MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến lượt doanh nghiệp đổ tiền vào chứng khoán

Một phần dòng tiền được hỗ trợ lãi suất cũng đã chảy vào chứng khoán.

Thị trường chứng khoán dù cuối tuần qua xuống điểm, vẫn chưa hết gây ngạc nhiên cho cộng đồng đầu tư. Khối lượng giao dịch thường xuyên đạt 2.000 tỉ đồng/ngày trong khi thời kỳ cao điểm 2007, chỉ xoay quanh mức 1.000 tỉ đồng/ngày

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, VN-Index đừng ở 404,58 điểm, giảm 1,92%, nhưng giá trị giao dịch đạt trên 2.000 tỉ đồng. Khối lượng giao dịch liên tục lập kỷ lục có phần do doanh nghiệp đã khởi động lại việc đầu tư tài chính.

Doanh nghiệp lại mua vào

Đến ngày 20/5, công ty cổ phần đầu tư Minh Phú đã mua vào hai triệu cổ phiếu MPC của công ty cổ phần thuỷ hải sản Minh Phú, tương đương 2,6% vốn của MPC. Công ty cổ phần đầu tư Minh Phú là công ty có liên quan đến ông Lê Văn Quang, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc MPC và bà Chu Thị Bình, phó chủ tịch HĐQT kiêm phó tổng giám đốc MPC.

Hai ông bà hiện nắm 90% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại công ty cổ phần đầu tư Minh Phú. Từ ngày 14 – 18.5, bà Bình cũng đã thực hiện bán ra 200.000 cổ phiếu MPC, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 24,96%. Hiện tại, ông Quang cũng đang nắm giữ 22,8% vốn của MPC.

Công ty Năm Bảy Bảy (NBB) cho biết đang mua vào 1,54 triệu cổ phiếu quỹ, chiếm 10% vốn điều lệ. Trước đó, vào cuối tháng 3, công ty Vincom cũng tranh thủ mua vào cổ phiếu quỹ VIC tương đương với 9% vốn điều lệ.

Trước đó, vào quý 1, công ty cổ phần phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đã phải trích lập dự phòng giảm giá cổ phiếu Saigon Tel (SGT) với số tiền lên đến 116 tỉ đồng, nhưng mới đây KBC đăng ký mua gần 1,3 triệu cổ phiếu SGT. Sau giao dịch này, KBC sẽ chiếm 22,3% vốn điều lệ của SGT, thể hiện quyết tâm thâu tóm SGT.

Còn đối với công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), dù đã thừa nhận sai lầm đầu tư tài chính năm qua, nhưng đã hai lần từ đầu năm đến nay, REE vẫn bỏ thêm gần 19 tỉ đồng vào công ty cổ phần quản lý quỹ RNG, nâng tỷ lệ chiếm giữ lên 61,6% vốn điều lệ của công ty này.

Quan sát báo cáo quý (báo cáo lưu chuyển tiền tệ) của các doanh nghiệp, dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán có dấu hiệu tăng. “Nhiều doanh nghiệp đang tranh thủ xu hướng lên của thị trường để tìm kiếm lợi nhuận như năm 2006 – 2007”, Th.S Lê Đạt Chí nhận xét.

“Tôi không hiểu vì sao cổ phiếu công ty mình lại tăng giá, trong khi tình hình kinh doanh của công ty không có gì biến động”, giám đốc một công ty nói. Trước đây, sở Giao dịch TP.HCM (HoSE) thường yêu cầu các công ty có cổ phiếu tăng giá mạnh phải giải trình lý do, nhưng hai ba tháng gần đây thì hầu như không thấy đòi hỏi này.

“Có lẽ sở cũng hiểu rằng, có yêu cầu thì các doanh nghiệp cũng không biết giải thích như thế nào”, giám đốc một công ty chứng khoán nói.

Chằng chịt đầu tư chéo

Vào thời điểm chứng khoán đang đà lên mạnh trong 2007, mất gần sáu tháng VN-Index tăng 50%, giá trị giao dịch xoay quanh 1.000 tỉ đồng. Trong khi từ đầu năm đến nay, chứng khoán đã tăng gần 80%, từ 235 điểm lên 404,58 điểm tính đến cuối tuần qua, giao dịch vọt lên 1.500 – 2.000 tỉ đồng.

Mới đầu tháng 4 nhà đầu tư còn chơi chứng khoán bằng tiền của mình, giờ không hiếm cảnh tượng vay tiền đổ vào chứng khoán, với một loạt các công ty chứng khoán đang cung cấp dịch vụ cho vay.

Chỉ có 100 triệu là có thể vay lên gấp ba lần, chỉ cần có người uy tín bảo lãnh, một nhà đầu tư nhỏ lẻ cho biết. “Nhà đầu tư đã khôn ngoan hơn, nhưng lòng tham vẫn không thay đổi”, giám đốc công ty chứng khoán trên nhận xét.

Tham gia vào thị trường ngày càng mạnh hơn là các tổ chức, công ty. “Doanh nghiệp tự biết tranh thủ xu hướng chứng khoán, biết dùng tiền như thế nào là tốt cho họ, nhưng không nên sa lầy vào đó mà bỏ quên kinh doanh sản xuất cốt lõi của công ty, và khó “thoát thân” nếu rủi ro xảy ra: thị trường chứng khoán quay đầu như năm rồi”, ông Lê Đạt Chí nói.

Những hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, ngoài việc công bố theo quy định trên sở giao dịch, còn ở dưới dạng dòng tiền nhàn rỗi luân chuyển cho vay từ công ty con cho công ty “mẹ”, hoặc công ty cho cá nhân lãnh đạo vay một tài sản lớn mấy trăm tỉ đồng như ở trường hợp công ty K. Mà cá nhân hay công ty nhận được khoản vay đó có đổ vào chứng khoán hay không thì công ty khó kiểm soát được.

Ngoài ra, một lãnh đạo ngân hàng Nhà nước thừa nhận là một phần dòng tiền được hỗ trợ lãi suất cũng đã chảy vào chứng khoán. Trường hợp không thoát khỏi nếu thị trường đảo chiều, dòng tiền này, dù chỉ chịu chi phí vốn thấp, có thể trở thành nợ xấu.

Theo Hồng Sương
SGTT

khanhhoa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên