Siêu thị trong nước sẽ bán hàng ở đâu?
Giám đốc một siêu thị ở Hải Phòng vò đầu bứt tai khi nhìn bảng tổng kết doanh thu bán hàng cuối tháng.
Lý do là vì so với tháng trước đó, doanh thu của tháng này giảm thêm 5%, tương ứng với mức giảm doanh thu gần 20% so với cùng kỳ năm 2008. Vị giám đốc âu lo nhìn người phụ nữ ngoài khu hàng thực phẩm cứ nâng lên đặt xuống những túi hàng, trước khi quay lưng... bỏ đi !
Trong bảng thống kê bán hàng chi tiết của siêu thị này, dòng sản phẩm điện máy có mức giảm lớn nhất về doanh thu, mức giảm lên tới 40% so với cùng kỳ năm trước. Sau đó, là đến các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn (27%), rồi tới dòng sản phẩm quần áo (17,5%)... Duy chỉ có mặt hàng chất tẩy rửa có mức giảm về doanh số thực không đáng kể, dù số lượng vẫn không giảm.
Lý do vì người tiêu dùng chuyển sang mua những sản phẩm giá cả thấp hơn, dung tích, trọng lượng nhỏ hơn. Điều đó thể hiện cuộc khủng hoảng kinh tế đã không chỉ tác động tới tích lũy của người lao động, vốn thường được chi dùng cho những sản phẩm có giá trị lớn như hàng điện máy. Mà tác động trực tiếp tới chi tiêu dành cho những nhu cầu thiết yếu, hàng ngày của người lao động như thực phẩm, quần áo...
Thông thường, doanh số bán hàng sụt giảm thì nhà phát hành sẽ áp
dụng các biện pháp giảm giá, khuyến mại để kích thích sức mua. Nhưng
trong năm 2009 này, các biện pháp kích thích sức mua của tại siêu thị
lại không phát huy hiệu quả tích cực.
Doanh số không có chiều hướng tăng ngay cả khi đã áp dụng biện pháp giảm giá, thực hiện khuyến mãi với nhiều ngành hàng. Trong khi ấy thì một loạt nhà cung ứng lại đề nghị hoặc thông báo tăng giá bán sản phẩm.
Lý do, “nghe” rất hợp lý, là do xăng dầu và điện đã tăng giá và vì thế nhà cung cấp “buộc” phải tăng giá theo bù chi phí. Thu nhập sụt giảm trong khi hàng hóa tăng giá làm các siêu thị, các nhà bán lẻ lâm vào thế... bí. Vì chẳng thể tìm ra cách nào hiệu quả kích thích sức mua, khi mà người tiêu dùng ngày càng vất vả hơn để đối phó với nhu cầu sinh hoạt tối thiểu bằng thu nhập eo hẹp.
Vì thế, không ít nhà phát hành đã tìm tới giải pháp tăng cường bán
hàng thông qua các cửa hàng bán lẻ. Và đặc biệt tập trung nghiên cứu
hướng bán hàng tại thị trường nông thôn. Ấy thế nhưng biện pháp này
phải nhanh chóng loại bỏ.
Trong một lần đi về huyện Tiên Lãng (Hải
Phòng), vị giám đốc siêu thị nhận ra rằng, ông không bao giờ có “cửa”
chen chân vào thị trường nông thôn ngay tại địa bàn của mình. Thị
trường ấy giờ đã được phủ kín bằng những sản phẩm rất rẻ, đẹp dù không
bền lắm đến từ nước láng giềng.
Điều làm vị giám đốc bàng hoàng vì ông nhận thấy, giá trị hàng hóa của VN, vẫn được bày bán ê hề tại siêu thị của ông, cũng như các siêu thị khác, có giá quá cao so với thu nhập của người nông dân, cũng như của đa số người lao động.
Khoảng trống mênh mông giữa thu nhập thực tế và giá hàng hóa trong
nước sản xuất đã được “phủ” bằng hàng Trung Quốc. Khiếm khuyết trong
quan hệ giữa sản xuất và bán hàng, vốn trước đây được khỏa lấp bằng sức
mua tăng vọt tại các đô thị, thì giờ đã lộ ra trong cơn khủng hoảng.
Khi người lao động lựa chọn chi tiêu cho những mặt hàng từ nước ngoài có giá rẻ hơn, dù chất lượng có thể không bằng hàng trong nước. Vậy siêu thị trong nước sẽ bán hàng ở đâu đây ?
Theo Quốc Dũng
DĐDN