MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bàn tay vô hình của Darwin

14-07-2009 - 14:07 PM | Tài chính quốc tế

Động lực cạnh tranh tạo nên hành vi kinh doanh cũng giống động lực từ chọn lọc tự nhiên tạo ra loài nai sừng tấm.

Theo thuyết “bàn tay vô hình” của Adam Smith, con người tham lam trao đổi trên thị trường tự do vì lợi ích của chính mình, bị dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình sẽ đem lại lợi ích lớn nhất cho xã hội.

Darwin, cha đẻ thuyết tiến hóa, không phải một nhà kinh tế. Nhưng quan điểm của ông về đấu tranh sinh tồn lại giống Smith về bản chất. Ngày càng có nhiều lý do cho rằng quan điểm của Darwin sát thực hơn nhiều trên lĩnh vực kinh tế.

Trọng tâm thuyết của Darwin là cạnh tranh ưu ái cho những đặc điểm và hành vi nào giúp cá thể thành công, chứ không phải loài hay các nhóm khác.

Theo Adam Smith, đặc điểm có lợi cho cá nhân đôi khi cũng có lợi cho cả nhóm. Ví dụ đột biến về thị giác tinh tường ở loài diều hâu không chỉ có lợi cho bất kỳ con diều hâu nào sở hữu nó, mà còn khiến toàn bộ loài diều hâu thành công hơn.

Tuy vậy, trong một số trường hợp, các đặc điểm có lợi cho cá thể lại có hại cho các cộng đồng lớn hơn.

Ví dụ như đột biến khiến gạc lớn hơn có lợi cho một cá thể nai sừng tấm đực khi sinh sản, vì nó giúp con nai này chiếm ưu thế trước các con đực khác khi tìm kiếm bạn tình.

Nhưng khi đột biến này lan rộng, nó khởi động một cuộc “chạy đua vũ trang” khiến cuộc sống của toàn bộ nai sừng tấm đực nguy hiểm hơn. Gạc của nai đực nay đã dài tới hơn 5 foot. Và bất chấp lợi thế khi lâm trận, chúng thường biến thành điểm yếu chết người khi bị thú săn mồi truy đuổi trong rừng rậm.

Khi đó, theo Darwin, bàn tay vô hình của Adam Smith chỉ còn là một trường hợp cá biệt thú vị. Cạnh tranh, chắc chắn đôi khi hướng hành vi của cá nhân tới lợi ích của toàn xã hội. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy.

Lợi ích của cá nhân và cộng đồng gần như lúc nào cũng xung đột khi phần thưởng cho cá nhân phụ thuộc vào thành tích tương đối, như cuộc chạy đua về gạc của các con nai đực.

Trên thị trường, những cơ cấu thưởng như thế là tương đối phổ biến, chứ không phải ngoại lệ.

Ví dụ như thu nhập của các nhà quản lý đầu tư phụ thuộc chủ yếu vào số lượng tiền họ quản lý, số tiền này lại phụ thuộc vào thành tích tương đối của quỹ đầu tư.

Thành tích tương đối tác động tới rất nhiều phần thưởng trong cuộc sống hiện nay. Ví dụ nó quyết định cha mẹ nào có thể gửi con mình tới các trường công tốt. Vì các trường này thường nằm ở những khu dân cư đắt đỏ, cha mẹ nào muốn cho con tới học tại các trường này phải trả nhiều tiền hơn để có nhà tại các khu dân cư đó.

Trong những trường hợp như thế, cơ cấu khuyến khích làm xói mòn bàn tay vô hình. Để làm quỹ của mình hấp dẫn nhà đầu tư hơn, nhà quản lý tiền tệ tạo ra các loại chứng khoán phức tạp gây ra nguy cơ nghiêm trọng nhưng lại được ngụy trang khéo léo đối với xã hội. Nhưng khi tất cả các nhà quản lý đều làm như vậy thì chẳng ai còn lợi thế. Kết quả là lợi ích thì không ai được hưởng nhưng nguy cơ khủng hoảng tài chính thì lại tăng mạnh.

Tương tự như vậy, để kiếm thêm tiền mua nhà tại các khu vực có trường tốt, các bậc cha mẹ thường làm việc nhiều giờ hơn và chấm nhận các công việc có nhiều rủi ro hơn. Nưng khi gia đình nào cũng làm vậy, chẳng có tác dụng gì trừ việc đẩy giá nhà tăng.

Nếu nai sừng tấm đực có thể bỏ phiếu giảm kích cỡ gạc đi một nửa, chúng sẽ làm vậy, vì chỉ có kích thước tương đối của gạc mới có ý nghĩa. Đương nhiên, chúng không thể thông qua những quy định kiểu như vậy.

Nhưng con người có thể. Khi chú ý tới xung đột giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng, Darwin đã nhận ra nhân tố căn bản trong phần lớn quy định của xã hội hiện đại như cấm sử dụng chất kích thích, an toàn lao động, số giờ làm, các tiêu chuẩn an toàn sản phẩm, hàng loạt hạn chế trong khu vực tài chính.

Sự tán dương một chiều bàn tay vô hình từ các môn đồ của Adam Smith đã làm xói mòn những nỗ lực pháp lý để dung hòa lợi ích của cá nhân và tập thể trong nhiều thập kỷ gần đây, gây ra tác hại to lớn cho xã hội.

Động lực cạnh tranh tạo nên hành vi kinh doanh cũng giống như chọn lọc tư nhiên đã tạo ra loài nai sừng tấm. Cả hai trường hợp đều có ví dụ về dung hòa được lợi ích chung. Nhưng không thể quả quyết rằng lợi ích cá nhân và xã hội lúc nào cũng hòa hợp.

Theo FT

Minh Tuấn


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên