MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành ngân hàng phương Tây nên học hỏi từ Trung Quốc

18-06-2009 - 14:22 PM | Tài chính quốc tế

Tại Trung Quốc, hệ thống tài chính được coi như công cụ điều phối hoạt động nền kinh tế thực. Các nhà điều phối thị trường hiểu rõ hơn về mục tiêu hoạt động.

Trong buổi họp mùa xuân năm 2009 của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) tổ chức tại Bắc Kinh được tổ chức gần đây, buổi họp có sự tham gia của những tên tuổi đứng đầu ngành ngân hàng thế giới, hai thông điệp đã được phát đi.

Thứ nhất, Trung Quốc có thể mang lại cho chính phủ các nước phương Tây một kinh nghiệm quan trọng khi họ đang cố gắng đưa ra biện pháp cải tổ khung điều tiết hệ thống tài chính.

Thứ hai, triển vọng cải tổ ngành tài chính Trung Quốc có rất nhiều điểm đáng chú ý.

Cho tới 3 năm trước đây, nhiều chuyên gia vẫn chỉ trích Trung Quốc về cơ chế điều tiết hệ thống tài chính chịu quá nhiều sự can thiệp từ phía nhà nước, trong đó nhà nước cấp tín dụng cho các ngân hàng quốc doanh mà không cần tính đến hiệu quả sẽ khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao và là yếu tố tiềm ẩn gây ra khủng hoảng tài chính.

Để đảm bảo sự phát triển lâu dài, theo các chuyên gia, Trung Quốc nên sử dụng hệ thống phân phối vốn hiệu quả của ngành ngân hàng và thị trường vốn phương Tây.

Vấn đề với quan điểm trên là hệ thống phân phối của phương Tây sẽ chỉ hoạt động tốt ở nền kinh tế phát triển với tốc độ tăng trưởng cấu trúc khoảng 2% đến 3%. Hệ thống đó sẽ không có nhiều ý nghĩa ở các nền kinh tế đang phát triển với cấu trúc nhân khẩu khác, tỷ lệ tiết kiệm cao, quá trình đô thị hoá và tham vọng tăng trưởng cấu trúc 8%/năm.

Tại Trung Quốc, nơi hệ thống tài chính được coi như công cụ điều phối hoạt động nền kinh tế thực hơn là nguồn tạo ra tài sản riêng lẻ, vì thế việc hy sinh lợi nhuận riêng là cần thiết để tăng lợi nhuận cho các công ty trong nền kinh tế thực.

Ông Liu Mingkang, người đứng đầu Uỷ ban điều tiết ngành ngân hàng Trung Quốc, cho rằng có lý do để tin vào sức khoẻ của hệ thống tài chính Trung Quốc: nhà điều tiết ngành ngân hàng biết rõ mục tiêu của những chính sách đưa ra hơn nhà điều tiết ngân hàng châu Âu.

Nhà điều tiết ngân hàng châu Âu đặt việc điều hành ngành ngân hàng vào mô hình Basel II. Basel II là hiệp ước quốc tế về tiêu chuẩn an toàn vốn, tăng cường quản trị toàn cầu hóa tài chính cũng như việc khai thác tối đa tiềm năng lợi nhuận và hạn chế rủi ro. Đây được xem là giải pháp được đưa ra nhằm nâng cao các tiêu chuẩn ngân hàng châu Á.

Ông Liu khuyến khích sử dụng những công cụ giám sát ngành ngân hàng thông thường như giới hạn về một số hoạt động, giới hạn tỷ lệ cho vay/vốn huy động trung bình ở mức 75%...

Ông Liu tóm lại hết sức gọn gàng: “Basel II chỉ tiềm ẩn gây ra nhiều vấn đề, những công cụ truyền thống hiệu quả hơn rất nhiều."

Chắc chắn trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc còn rất nhiều vấn đề, nhất là gần đây khi tín dụng tăng trưởng quá nóng theo chương trình kích thích kinh tế của chính phủ Trung Quốc. Thế nhưng với bảng cân đối kế toán vẫn còn vững và khung điều tiết hợp lý, khả năng Trung Quốc bước vào khủng hoảng tài chính là rất thấp.

Ông Liu đưa ra một số gợi ý về việc cải tổ khung điều tiết ngành tài chính cho phương Tây:

Chính sách tài chính nên tính đến giá tài sản cũng như lạm phát giá tiêu dùng

Thị trường vốn không bao giờ nên là nguồn tài chính chủ yếu của các ngân hàng

Nên sử dụng một số biện pháp truyền thống đầy thận trọng khi cần trong quá trình cung cấp vốn

Nên thận trọng khi thay đổi một số quyết định liên quan đến mô hình

Tất cả những lời khuyên trên không hợp với hệ thống điều tiết lỏng lẻo để đưa ra nhiều cải cách và tăng trưởng lợi nhuận. Lời khuyên trên có ý nghĩa nhắc nhở các nhà điều phối thị trường nhớ đến chức năng cơ bản của ngân hàng và đưa ra cách điều tiết hợp lý ngăn rủi ro.



Theo FT

Ngọc Diệp

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên