MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải đáp về dòng tiền đổ vào TTCK thời gian qua

Dòng tiền đầu tư luôn tồn tại trong nền kinh tế và sẽ chảy vào nơi có tiềm năng lợi nhuận cao nhất.

Các diễn giả trong buổi giao lưu trực tuyến về TTCKVN do Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức ngày (08/05) đã giải đáp các thắc mắc của NĐT về dòng tiền trong thời gian qua. Khách mời trong buổi giao lưu gồm:

- Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường, người phát ngôn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

- Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital.

- Ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư Vietnam Asset Management.

- Ông Nguyễn Hồng Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI).

- Ông Quách Mạnh Hào, Giám đốc Phân tích đầu tư, Công ty Chứng khoán Thăng Long (TSC).

- Ông Trịnh Thanh Cần, Giám đốc Nghiên cứu và phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC).

(Các câu hỏi và câu trả lời đã được biên tập lại bởi CafeF. Chúng tôi loại bỏ các ý kiến trùng lặp và giữ nguyên ý các câu hỏi của độc giả và câu trả lời của các diễn giả).

Nguyên Hương - Nữ 28 tuổi - BTV: Theo hiểu biết và quan sát của các diễn giả, dòng tiền mới thời gian qua đổ vào thị trường có nguồn gốc từ đâu? Theo tôi, trên thị trường đang có hiện tượng làm giá cổ phiếu. Theo các diễn giả có hiện tượng này không?

Ông Trịnh Thanh Cần:

Xin trả lời câu hỏi của chị Nguyên Hương như sau:

Dòng tiền đầu tư luôn tồn tại trong nền kinh tế và sẽ chảy vào nơi có tiềm năng lợi nhuận cao nhất. Thời gian vừa qua, một số yếu tố ảnh hưởng tạo nên nguồn tiền mạnh đổ vào thị trường trong thời gian gần đây.

1/ Các biện pháp nới lỏng tiền tệ của chính phủ thông qua việc hạ lãi suất cơ bản, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm tăng lượng tiền đưa vào lưu thông từ đầu năm 2009. Với chính sách này, các thành phần kinh tế có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí thấp hơn.

2/ Bên cạnh đó, gói kích cầu của Chính phủ đã tạo ra tác động tâm lý đến thị trường. Mặc dù chúng tôi không cho rằng nguồn tiền từ việc giải ngân hỗ trợ lãi suất cho vay đang chảy vào kênh chứng khoán, chúng tôi tin rằng nó có tác động khá lớn về mặt ổn định tâm lý.

3/ Nói đến tâm lý thị trường, sự phục hồi của các thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là Mỹ đã có tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin. Khi tâm lý thị trường đã được ổn định, các nguồn vốn đầu tư trong nền kinh tế sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán. Có thể chia thành các nhóm sau đây:

- Nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư: Trong giai đoạn thị trường chứng khoán sụt giảm hơn 1 năm qua, các nhà đầu tư tổ chức đã trở nên cẩn trọng quá mức và nắm giữ một số lượng tiền mặt khá lớn trong danh mục đầu tư. Khi tình hình vĩ mô ổn định hơn và thị trường chứng khoán phục hồi, các nhà đầu tư này có áp lực giải ngân để tận dụng cơ hội đầu tư khi cổ phiếu còn rẻ.

- Nhà đầu tư cá nhân: Khi thị trường chứng khoán không còn tiềm năng, các nhà đầu tư cá nhân rút vốn khỏi thị trường chứng khoán và chuyển qua đầu tư vàng, một số giữ USD, gởi ngân hàng, v.v… Các nhà đầu tư này đang quay lại thị trường chứng khoán. Hiện tại tín dụng tiêu dùng tăng cao trên hệ thống ngân hàng thương mại (một phần lớn chảy vào chứng khoán) và lượng tiền gởi tiết kiệm kỳ hạn sụt giảm cũng chính là vì lý do này.

- Nhà đầu tư nước ngoài: Giống như các tổ chức đầu tư trong nước, các quỹ nước ngoài cũng đã bán ròng trong thời gian dài và nắm giữ tỷ lệ tiền mặt khá lớn trong danh mục. Hiện nay họ cũng đang gấp rút giải ngân vào các cổ phiếu trong tầm ngắm của họ.

Một số yếu tố giúp thị trường tăng điểm trong thời gian qua:

- Nhiều cổ phiếu đã xuống mức quá thấp so với giá trị tài sản và tiềm năng lợi nhuận dài hạn do tâm lý lo ngại quá mức của nhà đầu tư. Các chỉ số PE, PB của thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu trở nên hấp dẫn so với các nước trong khu vực.

- Tâm lý được cải thiện do kết quả kinh doanh quý 1/2009 không quá xấu như nhiều người nghĩ

- Tình hình vĩ mô ổn định hơn. thị trường chứng khoán các nước, đặc biệt là Mỹ phục hồi mạnh mẽ.

- Nhà đầu tư kỳ vọng những điều tồi tệ nhất của nền kinh tế thế giới đã qua.

- Dòng tiền chảy vào kênh chứng khoán do các kênh đầu tư khác không còn hấp dẫn.

- Các biện pháp can thiệp của chính phủ và chính sách tỷ giá ổn định.

Xu hướng tăng điểm này có thể duy trì được bao lâu?

- Thị trường chứng khoán đã tăng 55% so với mức đáy thiết lập vào cuối tháng 2/2009.

- Yếu tố chính yếu tạo nên sức hấp dẫn của cổ phiếu là yếu tố định giá. Thị trường tăng điểm quá nhanh sẽ tạo ra việc cổ phiếu trở nên đắt hơn.

- Hiện nay, thị trường Việt Nam không phải là quá cao nhưng cũng không phải là quá thấp so với các nước trong khu vực khi P/E trung bình của Việt Nam là khoảng 12 lần.

Nguyễn Hoài Hương - Nữ 31 tuổi - Kế toán: Những phiên giao dịch vừa qua, khối đầu tư nước ngoài bất ngờ tăng cường mua vào rất mạnh, có thể nói là mạnh nhất kể từ thời điểm cuối năm 2007, đặc biệt trong phiên ngày 6/5. Các chuyên gia có thể bình luận về diễn biến này không, có thể giải thích vì sao không? Trân trọng cảm ơn.

Ông Nguyễn Hồng Nam:

Chào bạn, theo tôi, việc các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường mua cho thấy các tổ chức nước ngoài đã quan tâm trở lại với thị trướng khoán Việt Nam, nhưng không có nghĩa là tất cả các nhà đầu tư nước ngoài đều đầu tư dài hạn, đầu tư theo giá trị mà họ cũng có thể mua bán theo sóng.

Ông Dominic Scriven:

Chào bạn, câu này quả thật khó trả lời.

Hơn một năm nay chúng ta đã thấy các nhà đầu tư nước ngoài dần dần rút tiền về nước và việc đó không thể tiếp tục mãi. Đặc biệt khi thế giới đang nhấn mạnh đến khả năng phục hồi trước của các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, và nhiều vấn đề còn tồn tại tại các nước phát triển.

Thời gian gần đây, dòng vốn đã bắt đầu thể hiện dần dần và thận trọng tại các thị trường châu Á.

Ông Nguyễn Sơn:

Về câu hỏi của bạn, về diễn biến trong phiên giao dịch gần đây với sự tăng lên bất ngờ về giao dịch mua vào của nhà đầu tư nước ngoài, tôi xin trao đổi một số ý kiến như sau:

Do những diễn biến của thị trường quốc tế cuối 2008 và đầu 2009, các nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh bán ra nhằm tái cấu trúc danh mục đầu tư của mình. Trong đó có một số lượng lớn cổ phiếu có tính thanh khoản cao và các trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, qua các số liệu về dòng tiền chuyển ra khỏi Việt Nam, thì tỷ trọng rất thấp so với giá trị danh mục giải ngân. Điều đó chứng tỏ dòng vốn vẫn nằm tại Việt Nam và đây là thời điểm hợp lý để họ mua vào cổ phiếu của các danh mục mới.

Mặc khác, các tổ chức tài chính nước ngoài cũng đã có những giải pháp giảm thiểu khả năng khó khăn của mình, nên sức ép rút vốn đối với các khoản đầu tư tại Việt Nam không lớn như trước đây. Đây là lý do việc nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh mua vào trong nửa cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

Ngoài ra, các số liệu về báo cáo tài chính quý 1/2009, nhìn chung tình hình các doanh nghiệp có khả quan hơn so với các nhận định hồi đầu năm, và đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài cũng lạc quan hơn về thị trường Việt Nam.

Nguyễn Lan Anh - Nữ 40 tuổi - Nhà đầu tư CK: Xin được hỏi ông Nguyễn Sơn: Thời gian gần đây thị trường chứng khoán có khối lượng giao dịch tăng đột biến, theo quan sát của chúng tôi có một dòng tiền ảo đang làm tăng sức nóng của thị trường, dòng tiền này do các nhà đầu tư được mua khống sau 3,7,thậm chí 10 ngày mới phải thanh toán cho công ty chứng khoán. Điều này ông có biết không?

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính của các công ty chứng khoán, một số nhà đầu tư có cơ hội lũng đoạn thị trường (đặt lệnh mua khống khổng lồ), nếu T+3 mà các cổ phiếu đó xuống, thì với dòng tiền lớn họ có thể dễ dàng đẩy giá các cổ phiếu đó lên để bán, cứ như vậy, thị trường luôn bị thúc lên, các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ luôn là người thiệt thòi.... Với tư cách là nhà tạo lập và quản lý thị trường, các ông đã có biện pháp gì để xử lý vấn đề này...? Xin cảm ơn.

Ông Nguyễn Sơn:

Tôi cũng có nhận được một số phản ảnh của nhà đầu tư về việc một số nhà đầu tư lớn dựa trên những diễn biến của thị trường để thực hiện hành vi giao dịch (mua, bán khống) chứng khoán niêm yết theo hình thức giao dịch nhưng không chuyển quyền sở hữu. Khi thị trường có dấu hiệu tốt họ mới thực sự giao dịch (bán, mua) chuyển quyền sở hữu.

Về góc độ pháp luật, đây là hành vi vi phạm pháp lụât về giao dịch chứng khoán mà không thực hiện chuyển quyền sở hữu. Tuy nhiên, để phát hiện các giao dịch này rất khó, bởi lẽ các nhà đầu tư dựa trên cơ sở tín chấp để giao dịch với nhau ngoài hệ thống mà không yêu cầu chuyển quyền sở hữu.

Đây là một rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư vì pháp luật chỉ bảo vệ cho những người đứng tên chủ sở hữu cổ phiếu trong tài khoản lưu ký. Điều này cũng giống như việc mất khả năng thanh toán trên thị trường OTC trong thời gian gần đây.

Do vậy, tôi chỉ có thể khuyến cáo với các nhà đầu tư không nên thực hiện các giao dịch này để tránh những rủi ro không đáng có về sau.

Minh Vũ NA - Nam 33 tuổi - Nhà đầu tư: Xin hỏi ông Nguyễn Sơn, vì sao Chính phủ lại nâng “room” cho nhà đầu tư nước ngoài lên 49% tại các công ty chưa niêm yết? Như thế có phải tạo điều kiện để họ thôn tính thuận lợi hơn không, khi chi phí đầu tư rất thấp như hiện nay? Xin cảm ơn ông.

Ông Nguyễn Sơn:

Việc nới lỏng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các công ty đại chúng nằm trong lộ trình mở cửa hội nhập mà chúng ta đã cam kết khi gia nhập WTO. Khi gia tăng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 49% chúng ta có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn , công nghệ, kỹ năng quản lý của nước ngoài vào các doanh nghiệp Việt Nam.

Điều này là rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việc bạn nêu ra là tạo cơ hội cho họ thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam, theo tôi, là không đáng ngại bởi lẽ sở hữu của nhà đầu tư trong nước tại doanh nghiệp vẫn là 51%.

Mặt khác, cơ chế kiểm soát của thị trường chứng khoán cho phép giám sát được các giao dịch của cổ đông lớn (sở hữu trên 5%) cũng như các giao dịch chào mua công khai (từ 25% trở lên). Các giao dịch này yêu cầu phải báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin công khai ra thị trường.

Huy - Nam 37 tuổi - : Tôi có nghe thông tin là chứng khoán sẽ được giao dịch thêm buổi chiều. Vậy khi nào sẽ tiến hành giao dịch buổi chiều? Tại sao không trả lại biên độ giao dịch + và - 10% cho sàn Hà Nội?

Ông Nguyễn Sơn:

Hịên nay, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp với các trung tâm/sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán xem xét về năng lực hệ thống giao dịch, thanh toán bù trừ để có thể mở thêm phiên giao dịch vào buổi chiều.

Việc mở thêm phiên giao dịch vào buổi chiều sẽ tạo cơ hội cho nhà đầu tư giao dịch dựa trên những diễn biến của các thị trường chứng khoán châu á, qua đó tạo thêm tính thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều đòi hỏi phải đẩy nhanh hệ thống công nghệ của Trung tâm Lưu ký để đảm bảo duy trì thời gian thanh toán T+3.

Mặt khác, việc kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều cũng phải có sự chuẩn bị sẵn sàng về hệ thống, nhân lực của các công ty chứng khoán. Trước mắt, để tạo tính thanh khoản cho thị trường, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã cho phép các sở giao dịch kéo dài thêm thời gian giao dịch vào phiên buổi sáng và thời điểm bắt đầu thực hiện là vào tháng 6/2009.

Việc điều chỉnh biên độ trên hai sàn giao dịch sẽ dựa trên diễn biến thực tế của thị trường. Nếu các yếu tố bất ổn tác động đến thị trường từ trong và ngoài nước được giảm thiểu thì cơ quan quản lý sẽ xem xét đến việc trả lại biên độ cho Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Theo VnEconomy

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên