MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư nội thoát 'bóng' nhà đầu tư ngoại

Diễn biến của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây cho thấy NĐT nội tự tin hơn và không còn lệ thuộc vào NĐT ngoại.

NĐT nội “dẫn dắt” thị trường

Cũng trong phiên giao dịch ngày 15/05, trong khi NĐT nội ra sức “gom hàng”, kéo cổ phiếu đồng loạt tăng giá mạnh thì khối NĐT nước ngoài lại đẩy mạnh bán ra.

Theo thống kê của HoSE, trong phiên giao dịch ngày 15/5, NĐT ngoại bán ra gần 5 triệu đơn vị, tương đương 173 tỷ đồng, trong khi lượng mua vào chỉ đạt hơn 2,2 triệu đơn vị, tương đương 90 tỷ đồng. Điều này trái ngược với phiên giao dịch 14/5, trong khi NĐT nội ồ ạt “xả hàng” khiến VN-Index mất điểm thì khối NĐT ngoại lại mua ròng.

Đây là một trong những diễn biến thường thấy của TTCK: NĐT nội tranh mua khi VN-Index đi lên và bán ra khi VN-Index đi xuống. Trong khi đó, chiến lược đầu tư của NĐT ngoại thì ngược lại, mua vào khi cổ phiếu điều chỉnh giảm và tranh thủ “chốt lãi” khi cổ phiếu tăng.

Tuy vậy, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, diễn biến của TTCK đang phụ thuộc hoàn toàn vào động thái mua bán của của NĐT nội. VN-Index ghi điểm khi NĐT nội mua vào và mất điểm khi NĐT nội bán ra.

Giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng, sau một thời gian “bám trụ”, NĐT nội đã thật sự “trưởng thành” hơn, họ có những chiến lược đầu tư độc lập chứ không còn “núp gió” NĐT ngoại như những năm trước.

“NĐT nội có thể thua NĐT ngoại trong phân tích kỹ thuật nhưng lại hơn hẳn về khả năng dự báo xu hướng thị trường. Đây chính là thế mạnh của NĐT nội vì không ai hiểu tâm lý mình bằng chính bản thân mình”, vị giám đốc này chia sẻ.

Vắng NĐT tổ chức

Tại các TTCK trên thế giới, vai trò của các NĐT tổ chức rất quan trọng. Hoạt động giao dịch của NĐT tổ chức mang tính dẫn dắt vì giao dịch của họ chiếm 70 - 80% giá trị giao dịch thị trường. TTCK Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại, giao dịch của NĐT cá nhân chiếm tỉ lệ lớn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI, thực tế, nếu các NĐT lập quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty chuyên đầu tư chứng khoán thì phải chịu thuế cao hơn nhiều so với cá nhân và tổ chức nước ngoài. Do vậy, họ không thích thành lập pháp nhân mà chỉ muốn đầu tư theo hình thức cá nhân để không bị đánh thuế cao.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những đóng góp của các NĐT cá nhân. Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), NĐT ngắn hạn còn được gọi là những người “bám sàn” hay “nhà đầu cơ”. Họ là những người góp phần quan trọng để tạo nên tính thanh khoản của thị trường.

Nếu như hàng ngày TTCK không có nhiều giao dịch ngắn hạn thì sẽ kém hấp dẫn và thiếu tính thanh khoản. Chính vì vậy, vai trò của các NĐT này là hết sức quan trọng .

Cái thiếu của TTCK Việt Nam là những tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Theo thống kê, TTCK Việt Nam hiện chỉ có hơn 50 công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán, tổng quy mô chỉ nhỉnh hơn so với quỹ của một công ty quản lý quỹ nước ngoài trung bình tại Việt Nam. Đây là con số quá nhỏ nếu so với hàng trăm ngàn DN đang hoạt động hiện nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngay cả cấu trúc của các DN, nếu không tính cổ phần nhà nước thì tỷ trọng cổ đông tổ chức nước ngoài trong hiện chiếm chưa tới 20% vốn điều lệ, còn nếu tính tỷ lệ cổ đông tổ chức trong nước thì tỷ lệ bình quân không tới 5% vốn điều lệ.

Việc thiếu vắng các NĐT tổ chức gây ra tình trạng cấu trúc lỏng, tức là luôn luôn có sự thay đổi về cổ đông trong một công ty cổ phần và đa phần NĐT cá nhân đếu có khuynh hướng đầu tư ngắn hạn và không quan tâm tới công tác quản trị DN.

Điều này dễ dẫn đến đến tâm lý đầu tư chứng khoán theo phong trào, khiến TTCK phát triển không bền vững.

Theo Hải Hồ
Báo Đất Việt

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên