MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Investip: “Lình sình” sau cổ phần hóa

12-05-2009 - 10:00 AM | Doanh nghiệp

Dường như những nghi ngại, tạm coi là những bất đồng giữa nhóm cổ đông nắm trên 10% vốn này với ban lãnh đạo Công ty đã trở thành vấn đề nổi cộm tại Investip.

ĐHCĐ CTCP Investip đã diễn ra đúng dự kiến vào ngày 28/4, dù trước đó Công ty cùng cổ đông lớn là Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH-CN - chiếm 35% vốn) nhận được đề nghị trì hoãn đại hội từ một nhóm cổ đông nắm trên 10% vốn (tạm gọi là nhóm A).

Lý do trì hoãn được nhóm cổ đông này đưa ra là không nhận được nội dung chương trình họp chi tiết, trong khi các cổ đông khác lại nhận được. Diễn biến tại đại hội cho thấy, nhóm cổ đông này còn bức xúc nhiều vấn đề khác.

Bất đồng giữa hai nhóm cổ đông

Dường như những nghi ngại, tạm coi là những bất đồng giữa nhóm cổ đông nắm trên 10% vốn này với ban lãnh đạo Công ty đã trở thành vấn đề nổi cộm tại Investip ngay sau khi cổ phần hoá vào ngày 15/6/2007 (Investip bán 59,54% cổ phần nhà nước, tương đương 436.300 CP, giá khởi điểm 10.500 đồng/CP).

Sau cổ phần hóa, Investip có vốn điều lệ 8 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông như sau: Nhà nước (đại diện là Bộ KH-CN) nắm 35%, CBCNV 5,46%, cổ đông bên ngoài 59,54%. Một nhóm cổ đông bên ngoài trúng đấu giá với khối lượng lớn (tạm gọi là nhóm B) được quyền cử đại diện vào HĐQT.

Từ đó đến nay, sau nhiều lần chuyển nhượng cổ phiếu nội bộ gây tranh cãi (cổ đông của nhóm A không được biết), nhóm cổ đông B chính thức có đại diện nắm quyền điều hành Investip.

Tại ĐHCĐ ngày 29/4, báo cáo của HĐQT Investip thừa nhận: “Trong năm qua, tình hình khiếu nại, tố cáo của một số cổ đông đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Công ty đối với khách hàng và cơ quan quản lý…”. (Năm 2008, Investip đạt lợi nhuận sau thuế 1,9 tỷ đồng, trong khi kế hoạch là 4,6 tỷ đồng - PV).

Báo cáo của Ban kiểm soát cũng chỉ rõ: “Tình hình khiếu nại, tố cáo của cổ đông đã khiến HĐQT, Ban kiểm soát và ban lãnh đạo Công ty phải mất nhiều thời gian giải quyết và không thể tập trung tâm sức vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động”.

ĐHCĐ diễn ra tại Phòng VIP Nhà khách Bộ Quốc Phòng, số 33 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội, chỉ vỏn vẹn chưa đầy 30 cổ đông tham dự (đủ số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định) cho thấy phần nào tình hình tại Investip.

Phần chất vấn cổ đông bắt đầu với chuỗi đối thoại gần như tay đôi giữa nhóm cổ đông A với ông Nguyễn Tài Long, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Investip (người đại diện cho nhóm B điều hành Investip) về các nội dung như:

Tại sao cho đến nay Công ty chưa hoàn tất việc bàn giao tài chính sau cổ phần hóa? Công ty đã nộp ngân sách nhà nước khoản thu nhận được từ khi còn là doanh nghiệp nhà nước hay chưa? Nếu chưa, số tiền này đang được sử dụng như thế nào? Mức lương của các cán bộ quản lý trực tiếp là bao nhiêu?...

Căng thẳng đến mức ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Investip phải lên tiếng: “Nên nhanh chóng giải lao để xua tan bớt bầu không khí nặng nề này”. Còn ông Nguyễn Ngọc Song, đại diện phần vốn nhà nước tại Investip kiêm Phó chủ tịch HĐQT Investip cho rằng, cổ đông không nên “bới bèo ra bọ”.

Một số cổ đông khác thì: “Nên tập trung vào chất vấn liên quan đến báo cáo kết quả kinh doanh và kế hoạch của DN khi sắp tới DN sẽ phải cạnh tranh với các DN nước ngoài cùng ngành tràn vào”.

Song, xét cho cùng, kết quả kinh doanh không có gì đáng nói nếu những bất đồng chưa được giải quyết dứt điểm. Nhóm cổ đông đã từng gửi thư tố cáo DN cho rằng (nhóm A), giải quyết bất đồng công khai là hành động cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông, thể hiện quyền được biết về DN.

“Nếu DN công khai, minh bạch mọi thông tin cần thiết thì không cổ đông nào lại hành xử thế cả”, một cổ đông của nhóm A nói. Thậm chí, có cổ đông còn cho rằng, những gì đang diễn ra tại Investip cho thấy mặt trái của hình thức cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, trước sự bức xúc về nhiều vấn đề của nhóm cổ đông A, ban lãnh đạo Công ty lại coi đó chẳng khác nào hình thức chống phá “người cầm quyền mới”. Công bằng mà nói, cổ đông có thể có cách hiểu chưa đúng về DN, nảy sinh thắc mắc, chất vấn…, nhưng nếu người điều hành DN thực hiện đúng vai trò của nhà quản trị DN, nỗ lực minh bạch thông tin thì chắc hẳn mọi việc đã khác.

Tại đại hội, hầu hết chất vấn của cổ đông nhóm A đều được HĐQT Investip trả lời… “lấp lửng”. Ngoài ra, cho đến nay, cổ đông nhóm A của Investip vẫn chưa được biết báo cáo kiểm toán năm 2007, dù báo cáo đã được hoàn tất xong xuôi.

Chậm bàn giao sau CPH

Bên cạnh những tranh cãi, tố cáo nhau giữa hai nhóm cổ đông tại Investip về nhiều vấn đề, một vấn đề lớn khác tại Investip là việc chậm bàn giao sau cổ phần hóa. Đến nay, Investip đã hoạt động theo hình thức CTCP được gần 2 năm, nhưng báo cáo HĐQT cho biết:

“Quá trình cổ phần hoá vẫn chưa hoàn thành, việc bàn giao tài chính vẫn chưa thực hiện được đã gây khó khăn cho công tác tài chính kế toán của Công ty, đặc biệt là công nợ đối với khách hàng và nghĩa vụ của Công ty đối với Nhà nước”.

HĐQT thì đổ tại ban lãnh đạo cũ không chịu đến thực hiện và hoàn tất các công đoạn bàn giao. Cổ đông thì nghi ngại do lợi ích cá nhân của một số người nên cứ mãi dền dứ câu chuyện bàn giao. Cơ quan chủ quản đã nhiều lần thúc giục ban lãnh đạo cũ đến bàn giao, cụ thể là yêu cầu kế toán trưởng cũ đến để mở chứng từ tài chính.

Bên cạnh đó, trước thời điểm thôi việc, ban lãnh đạo cũ cho biết, đã thực hiện phần nào công tác bàn giao. Nhưng vì lý do gì cho đến nay vẫn chưa hoàn tất? Ách tắc ở khâu nào?

Tại đại hội, đại diện phần vốn nhà nước đã thừa nhận trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chậm trễ bàn giao và cho biết đã có hướng giải quyết là thay vì trông chờ vào ban lãnh đạo cũ sẽ mời các đơn vị liên quan như Thanh tra Bộ, Công an Kinh tế chứng kiến mở chứng từ tài chính, hoàn tất bàn giao, song ghi nhận ý kiến của một số cổ đông Investip thì mọi việc vẫn còn phải chờ!

Theo Diệu Minh
ĐTCK

khanhhoa

Trở lên trên