MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam sử dụng USD nhiều nhất thế giới

21-07-2009 - 13:33 PM | Tài chính - ngân hàng

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Việt Nam hiện là một trong những quốc gia sử dụng đồng USD nhiều nhất thế giới."

Pháp lệnh quản lý ngoại hối và luật pháp Việt Nam chỉ công nhận Việt Nam đồng là đồng tiền thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng thực chất, bên cạnh VND, đôla Mỹ đang được sử dụng như một đồng tiền thanh toán đương nhiên trên thị trường nội địa. Tình trạng này khiến cho các chính sách vĩ mô kém hiệu quả và là một trong những nguy cơ khiến lạm phát tăng cao.

Mỗi ngày, doanh thu của một cửa hàng xe máy nhỏ tại Hà Nội cũng vào khoảng trên 40 ngàn USD. Phương thức thanh toán nếu bằng Việt Nam đồng thì phải qui đổi theo tỷ giá USD ở thị trường chợ đen.

Anh Nguyễn Minh Tuấn, Nhân viên bán hàng xe máy cho biết: "Từ nay đến cuối năm, giá xe có thể tăng cao, Spacy có thể là 7.000 USD, SH lên tới 8.000 USD, có thể trả tiền mặt hoặc tính VN đồng theo tỷ giá thị trường, thực chất chúng tôi huy động được tiền trong ngân hàng là rất khó, phải mua nguồn ngoài nên phải thanh toán theo thị trường tự do..."

Có lẽ những người bán hàng không hề biết rằng, việc giao dịch hàng hóa bằng đồng USD là vi phạm luật pháp, cho nên việc mua bán cứ được thực hiện một cách công khai. Ở Việt Nam, USD có thể mua được hầu hết các loại hàng hóa, tình trạng này đang khiến cho nền kinh tế có nguy cơ bị đôla hóa một cách trầm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới việc điều hành kinh tế vĩ mô.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Việt Nam hiện là một trong những quốc gia sử dụng đồng USD nhiều nhất thế giới. Việc sử dụng USD lên tới 60-70%, dẫn đến tình trạng hoàn toàn rối loạn trong điều hành lưu thông tiền tệ, bởi lúc ấy, lượng tiền tệ mình không làm chủ được, bên cạnh đồng Việt Nam lại xuất hiện đồng USD nữa thì tổng phương tiện thanh toán tăng, các công cụ quản lý của nhà nước, từ chính sách thuế đến chính sách đầu tư, chính sách tiền tệ cho tới chính sách kiểm soát buôn lậu, nếu như không quản lý được đồng USD, thì những chính sách này sẽ cực kỳ kém hiệu quả”...

Dùng USD để mua hàng hóa trong nước, sử dụng USD để thanh toán quốc tế, người dân găm giữ USD, doanh nghiệp tích trữ USD, khiến cho nhu cầu về USD cứ tăng lên mãi.

Ví dụ, qui trình giao dịch quốc tế khi doanh nghiệp VN mua hàng hóa của Nhật Bản mà thanh toán bằng đồng USD. Một lần thanh toán như vậy sẽ phải thông qua 4 ngân hàng, mất 4 lần chi phí giao dịch và 2 lần chi phí chuyển đổi. Còn khi sử dụng đồng bản địa của chính quốc gia đó thanh toán thì con đường đi rất ngắn, chỉ mất 1 lần chi phí giao dịch, 1 lần chi phí chuyển đổi.

Đã 4 năm nay, công ty TNHH Triệu Vân quên áp lực từ việc phải mua hay găm giữ USD. Một lần suýt phá sản, bị hủy hợp đồng do không mua được USD để thanh toán với đối tác đã khiến công ty quyết định dùng Yen Nhật để buôn bán với người Nhật. Chính họ cũng không ngờ, lợi ích cho doanh nghiệp và đối tác lại lớn đến vậy.

Anh Nguyễn Hoàng Bình Triệu, Giám đốc công ty TNHH Triệu Vân: “Một năm, việc thanh toán tiền hàng của chúng tôi vào khoảng 40 tỷ đồng, nếu không mất các chi phí chuyển đổi thì phần lời ra cũng phải được vài trăm triệu là bình thường, thứ hai là, đối tác bên ngoài của chúng tôi không tốn tiền chuyển đổi, nên họ rất thoải mái nếu tôi thanh toán bằng đồng tiền bản địa”.

Lợi ích từ việc thanh toán không dùng USD đã khiến ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp sử dụng rổ thanh toán đa ngoại tệ. Nếu như năm 2005, các doanh nghiệp VN thanh toán qua ngân hàng ACB bằng ngoại tệ khác không phải là USD chỉ là 7,4%, thì nay con số này đã là 17,8%.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc ACB chia các nước xuất khẩu sang Việt Nam làm ba nhóm, nếu sử dụng đồng tiền của chính các quốc gia đó để thanh toán thì lợi đủ đường, lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, lợi cho đối tác và lợi cho nền kinh tế cả hai nước.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc ACB: “Chúng tôi tạm chia các quốc gia và các vùng lãnh thổ, các loại tiền tệ thành nhóm 3: Nhóm thứ nhất là ngoại tệ mạnh, tức là ta có thể mua ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào với khối lượng rất lớn. Năm 2008, kim ngạch nhập khẩu của chúng ta từ những quốc gia này là 44% và như vậy, ta sử dụng ngoại tệ này trong thanh toán nhập khẩu, sẽ giảm nhu cầu mua ngoại tệ bằng đồng USD xuống khoảng 44%. Nếu ta bổ sung thêm 1 số quốc gia, một số loại tiền tệ vẫn được chuyển đổi tự do nhưng hơi hạn chế về thời gian và địa lý, thì cộng 2 nhóm trên sẽ đạt hơn 70 %. Nếu đưa cả Nhân dân tệ vào rổ thanh toán của Việt Nam, thì tổng kim ngạch nhập khẩu lên tới 93%”.

Đa dạng hóa 93%, cũng có nghĩa là giảm tới 93% nhu cầu mua USD. Ngân hàng ACB cũng khẳng định, thời gian tới họ sẵn sàng chi lại cho doanh nghiệp một phần chi phí họ tiết kiệm được khi doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền khác ngoài USD.

Chi phí rơi vãi trên đường thanh toán không mất, doanh nghiệp, ngân hàng tiết kiệm thời gian, nền kinh tế linh hoạt hơn, không neo chặt vào 1 ngoại tệ nào. Nếu như Ngân hàng nhà nước có những biện pháp khuyến khích hợp lý, thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ hào hứng hơn trong việc đa dạng hóa rổ thanh toán của mình và Việt Nam không bị áp lực tỷ giá đè nặng lên mọi hoạt động của nền kinh tế.

Theo Lê Bình
VTV.VN

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên