MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng sẽ không cho vay chứng khoán?

Nếu quy định được thực hiện, giới đầu tư chứng khoán sẽ mất một nguồn hỗ trợ tài chính lớn và thị trường sẽ bị ảnh hưởng.

Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán - đó là một trong những thay đổi được quy định rõ (khoản 7, điều 126, chương 6) của dự thảo lần thứ tám Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) đang được lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành trước khi chính thức trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10-2009.

Không được cho vay chứng khoán

Sự khác biệt cơ bản của dự thảo so với Luật Các TCTD hiện hành nằm ở chương sáu. Đây là một chương hoàn toàn mới với tên gọi “các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD”.

Ngoài quy định không được cho vay, đầu tư kinh doanh chứng khoán, điều 126 còn nói rõ “TCTD không được cho vay để góp vốn vào một TCTD khác trên cơ sở nhận tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu của chính TCTD được góp vốn” (khoản 6); và “TCTD không được cấp tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán mà TCTD nắm quyền kiểm soát” (khoản 4).

Theo khoản 6, nói cụ thể thì ngân hàng A không thể cho khách hàng vay tiền bằng cách nhận cầm cố cổ phiếu của ngân hàng B để mua cổ phiếu ngân hàng B. Còn nhận cầm cố cổ phiếu của ngân hàng B để cho vay mua cổ phiếu của ngân hàng C có được không thì chưa rõ.

Khoản 6 đang đụng chạm đến phần căn cơ nhất của dư nợ cho vay chứng khoán hiện nay: không ít thể nhân và cá nhân đã thế chấp cổ phiếu ngân hàng ở các ngân hàng để vay tiền mua chính cổ phiếu ngân hàng. Một khi không thể thế chấp cổ phiếu ngân hàng vay vốn, các đợt tăng vốn hàng chục ngàn tỉ đồng mệnh giá của các TCTD như vừa qua khó mà thành công. Một quan chức ngân hàng thậm chí phỏng đoán 50% trong 10.000 tỉ đồng dư nợ cho vay chứng khoán hiện tại là cầm cố cổ phiếu ngân hàng vay tiền mua cổ phiếu ngân hàng.

Theo khoản 4, các ngân hàng sẽ không được cấp tín dụng cho các công ty chứng khoán nơi họ nắm quyền kiểm soát. Đối tượng nhận tín dụng ở đây có thể không chỉ là chính các công ty chứng khoán mà cả khách hàng của các công ty này (theo điều 7). Vậy bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán sẽ hoạt động ra sao? Không lẽ họ chỉ có thể đầu tư và giao dịch bằng vốn chủ sở hữu? Hiện nay khi tài khoản của nhà đầu tư đã được mở ở ngân hàng, ngoài việc thu tiền mua và trả tiền bán chứng khoán, các ngân hàng còn tiến hành các nghiệp vụ ứng trước tiền bán cổ phiếu, cho vay cầm cố cổ phiếu trên tài khoản. Tới đây, theo luật mới, những nghiệp vụ này có thể sẽ không còn.

Siết lại đến mức nào?

Tinh thần bao trùm dự thảo Luật Các TCTD lần này là an toàn và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng. Ban soạn thảo có lý để nhấn mạnh sự an toàn trong hoạt động ngân hàng khi mà cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế của thế giới vẫn chưa kết thúc. Hơn nữa, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Các quy định về hoạt động của TCTD trong dự thảo rõ ràng, chặt chẽ và cụ thể, hoặc được làm, hoặc không được làm. Các quy định có thể gây cách hiểu nước đôi đã giảm hẳn.

Trong bản thuyết trình chi tiết, Ban soạn thảo luật nhấn mạnh định hướng kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các ngân hàng thương mại (NHTM), trong khi nới lỏng tỷ lệ an toàn áp dụng đối với công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính. Lý do của việc kiểm soát chặt chẽ hơn các ngân hàng là các quy định hiện hành tạo điều kiện cho TCTD mở rộng phạm vi hoạt động sang quá nhiều lĩnh vực. Điều này về lâu dài ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của TCTD trên lĩnh vực hoạt động chính.

Trên cơ sở đó, dự thảo giới hạn phạm vi hoạt động của TCTD vào các hoạt động chính (cung cấp tín dụng và dịch vụ liên quan đến tín dụng). “Chỉ cho phép NHTM mở rộng hoạt động sang lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, quản lý tài sản, thông tin tín dụng thông qua việc lập các công ty độc lập. Không cho phép các TCTD được hoạt động trong các lĩnh vực không có liên quan trực tiếp đến hoạt động chính thông qua việc thành lập các công ty con, công ty liên kết” - Ban soạn thảo nhấn mạnh.

Như vậy sắp tới các ngân hàng sẽ không thể tự đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Muốn tiến hành các hoạt động này, họ phải tham gia góp vốn vào các công ty độc lập. Các ngân hàng sẽ phải thoái những khoản đầu tư lớn ra thị trường và tác động của nó đến thị trường là chắc chắn. Có những ngân hàng đã trực tiếp đầu tư vào chứng khoán hàng ngàn tỉ đồng, chưa kể đầu tư thông qua công ty chứng khoán trực thuộc.

Ngân hàng không cho vay chứng khoán, không trực tiếp đầu tư chứng khoán, không nhận cầm cố bằng chứng khoán để cho vay dù mục đích sử dụng vốn có thể không phải để giao dịch chứng khoán… những thay đổi căn bản này không chỉ tác động đến thị trường chứng khoán mà cả các đợt IPO ngân hàng quốc doanh. Trước đây và gần đây khi IPO Vietinbank, các TCTD đã cho nhà đầu tư vay tiền để tham gia IPO các ngân hàng bằng cách nhận tài sản đảm bảo là chính cổ phiếu IPO đó. Tới đây các nhà đầu tư sẽ chỉ có thể mua bán chứng khoán bằng vốn tự có, vốn vay bạn bè, gia đình, bằng những kênh khác, nhưng không có kênh vốn ngân hàng. Các đợt IPO cũng vậy.

Một quan chức cấp cao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết khi đưa những quy định trên vào dự thảo, NHNN cũng đã tham khảo ý kiến các bộ ngành liên quan và nhận được nhiều sự đồng tình. Rủi ro trong đầu tư, cho vay kinh doanh chứng khoán đối với hệ thống ngân hàng là quá lớn. Nó đã được cơn bão bên ngoài chứng minh. Việc “siết lại” là điều cần thiết. Tuy nhiên siết đến mức độ nào là vấn đề cần tính đến. Có nên cấm cho vay chứng khoán hoàn toàn khi mà cho đến nay chưa có vụ vỡ nợ cho vay chứng khoán nào xảy ra? Có nên gây “sốc” cho thị trường chứng khoán còn non trẻ?

Theo Hải Lý

Thời báo kinh tế Sài Gòn


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên