MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường chứng khoán: Rút củi đáy nồi

Một số CTCK khuyến cáo khách hàng thận trọng đối với việc giải ngân. Song đôi khi, đây đó có những ý kiến cho rằng sự khuyến cáo sớm ấy là không trung thực.

Ngân hàng buộc phải cho vay chậm lại khi tăng trưởng tín dụng nhấp nháy đèn đỏ và được như bếp lửa vẫn đang reo nhưng củi dưới đáy nồi đã được rút bớt và độ nóng tín dụng bắt đầu hạ nhiệt.

Dù được sự hỗ trợ tương đối mạnh từ việc giải ngân của các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài, nhưng thanh khoản của VN-Index vẫn đang trên đà sụt giảm.

Các phiên giao dịch với tổng trị giá 5.000 tỉ đồng/ngày (cả hai sàn cộng lại) trong tháng 5 đã trở thành niềm hoài vọng của không ít nhà đầu tư. Khi đó, người ta hỏi tiền ở đâu đổ vào thị trường nhiều đến vậy và bây giờ thì dường như câu trả lời đã phần nào hé mở khi các ngân hàng công bố tổng dư nợ cho vay của quí II/2009.

Dư nợ chung cho thấy tháng 5 là thời điểm tín dụng tăng vọt và dư luận nghi ngờ trong sự gia tăng đó, một phần vốn đã chảy vào chứng khoán.

Theo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TPHCM, dư nợ cho vay tháng 5 so với tháng 4/2009 của ACB tăng 25,7%, Phương Nam tăng 15,6%, An Bình tăng 10,9%, Eximbank tăng 9,6%, Sacombank tăng 8%, Việt Á tăng 7,8%, Gia Định 6,5%...

Phần lớn các khoản vay này đều là hỗ trợ kích cầu và đối tượng vay là khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Các ngân hàng cho biết mục đích vay của khách hàng đều là sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, nhưng có nhiều khả năng việc sử dụng vốn đã ra ngoài những mục tiêu ban đầu. Kiểm soát việc sử dụng vốn vay lâu nay vẫn là điểm yếu của các tổ chức tín dụng.

Không có gì ngạc nhiên khi tăng trưởng tín dụng nhấp nháy đèn đỏ, các ngân hàng buộc phải cho vay chậm lại, tăng cường thu hồi vốn nhằm đảm bảo an toàn và dòng tiền chảy vào chứng khoán từ đó yếu hẳn.

Bếp lửa vẫn đang reo, nhưng củi dưới đáy nồi đã được rút bớt và độ nóng tín dụng bắt đầu hạ nhiệt! Các ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước đã tỏ ra tỉnh táo bởi mầm mống lạm phát có nguy cơ trở lại. Năm 2010 mới là điểm rơi của độ trễ của chính sách nới lỏng tín dụng, kích cầu đã và đang được áp dụng.

Các công ty chứng khoán là những người đầu tiên nhận ra sự suy giảm của dòng tiền đổ vào thị trường. Một số công ty bắt đầu khuyến cáo các khách hàng thận trọng đối với việc giải ngân. Song đôi khi, đây đó có những ý kiến cho rằng sự khuyến cáo sớm ấy là không trung thực, là để công ty chứng khoán giành cơ hội giải ngân tiền của mình.

Trong khi dòng tiền nội chậm lại, dòng tiền ngoại vào thị trường nhanh hơn. Nguyên nhân chính khiến các quỹ mạo hiểm nước ngoài tiếp tục giải ngân là hy vọng vào sự phục hồi của chứng khoán quốc tế và sự đi lên của các thị trường mới nổi. Hiện nay chính các quỹ này là người "giữ lửa" cho VN-Index.

Liệu họ sẽ giữ được lửa trong bao lâu? Nhìn lại năm 2008, các quỹ mạo hiểm nước ngoài đã bán ra cổ phiếu và chịu lỗ nhiều nhất. Những kinh nghiệm mà họ có được từ các thị trường khu vực năm ngoái chưa thực sự mang lại nhiều giá trị tho họ ở thị trường Việt Nam. Năm nay có thể sẽ khác?

Theo Hải Lý
TBKTSG

phuongmai

Trở lên trên