MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TTCK: Sự phấn khích phi lý?

Những nhà tài chính có kinh nghiệm cho rằng khái niệm giá trị công ty không còn thích hợp ở thời điểm này của thị trường chứng khoán, khi mà “sự phấn khích phi lý” thống trị.

Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường chứng khoán? Không chỉ thị trường chứng khoán Việt Nam, các thị trường trên khắp thế giới trong vài tuần qua đều mua bán tấp nập và đang trên đà tăng điểm mạnh.

Những chỉ số kinh tế cơ bản chưa đủ đảm bảo một sự phục hồi kinh tế nhanh chóng, nhưng các thị trường chứng khoán đang trong tâm trạng hào hứng như đang “phê thuốc” – dẫn lời một số chuyên gia tài chính quốc tế.

Chỉ số VN–Index đã vượt qua ngưỡng 500 điểm, giao dịch tăng vọt lên 5.000 tỉ đồng/ ngày, so sánh với mức khoảng 2.000 tỉ đồng chỉ cách đây hơn một tuần.

Cuối tuần rồi, chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ đã xoá hết được những khoản lỗ của năm 2009 sau khi tăng bốn tuần liên tiếp, đạt mức 8.799 điểm. Các thị trường lớn khác trên thế giới đều tăng, kể cả thị trường chứng khoán Nhật, nơi các chỉ số kinh tế vẫn còn đang rất ảm đạm.

Tại sao lại có sự hứng khởi này, và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Ở thời điểm này, câu trả lời của một chuyên gia tài chính lão luyện có lẽ cũng chỉ có giá trị ngang hàng một nhà đầu tư không chuyên hạng bét. Thị trường chứng khoán đặc biệt bị chi phối bởi yếu tố tâm lý, và những cao trào lên xuống là lúc đặc điểm này thể hiện rõ nhất.

“Thị trường chứng khoán phản ánh mong đợi của người ta”, ông Dominic Scriven, tổng giám đốc quỹ đầu tư Dragon Capital, một trong những nhà đầu tư nước ngoài nhiều kinh nghiệm nhất ở Việt Nam, nhận xét. “Tâm lý là động lực mạnh nhất thúc đẩy sự lên xuống của thị trường này. Mà người chơi ở đây lại đặc biệt thích mạo hiểm”. Ông Scriven thêm vào với một nụ cười đầy ẩn ý.

Từ “thích mạo hiểm” mà ông Scriven dùng để mô tả nhà đầu tư, có lẽ tương đương với từ “thích đánh bạc”, mà các chuyên gia và nhà đầu tư trong nước không ngần ngại sử dụng.

Dĩ nhiên, các chuyên gia như ông Scriven đều không loại bỏ một yếu tố cực kỳ quan trọng liên quan đến những biến động trên thị trường chứng khoán: dòng tiền. Không khó nhận ra rằng dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán hiện nay là từ nguồn tiền “kích cầu” của Chính phủ.

Điều này đúng với các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới. Những gói tiền khổng lồ mà các chính phủ đang bơm vào nhằm vực dậy các nền kinh tế suy thoái đang được đổ vào thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp sẵn tiền từ các gói hỗ trợ không chỉ đầu tư sản xuất mà đang đưa vào các thị trường tài chính.

Theo tờ Wall Street Journal, riêng Chính phủ Mỹ đã quyết định dành 11,4 ngàn tỉ USD để kích thích kinh tế, trong đó khoảng 2,4 ngàn tỉ USD đã được tiêu. Ở Việt Nam, theo ngân hàng Nhà nước, trên 338 ngàn tỉ đồng vốn trong chương trình hỗ trợ lãi suất đã được giải ngân. Như vậy, một nguồn vốn chi phí rẻ rất lớn đã được đổ vào nền kinh tế.

Trong khi đó, về cơ bản, kinh tế Mỹ, nền kinh tế lớn nhất và có ảnh hưởng chi phối, chưa thực sự phục hồi, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang giảm, sản xuất, tiêu dùng chưa có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán khiến chính những công ty đang niêm yết cũng phải ngạc nhiên.

Giám đốc một công ty niêm yết trong lĩnh vực tài chính mà cổ phiếu đã tăng gấp năm lần chỉ trong vòng hai tuần qua cho biết mức tăng này vượt quá cả dự tính của công ty.

Ông cho biết mặc dù kết quả kinh doanh của công ty tốt, mức tăng này, vốn phản ánh mức tăng chung của các cổ phiếu niêm yết trên thị trường, cho thấy sự tách rời giữa thị trường chứng khoán với tình hình hoạt động không có gì đột biến của doanh nghiệp.

Những nhà tài chính có kinh nghiệm cho rằng khái niệm giá trị công ty không còn thích hợp ở thời điểm này của thị trường chứng khoán, khi mà “sự phấn khích phi lý” thống trị.

Đa số các nhà đầu tư chuyên nghiệp và chuyên gia tài chính trong nước cũng như quốc tế, vẫn nhìn nhận thị trường với thái độ thận trọng.

Thị trường chứng khoán, vốn phản ánh mong đợi của nhà đầu tư, thường đi trước nền kinh tế một bước. Những diễn biến trên các thị trường chứng khoán hiện nay cho thấy thị trường đang mong đợi nền kinh tế phục hồi nhanh chóng theo đồ thị hình chữ V. Đây là điều mà hầu như không nhà kinh tế nào đồng ý.

Ông Trịnh Hoài Giang, phó tổng giám đốc công ty chứng khoán HSC nói: “Thanh khoản thị trường đang rất mạnh, nhưng thị trường đang đi hơi xa so với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Tôi mong đợi một đợt điều chỉnh. Như vậy thị trường mới có thể phát triển ổn định”.

Một điều khó tránh khỏi, là với việc những nguồn tiền lớn đang được đổ vào nền kinh tế và chảy vào các thị trường chứng khoán và hàng hoá, giá cả bắt đầu tăng mạnh. Giá dầu thô tăng liên tục trong những tuần qua lên trên 70 USD/ thùng, mức cao nhất trong vòng bảy tháng qua. Giá dầu cao có khả năng sẽ kéo mức phục hồi kinh tế ở Mỹ xuống, và đẩy giá cả hàng hoá lên.

Giá dầu cao có thể giúp tăng kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Chính phủ, nhưng gánh nặng lại sẽ đặt lên người tiêu dùng trong nước. Người dân chỉ có thể hy vọng lần này Chính phủ sẽ biết cách xử lý khéo léo trước nguy cơ lạm phát cận kề.

Theo Lan Anh
SGTT

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên