IMF: Kinh tế châu Á sẽ hồi phục vào năm 2010
IMF dự báo kinh tế châu Á năm 2009 tăng trưởng 1,3% và lên mức 4,3% trong năm 2010. Châu Á khó có thể lấy lại tăng trưởng như trước khủng hoảng.
- 21-05-2009Kinh tế châu Á đón tín hiệu ổn định trở lại
- 15-05-2009Kinh tế châu Á sẽ hồi phục sớm nhất thế giới
- 14-05-2009Paul Krugman lo ngại Mỹ và châu Âu sẽ bước vào “thập kỷ mất mát”
Năm 2009 sẽ đi vào lịch sử là năm đầu tiên tính từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai hoạt động kinh tế đi xuống trên phạm vi toàn cầu. Công ty tài chính tại các nền kinh tế phát triển chịu nhiều áp lực, tín dụng thu hẹp, tài sản của người dân bốc hơi, bất ổn tăng cao.
Tất cả những yếu tố trên dẫn đến nhu cầu trên toàn thế giới sụt giảm nghiêm trọng, lĩnh vực tài chính và doanh nghiệp trượt dốc, nhà hoạch định chính sách kinh tế vì thế phải đương đầu với nhiều thách thức.
Quý 4/2008, GDP toàn cầu suy giảm với tốc độ tính theo trung bình năm là 6,25%, dự kiến mức suy giảm trên lại được thiết lập trong quý 1/2009.
Khủng hoảng toàn cầu ảnh hưởng đến châu Á với tốc độ gây bất ngờ. Kinh tế châu Á còn đi xuống với tốc độ nhanh hơn so với những nước thuộc tâm khủng hoảng.
Quý 4/2008, GDP châu Á không tính Trung Quốc và Ấn Độ hạ gần 15% nếu tính theo trung bình năm.
Gần đây, kinh tế khu vực này đón một số dấu hiệu ổn định. Đà suy giảm của xuất khẩu đã chững lại, tình hình sản xuất công nghiệp có cải thiện. Áp lực trên thị trường tín dụng từ tháng 3/2009 đã giảm bớt.
Bất chấp yếu tố tích cực trên, mọi chuyện mới chỉ ở mức ổn định hơn chứ chưa thể nói đến sự hồi phục. Áp lực tài chính toàn cầu vẫn ở mức cao, áp lực này chỉ có giảm nếu được giải quyết bằng các chính sách thích hợp. Suy thoái càng kéo dài, áp lực dồn tích đối với lĩnh vực doanh nghiệp và các ngân hàng sẽ đi theo hướng lĩnh vực này gây hại đến lĩnh vực khác.
Tại sao châu Á lại chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng toàn cầu?
Thương mại
Câu trả lời nằm chính ở bản chất sự hội nhập của kinh tế châu Á vào kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng ấn tượng của thương mại liên vùng những thập kỷ qua khiến nhiều người nghĩ rằng châu Á có thể tránh ra khỏi chu trình kinh tế của các nước phát triển.
Trên thực tế, phần lớn tăng trưởng thương mại liên vùng trong những năm gần đây đến từ sản xuất linh kiện và thiết bị. Báo cáo triển vọng kinh tế tháng 4/2008 cho thấy phần lớn hàng xuất khẩu châu Á được tiêu thụ bên ngoài khu vực này và như vậy sự liên quan của châu Á với nền kinh tế các nước phát triển tăng dần theo thời gian.
Mối tương quan giữa tăng trưởng nhập khẩu của Mỹ và xuất khẩu liên vùng châu Á ngày một mạnh mẽ hơn.
Khủng hoảng tác động nhiều đến châu Á bởi sản xuất khu vực này trọng tâm vào lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh bởi việc tín dụng toàn cầu thắt chặt. Châu Á phụ thuộc vào tăng trưởng hàng xuất khẩu công nghệ trung và cao cấp bao gồm ô tô, hàng điện tử, máy móc.
Xuất khẩu ô tô của Nhật trong khoảng thời gian từ tháng 9/2008 đến tháng 3/2009 đã giảm tới 70%. So sánh tăng trưởng GDP quý 4/2008 của nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi cho thấy những nền kinh tế nào có tỷ trọng ngành sản xuất trong GDP lớn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.
Từ tháng 9/2008 đến tháng 2/2009, xuất khẩu máy móc châu Á giảm 70% (tính trung bình theo năm). Tốc độ này gấp rưỡi tốc độ sụt giảm của loại hàng hoá trên trong thời kỳ bong bóng công nghệ vỡ năm 2000, gấp ba lần so với thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á.
Tài chính
Người ta từng cho rằng châu Á sẽ đứng ngoài cuộc khủng hoảng tài chính tại các nước giàu. Tổ chức tài chính châu Á có tiềm lực vốn tốt, hoạt động liên quan đến thị trường chứng khoán dưới chuẩn của Mỹ không nhiều, không tham gia vào những hoạt động cho vay chứa nhiều rủi ro dù thị trường bất động sản tại nhiều nước có hình thành bong bóng.
Cuối cùng tất cả giả định đều đúng, khủng hoảng dưới chuẩn và sự sụt giảm của giá nhà đất không trực tiếp gây tổn hại đến hệ thống ngân hàng châu Á. Tuy nhiên, ảnh hưởng gián tiếp của biến động trên thị trường tài chính toàn cầu đối với châu Á không hề nhỏ.
Nguyên nhân của điều này là mối quan hệ tài chính giữa châu Á và phần còn lại của thế giới đã chặt chẽ hơn trong thập kỷ qua. Mối quan hệ này thể hiện qua mối liên hệ liên biên giới, doanh nghiệp châu Á vay tiền khá nhiều trên thị trường trái phiếu quốc tế. Việc châu Á tham gia và thị trường tài chính quốc tế góp phần quan trọng làm nên tăng trưởng trong khu vực. Xu thế ban đầu nay đang đi ngược trở lại, dẫn đến sự căng thẳng trên thị trường tài chính.
Dòng chảy vốn đến châu Á giảm bởi thua lỗ tăng cao, ngân hàng các nước ngày một thu hẹp hoạt động liên quan đến thị trường các nước mới nổi, dù là trực tiếp hay thông qua các chi nhánh.
Ảnh hưởng của khủng hoảng đến các nước thu nhập thấp tại châu Á
Những ảnh hưởng ban đầu không đáng kể
Khủng hoảng tài chính chậm ảnh hưởng đến nước thu nhập thấp châu Á bởi bản chất gián tiếp của chính cuộc khủng hoảng này. Nước thu nhập thấp tại châu Á cũng không chịu ảnh hưởng mạnh ban đầu bởi quy mô, trình độ phát triển còn hạn chế của thị trường tài chính các nước này.
Ảnh hưởng thật sự
Sau giai đoạn tĩnh lặng ban đầu, nước thu nhập thấp khu vực châu Á bắt đầu gánh chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Công ty xuất khẩu hàng hoá chịu ảnh hưởng đầu tiên
Tăng trưởng kinh tế chững lại
Doanh số bán lẻ tại Mỹ giảm, số lượng đơn đặt hàng đối với mặt hàng dệt may giảm, lợi nhuận biên giảm vì các công ty hạ giá sản phẩm
Cơ hội việc làm cho lao động tại các nước mới nổi và phát triển giảm
Giá nông phẩm hạ, thu nhập người dân khu vực nông thông giảm, nhiều hộ gia đình buộc phải quay lại hình thức sản xuất nông nghiệp tự túc tự cấp, không mang lại thu nhập
Dòng chảy vốn hạn chế hoặc hiện tượng vốn chảy ngược lại các ngân hàng chủ quản phương Tây đang gặp khó khăn làm giảm thanh khoản tại hệ thống ngân hàng các nước thu nhập thấp
Chính sách
Nhà hoạch định chính sách kinh tế tại các nước thu nhập thấp gặp khó khăn trong việc cân bằng tăng trưởng kinh tế, thị trường việc làm và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng nội tệ hạ giá không có nhiều tác dụng kích thích xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế của các đối tác thương mại lớn cũng đang suy giảm.
Chính sách tài khoá: Doanh thu của các chính phủ chịu nhiều áp lực tiêu cực. Nguồn thu từ thương mại và thuế doanh thu giảm mạnh. Thiếu những nguồn trên, chương trình đầu tư công hạn chế, trong một số trường hợp nếu không có sự điều chỉnh sẽ tác động xấu tới dự trữ ngoại tệ.
Chính sách tiền tệ: Tại những nước thu nhập thấp, vai trò của hệ thống tài chính trong việc cung cấp tín dụng hỗ trợ tăng trưởng hạn chế bởi trình độ phát triển của thị trường. Hơn thế nữa, công cụ quản lý chính sách không hiệu quả hạn chế khả năng của Ngân hàng Trung ương trong việc tiến hành các hoạt động tiền tệ.
Dòng vốn vào khu vực châu Á giảm mạnh ít nhất tính đến tháng 3/2009, nhà đầu tư tổ chức toàn cầu và các quỹ đầu cơ giảm sự quan tâm đến thị trường các nước mới nổi nói chung.
Giá cổ phiếu vì thế cũng chịu áp lực tiêu cực, dù đã tăng trong thời gian gần đây, tính toán của Morgan Stanley cho thấy cho thấy chỉ số của các thị trường chứng khoán các nước mới nổi châu Á vẫn thấp hơn 40% so với mức khởi đầu vào năm 2008. Ngoại lệ duy nhất là thị trường chứng khoán Trung Quốc nhờ ảnh hưởng từ kế hoạch 586 tỷ USD kích thích kinh tế được chính phủ đưa ra vào năm 2008.
Các doanh nghiệp châu Á đang ứng phó như thế nào?
Doanh nghiệp châu Á trước tình hình nhu cầu thế giới sụt giảm đã cắt giảm sản xuất và giảm bớt hàng tồn kho. Hai tháng đầu năm 2009, sản xuất công nghiệp tại Nhật và nhiều nước công nghiệp mới giảm với tốc độ hơn 50% tính theo trung bình 3 tháng, mức hạ kỷ lục.
Sản xuất thu hẹp với mục đích giảm hàng tồn kho. Lượng hàng xuất đi cũng giảm mạnh đến mức lượng hàng tồn kho đã tăng lên mức cao hiếm thấy tại nhiều nền kinh tế. Gần đây, số hàng tồn kho này đã giảm bớt, đặc biệt tại Hàn Quốc nơi xuất khẩu tăng trở lại nhờ đồng nội tệ rất yếu.
Dù vậy, việc điều chỉnh lượng hàng tồn kho để quay lại mức cân xứng với lượng hàng xuất như trước khủng hoảng trong khi nhu cầu toàn cầu đi xuống sẽ gây ảnh hưởng xấu đến GDP trong vài quý tới.
Đầu tư tư nhân chững lại đáng kể. Tốc độ sụt giảm của đầu tư tư nhân tệ hại nhất tại Nhật và nước công nghiệp mới. Nhu cầu hàng hoá từ nước ngoài giảm mạnh, lợi nhuận giảm, lòng tin doanh nghiệp cũng không khá hơn. So với cùng kỳ, đầu tư doanh nghiệp quý 4/2008 tại Nhật giảm 15% và tại nhiều nước công nghiệp mới – tốc độ này cao gần bằng thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á.
Tiêu dùng cá nhân biến động nhẹ. Tốc độ tiêu dùng cáo nhân giảm trung bình chỉ khoảng 0,5%. Nguyên nhân cho việc này là bởi giá hàng hoá, đặc biệt là giá dầu và thực phẩm hạ. Hơn thế nữa, người dân có thể dựa vào nguồn tiền tiết kiệm dồi dào tại các ngân hàng.
Tại những nước chịu ảnh hưởng mạnh bởi tín dụng thắt chặt và giá nhà đất hạ, tiêu dùng người dân hạ mạnh hơn.
Dù các công ty châu Á phải thu hẹp các dự án đầu tư và thu hẹp sản xuất, cho đến nay họ luôn cố gắng giữ công ăn việc làm cho người lao động, hạn chế bớt những hoạt động không cần thiết.
Tuy nhiên nếu tình trạng nhu cầu sụt giảm kéo dài, các công ty sẽ không còn sự lựa chọn nào ngoài việc tái cơ cấu, khu vực này hẳn sẽ chứng kiến làn sóng thâu tóm và sáp nhập lớn.
Tỷ lệ thất nghiệp tại châu Á có thể lên gần mức thời khủng hoảng tài chính châu Á. Trên thực tế, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng tại khắp châu Á.
Nhu cầu nội địa tại Trung Quốc không giảm nhiều, yếu tố này tuy nhiên không hề có tác dụng nào đối với châu Á do chính sách của Trung Quốc trong việc bảo vệ kinh tế Trung Quốc khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu. Cụ thể, Trung Quốc trọng tâm vào phát triển đầu tư công chứ không phải đầu tư sản xuất, loại hình đầu tư này sử dụng nguồn hàng hoá, nguyên vật liệu nội địa.
Triển vọng hồi phục
Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (World Economic Outlook) công bố tháng 4/2009 cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục vào đầu năm 2010. Thời điểm hồi phục phụ thuộc vào sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu tại thị trường các nước phát triển.
Sẽ mất một khoảng thời gian mới thể giải quyết được số tài sản xấu và hồi phục niềm tin vào bảng cân đối kế toán của các ngân hàng.
Những biện pháp toàn diện cải thiện tình hình của thị trường tín dụng, hỗ trợ từ chính sách tài khoá và tiền tệ cuối cùng sẽ giúp nền kinh tế các nước phát triển hồi phục vào năm sau.
Vấn đề hiện nay đối với các nền kinh tế châu Á là liệu có phải đến khi điều này xảy ra, khu vực này mới có thể lấy lại tăng trưởng như trước khủng hoảng?
Lịch sử cho thấy khi nhu cầu tại các nước phát triển tăng, châu Á mới có thể thoát khỏi khủng hoảng. Từ năm 1980 cho đến nay, sự hồi phục của kinh tế châu Á thường đến từ xuất khảu. Nhu cầu toàn cầu và sự hạ giá của đồng nội tệ cho phép châu Á hồi phục theo mô hình chữ V.
Lần này, không có yếu tố kích thích nào tương tự như vậy dành cho châu Á. Đóng góp của xuất khẩu vào GDP sẽ giảm trong 2 năm tới.
Nhu cầu tiêu dùng nội địa đi xuống bởi những cú sốc từ bên ngoài tiếp tục gây áp lực lên đầu tư và tiêu dùng tư nhân. Tổng đầu tư cố định trong lĩnh vực tư nhân sẽ vẫn đi xuống. Trên thực tế, xét đến liên quan giữa xuất khẩu liên quan đến nhu cầu nội địa tại một số nền kinh tế châu Á cho thấy sẽ mất một năm rưỡi nữa, tăng trưởng đầu tư tại Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Thái Lan mới trở lại mức trước khủng hoảng.
Tiêu dùng cá nhân dự kiến vẫn ở mức thấp bởi tỷ lệ thất nghiệp cao, lòng tin đi xuống và giá tài sản (trong đó có giá nhà đất) hạ.
Nhìn chung, chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khoá sẽ hạn
chế bớt tác động xấu lên nền kinh tế. Thế nhưng tất cả là không đủ để mang lại
tăng trưởng bền vững cho khu vực.
Kinh tế châu Á năm 2009 sẽ tăng trưởng 1,3% và lên mức 4,3% trong năm 2010. Tốc độ tăng trưởng năm 2008 là 5,1%. Châu Á khó có thể lấy lại tăng trưởng như trước khủng hoảng.
Ngọc Diệp
Theo IMF