Trang sức Trung Quốc đổ về Sài Gòn
Từ các bên bỏ mối trang sức cho đến các công ty, trung tâm sản xuất và kinh doanh trang sức tại TP.HCM đều lo lắng trước các đợt hàng Trung Quốc liên tục tràn vào
Trang sức Trung Quốc bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ sau tết Nguyên đán, nhưng chỉ với số lượng rất ít, do lúc đó giá vàng trong nước còn thấp hơn giá thế giới. Việc xuất khẩu vàng vào quý 1 trong khi chưa cho phép nhập khẩu vàng trở lại đã đẩy giá vàng trong nước lên ngang bằng, có lúc cao hơn giá thế giới, là điều kiện thuận lợi để trang sức Trung Quốc đổ về Việt Nam thời gian gần đây.
Vàng đúng tuổi, giá rẻ nhờ né thuế?
Trang sức Trung Quốc được chào hàng tận các tiệm, các quầy bán lẻ, với mẫu mã đa dạng, làm vàng đúng tuổi, giá rẻ nhưng không tính tiền công thợ.
Ông Trương, nhà kinh doanh sỉ trang sức tại quận 1, TP.HCM cho biết: “Trung Quốc đang đánh mạnh nhất ở các loại vàng trắng hoặc vàng hai màu, “vàng Ý” với các mẫu thiết kế bóng – mờ được làm bằng máy như dây chuyền, bông tai, lắc… thực chất là hàng Trung Quốc”.
Theo ông Trương, chính xác giá nhập là bao nhiêu hiện nay các chủ bán sỉ cũng chưa dò ra, nhưng giá bỏ sỉ cho các tiệm luôn thấp hơn giá chung của các chành và công ty khoảng 2 – 3 USD/g. Sản phẩm đẹp, bóng, chưng trong tủ y chang các loại hàng nhập từ Hong Kong, Thái Lan hay Ý. Giới bán lẻ rất chuộng vì dễ dàng bán với giá bán lẻ ngang bằng hàng nhập cao cấp – khoảng 30 USD/g.
Theo công thức tính giá trang sức bán lẻ trên thị trường, giá món hàng loại bình dân bằng giá vàng cộng khoảng 20% tiền công, sản phẩm tinh xảo hơn một chút thì cộng thêm 30 – 40% tiền công. Nhưng hiện nay, trang sức Trung Quốc đang chào bán với giá chỉ nhích hơn giá vàng nguyên liệu một vài phần trăm. Nếu nhập chính ngạch phải chịu thuế VAT 10% và thuế nhập khẩu 10% thì chắc chắn trang sức Trung Quốc khó có thể bán được với giá này.
Tiên trách kỷ
Bà Mỹ Lan, chủ quầy kinh doanh vàng tại trung tâm thương mại
An Đông, quận 5 với kinh nghiệm trên 25 năm trong nghề buôn bán nhìn nhận: “Từ
trước đến nay các lò sản xuất trang sức kiếm lời nhờ ăn gian tuổi vàng. Chẳng hạn
vàng 18K (tức 75% vàng) thì chỉ làm khoảng 65 – 68%, có nơi thậm chí chỉ còn 63
– 65%. Còn giá công chỉ tính cho có khoảng vài chục ngàn đồng/sản phẩm.
Nay hàng Trung Quốc làm đúng tuổi vàng, mẫu đẹp hơn, lại chào hàng tận từng tiệm nên người bán cứ vậy lấy vào thôi. Nhiều chành ở khu quận 5, quận 6, Tân Bình liên tiếp mất mối, nhất là các mối ở các tỉnh phía Bắc vì trang sức Trung Quốc.
Trong lúc đó, ông Đỗ Công Chính, phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh trang sức của SJC cho biết thêm: “Vừa qua, công ty có tham gia việc kiểm định lô hàng trang sức nhập lậu từ Trung Quốc do các đơn vị chức năng bắt được, trọng lượng trên 15kg. Đáng chú ý là tất cả đều làm đúng tuổi vàng 18K, mẫu mã theo các thiết kế phổ biến mà thị trường Việt Nam đang ưa chuộng”.
Theo các nhà kinh doanh vàng trang sức, điểm yếu lớn nhất của các chành trong nước hiện nay là không sản xuất được trang sức vàng trắng cao cấp, nên các loại gọi là dây chuyền Ý đều phải nhập với giá khá cao.
Trong lúc đó, các đơn vị sản xuất vàng nữ trang có thương hiệu không bị ảnh hưởng nhiều bởi cạnh tranh của nữ trang Trung Quốc. Ông Hồ Hữu Hạnh, phó tổng giám đốc PNJ nói: “Hàng Trung Quốc chủ yếu cạnh tranh với chành ở phân khúc sản phẩm bình dân. Họ không cạnh tranh được với hàng có thương hiệu bởi các chính sách hậu mãi như bảo hành, thu đổi...”
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, các đơn vị có thương hiệu cũng bị ảnh hưởng nhất định, bởi chính họ cũng gia công cho các chành vựa và không đáp ứng đủ nhu cầu cho chành vựa, và Trung Quốc nhảy vào khoảng trống này. Chẳng hạn, SJC sản xuất vàng trắng 10K (tức 41,7% vàng), được các chành ưa chuộng đặt hàng khá nhiều, nhưng sản lượng cung cấp không đủ, muốn mua hàng phải đặt trước hơn nửa tháng mới có.
Theo Bích Thuỷ
Sài gòn tiếp thị