị trường đang hình thành vai bên phải của mô hình vai-đầu-vai (một mô hình có 3 đỉnh, trong đó đỉnh giữa cao nhất, khi thị trường hình thành vai phải, xu hướng hầu hết là giảm điểm). Điều này dẫn đến tâm lý khá thận trọng khi mua vào trước thời điểm 30/04 – 01/05 và khối lượng giao dịch trong những ngày này đều giảm mạnh.

Tuy nhiên, sau phiên giao dịch hôm qua, VN-Index bật mạnh lên ngưỡng 322 điểm, mô hình này đã không đúng như dự đoán.

Các thông tin tác động đến TTCK Việt Nam trong tháng 5

Theo báo cáo tháng 4 của CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI, một số tín hiệu tích cực của nền kinh tế đã bắt đầu xuất hiện trong tháng 4 (sản xuất công nghiệp tăng, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ) so với quý I/2009 đã cho thấy tình hình kinh tế trong nước khó có thể xấu hơn mà hiện đang trong giai đoạn tích cực tự tái cơ cấu để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi kéo dài. Tốc độ cải thiện của các chỉ số là khá khiêm tốn trong khi các diễn biến tiêu cực tiếp tục bộc lộ (sút giảm FDI, xuất khẩu…).

Sự kiện họp Quốc hội sẽ là điểm nhấn nổi bật trong tháng 5. Theo báo cáo SSI, việc Quốc hội sẽ xem xét thông qua việc giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5% xuống 5%; quyết định xử lý hoãn thuế thu nhập cá nhân được giãn nộp và quan trọng nhất là xem xét phê chuẩn mức bội chi 8% và phương án phát hành thêm 20.000 tỷ đồng ngoài 36.000 tỷ đồng trái phiếu được phê chuẩn trước đó cho năm 2009 sẽ tác động tới thị trường.

“Các phê chuẩn trên của Quốc hội rất quan trọng để gói kích cầu được vận hành đầy đủ”. Thủ tướng mới đây đã tuyên bố nâng tổng giá trị gói kích cầu lên 8 tỷ USD, trong đó riêng khoản đến từ miễn giảm thuế đã đạt 1 tỷ USD.

Về chỉ số CPI, tháng 5 và 6 được dự báo sẽ cao hơn tháng 4, song tình hình hiện tại chỉ số này không tác động nhiều đến tâm lý các nhà đầu tư.

Về nhập siêu: Xu hướng nhập khẩu đang tăng trở lại khi các biện pháp kích cầu phát huy hiệu quả sẽ dẫn tới việc các doanh nghiệp tranh thủ nhập khẩu máy móc thiết bị giá thấp. Nếu nhập siêu tăng trở lại ở mức thấp là diễn biến tích cực chứ không phải tiêu cực.

Về thị trường thế giới, các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi một kết quả không quá tồi tệ của việc thanh tra 19 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, trong đó có cả Citigroup, Bank of America, Goldman Sachs, GMAC, MetLife và các ngân hàng địa phương bao gồm Fifth Third Bancorp và Regions Financial. Các ngân hàng trải qua đợt thanh tra vốn lần này nắm giữ 2/3 tài sản và hơn một nửa các khoản vay trong hệ thống ngân hàng Mỹ.

Theo nhận định sơ bộ của FED, cơ quan giám sát cuộc thanh tra, ít nhất 6 trong 19 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ cần tăng thêm vốn. Các ngân hàng có thể nhận tiền vốn được chính phủ bơm hoặc chuyển đổi từ cổ phiếu ưu đãi thành cổ phiếu phổ thông. Việc đánh giá sức khoẻ các định chế tài chính lớn nhất thế giới này để tìm biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Phương Mai

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên