MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mức mất giá tối đa của VND năm 2009 không vượt quá 5-6%

26-05-2009 - 08:01 AM | Tài chính - ngân hàng

BIDV cho biết với 20 tỷ USD dự trữ ngoại hối thì khả năng bình ổn thị trường ngoại hối hoàn toàn hiện thực. Mức mất giá tối đa của VND trong năm 2009 không vượt quá 5-6%.

Hôm qua (25/5), Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt nam (BIDV) vừa đưa ra bản phân tích cụ thể tình hình cung-cầu ngoại tệ hiện nay để xem xét xu hướng biến động của tỷ giá USD/VND trong thời gian tới.

Theo BIDV, sang đến năm 2009, tỷ giá USD/VND lại tiếp tục đà tăng trong 4 tháng đầu năm đặc biệt sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện nới rộng biên độ tỷ giá lên +/-5%.

Trong bối cảnh nguồn ngoại tệ ròng vào Việt Nam là dương trong 4 tháng đầu năm thì dường như yếu tố chính khiến tỷ giá USD/VND tăng mạnh lại chính là do yếu tố đầu cơ găm giữ ngoại tệ hơn là các yếu tố về luồng ngoại tệ ra vào nền kinh tế.

Cán cân thương mại thăng dư liên tục trong 3 tháng đầu năm và tổng giá trị thặng dư trong 4 tháng đạt 800 triệu USD, dòng vốn FII là tương đối cân bằng khi giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trên thị trường trái phiếu là khoảng 300 triệu USD trong quý I đã được bù đắp bởi FII ròng vào thị trường chứng khoán trong tháng 4 và tháng 5 là khoảng 130 triệu USD.

Tuy nhiên, lượng ngoại tệ vào Việt Nam không được cung ứng ra thị trường đáp ứng các nhu cầu thanh toán ngoại tệ như thanh toán tiền hàng nhập khẩu, thanh toán trả nợ vay đến hạn mà tập trung trên tài khoản tiền gửi chờ tỷ giá lên. Số dư tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 4/2009 tăng khoảng 4,52% so với cuối năm 2009, trong khi đó số dư tiền vay ngoại tệ giảm 1,6% tương ứng.

Thâm hụt thương mại 2009 khoảng 6,9 tỷ USD

Trong bản phân tích, BIDV đưa ra dự báo: Thâm hụt thương mại của Việt Nam trong năm 2009 dự kiến giảm 60% so với năm 2008, ở mức khoảng 6,9 tỷ USD với kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 10% so với năm 2008 (đạt 56 tỷ USD) nếu không tính xuất khẩu vàng và 58,2 tỷ USD nếu tính xuất khẩu vàng; kim ngạch nhập khẩu giảm khoảng 19% so với năm 2008 (đạt 65,1 tỷ USD).

Về xuất khẩu, trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 18,29 tỷ USD nếu không tính đến xuất khẩu vàng đạt 16,09 tỷ USD giảm 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong điều kiện khả năng kinh tế thế giới chỉ có thể phục hồi từ năm 2010 đặc biệt là các nước nhập khẩu chính của Việt nam (Mỹ, Nhật, Châu Âu) dù đã qua giai đoạn xấu nhất của khủng hoảng; giá cả hàng hoá có thể tăng từ quý II tuy nhiên mặt bằng giá hàng hoá năm 2009 sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2008; khả năng duy trì xuất khẩu vàng trong năm 2009 là thấp.
Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu của Việt nam chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu do vậy ít chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, kim ngạch xuất khẩu dự kiến của Việt Nam giảm 10% so với năm 2008.

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt 17,83 tỷ USD giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái do cả lượng và giá nhập khẩu đều giảm khá mạnh, đặc biệt là ở các mặt hàng nhập khẩu chính chiếm tỷ trọng lớn.

Trong thời gian tới, gói giải pháp kích cầu của Chính phủ, đặc biệt là gói hỗ trợ lãi suất không chỉ giới hạn ở phần cho vay vốn lưu động mà được mở rộng đối với các khoản vay trung dài hạn sẽ phát huy tác dụng từ quý II, nguồn vốn thực sự được đưa vào sản xuất, do vậy kích thích nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng máy móc, thiết bị, sắt thép.

Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, giày dép sẽ tăng mạnh từ cuối quý II do yếu tố mùa vụ. Tuy nhiên, nhu cầu xăng dầu nội địa được cung ứng một phần từ nhà máy lọc dầu Dung quất, đồng thời giá thành hàng hoá vẫn thấp hơn so với năm 2008 nên dự kiến kim ngạch nhập khẩu sẽ giảm khoảng 19% so với năm 2008.

Giá trị giải ngân dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 5 tỷ USD và dòng tiền đầu tư gián tiếp nước ngoài ròng vào Việt nam dự kiến là cân bằng.

FDI đăng ký trong quý I/2009 là 6 tỷ USD cùng với phần còn lại của năm 2008 khoảng trên 50 tỷ USD, trong đó có 27 tỷ USD tập trung vào lĩnh vực dịch vụ như khách sạn, du lịch, văn phòng, nhà ở. Việc các nước đầu tư chủ yếu vào Việt nam chịu ảnh hưỏng của suy thoái kinh tế đặc biệt là Đài Loan sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng giải ngân.

Kinh tế thế giới và khủng hoảng tài chính được đánh giá đã trải qua thời điểm tồi tệ nhất, dự kiến quỹ đầu tư có lượng tiền thật (real money fund) sẽ đầu tư vào thị trường Châu Á mới nổi khi thị trường này có dấu hiệu phục hồi dự kiến vào đầu quý III.
Hơn nữa, lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại thị trường Việt Nam ước tính chỉ còn khoảng 2,5 tỷ USD còn nhỏ so với con số 20 tỷ USD năm 2007. Do vậy, khả năng về hoạt động rút vốn dồn dập của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay để tạo ra sức ép lên tỷ giá là khó xẩy ra.

Nguồn vốn giải ngân ODA dự kiến đạt mức 1 tỷ USD, kiều hối giảm xuống mức 3 tỷ USD do khó khăn của nền kinh tế toàn cầu có thể bù đắp được các khoản trả nợ vay nước ngoài đến hạn khoảng 1,5 tỷ USD.

Như vậy, Ngân hàng này đánh giá rằng xét trên tổng thể cán cân lớn của nền kinh tế thì năm 2009 tốt hơn rất nhiều so với năm 2008 với mức thâm hụt cán cân thanh toán chỉ ở mức khoảng 1 tỷ USD, tuy nhiên tâm lý đầu cơ găm giữ ngoại tệ dẫn tới hiện tượng đô la hoá trên thị trường Việt nam vẫn còn.

Trên cơ sở đó BIDV đưa ra kết luận: với lượng dự trữ ngoại hối quốc gia là 20 tỷ USD như hiện nay thì khả năng bình ổn thị trường ngoại hối là hoàn toàn hiện thực với mức mất giá tối đa của VND trong  năm 2009 không vượt quá 5-6% như trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình.

Tuy nhiên, để thị trường thực sự bình ổn,  Ngân hàng này đưa ra kiến nghị NHNN cần sớm triển khai dứt khoát và đồng bộ 3 nhóm giải pháp dự kiến về đảm bảo chênh lệch hợp lý giữa lãi suất USD và lãi suất VND, các giải pháp chấn chỉnh thị trường, và đặc biệt là tạo được niềm tin cho tổ chức, cá nhân.

V.Minh (lược ghi)

 

tuyetminh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên