MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường xuất khẩu đang rộng mở

Có nhiều chuyển biến tích cực từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam từ đầu tháng 6 đến nay.

Những thống kê cập nhật từng tuần một của một số bộ, ngành: Công thương, Hải quan, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy đang có nhiều chuyển biến tích cực từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam từ đầu tháng 6 đến nay.

Thị trường Mỹ: Đơn hàng dệt may tăng nhanh

Cho dù có sự sút giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm 2008, thị trường Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu sang Mỹ tăng nhờ nhóm mặt hàng bán chạy ở thị trường này bao gồm dệt may, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện và linh kiện...

Trong các nhóm hàng này, triển vọng lạc quan nhất là hàng dệt may. Đến cuối quý II/2009, các nhà nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam đã mạnh dạn đặt hàng cho 2 quý cuối năm.

Các doanh nghiệp dệt may tại TP.HCM cho biết, đơn hàng đã tăng lên 15% - 20% so với đầu năm để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có đơn hàng sản xuất ít nhất đến tháng 10/2009.

Mặc dù các đơn hàng xuất khẩu dệt may sang Mỹ không tăng mạnh như đối với thị trường Nhật Bản (kim ngạch dệt may xuất sang Nhật Bản 6 tháng tăng 20%) song cũng đã dần ổn định trở lại và hứa hẹn sẽ tạo thêm cơ hội mới cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Thủy sản cũng là một mặt hàng giữ được kim ngạch tương đối khá. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2009, Mỹ nhập khẩu lượng thủy sản của Việt Nam trị giá 228,64 triệu USD, chiếm 4,45% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản vào Mỹ. Mặt hàng da giày xuất khẩu cũng chiếm gần 8% thị phần của Mỹ.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, các chỉ số trong tháng 6 của thị trường Mỹ cho thấy lượng hàng tồn kho tại Mỹ đã giảm bớt, tốc độ giảm doanh số các ngành dịch vụ  đang chậm lại... là những tín hiệu tích cực về thị trường này.

Theo trung tâm này, trong thời gian tới, một số mặt hàng có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ như mặt hàng cá tra đông lạnh vì nguồn cung mặt hàng này tương đối dồi dào. Các doanh nghiệp cần tranh thủ thời gian quy định mới về định nghĩa lại cá da trơn của Việt Nam chưa có phán quyết cuối cùng.

Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động khai thác thị trường Mỹ qua kênh thương mại điện tử. Sàn giao dịch ebay Việt Nam là một gợi ý cho các doanh nghiệp trong việc thí điểm triển khai hinh thức này

Thị trường Trung Quốc: Nhu cầu tăng cao về quặng sắt và đay

Thị trường Trung Quốc cũng đã có những dấu hiệu gia tăng về lượng hàng nhập khẩu.

Sau khi Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố các chỉ tiêu kinh tế quan trọng của 6 tháng đầu năm 2009, Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, trong đó tiếp tục ưu tiên cho các chính sách kích cầu tiêu dùng và sản xuất công nghiệp.

Những nỗ lực chính sách này sẽ làm tăng nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu và một số mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy nhanh xuất khẩu mặt hàng đay nguyên liệu sang thị trường này với mức giá tăng từ 15% - 20% so với hiện nay do nhu cầu mặt hàng này của Trung Quốc đang tăng nhanh; đẩy mảnh xuất khẩu quặng sắt do ngành  công nghiệp luyện kim Trung Quốc đang phục hồi mạnh. Hiện phía Trung Quốc đang có nhu cầu nhập 20 chủng loại quặng khác nhau.

Thị trường EU: Xu hướng tiêu dùng thay đổi

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu các mặt hàng dệt may, da giày, thủy sản tới EU trong kỳ 2 tháng 6/2009 (từ 16/6 đến 3/7/2009) đều tăng với tốc độ khá so với kỳ trước, trong khi xuất khẩu các mặt hàng cà phê, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ giảm.

Theo thống kê sơ bộ, tình hình xuất khẩu một số mặt hàng chính tới khu vực EU trong khoảng thời gian trên đều cho thấy sáng sủa hơn nhiều sau 5 tháng liên tục suy giảm.

Ví dụ, kim ngạch dệt may trong kỳ này đạt 83,5 triệu USD, tăng mạnh 61% so với kỳ liền trước. Kim ngạch xuất khẩu giày dép tới EU bất ngờ tăng mạnh trở lại, đạt 91,8 triệu USD, tăng 55,9% so với kỳ trước.

Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, xu hướng tiêu dùng và các chính sách nhập khẩu, bảo hộ mậu dịch của EU có những thay đổi mà các doanh nghiệp rất cần lưu ý. Chẳng hạn như:

Xu hướng tiêu dùng sản phẩm thực phẩm kích cỡ nhỏ, tiện dụng: Những thực phẩm tiện lợi, ăn liền như thực phẩm đóng gói, đóng hộp đang có xu hướng tiêu thụ tăng. Việc số hộ gia đình không có con ở châu Âu tăng lên cũng sẽ hình thành xu hướng chuyển sang tiêu dùng những sản phẩm có kích cỡ nhỏ, vừa phải.

Phong cách thời trang thoải mái, thể thao đang được ưa chuộng tại EU. Do cơ cấu dân số già và xu hướng quan tâm đặc biệt tới sức khỏe trước những căn bệnh hay gặp ở bộ phận dân cư khá giả như béo phì, tiểu đường... đang khiến tiêu dùng quần áo, giày dép, đồ dùng thể thao tại khu vực châu Âu tăng lên. Ngoài ra, các loại bộ đồ thoải mái, dễ chịu cũng đang được ưa chuộng nhiều tại châu Âu, đặc biệt là tại Pháp.

Cũng theo phân tích của Bộ Công Thương, nếu trước đây, người dân nhiều nước EU thường chỉ mua hàng tiêu dùng thời trang vào 2 vụ chính là đông, hè, thì nay họ đang dần chuyển sang mua nhiều lần hơn trong năm.

Bởi vậy, các nhà nhập khẩu dần có xu hướng chuyển sang những nhà xuất khẩu qui mô nhỏ và vừa, linh hoạt thay cho những đơn đặt hàng rất lớn từ Trung Quốc với giá rất rẻ. Đây là một điểm có lợi cho các doanh nghiệp may mặc Việt Nam.

Đối với đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, mặc dù nhu cầu chung giảm song một số sản phẩm đặc thù vẫn được ưa chuộng. Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm trang trí bằng gốm sứ, lục bình, cói thảm tại EU đang tăng. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng đối với sản phẩm mỹ nghệ thuộc phân khúc giá thấp ít bị ảnh hưởng hơn nhiều so với giá cao.

Thị trường Trung Đông: Nhu cầu cao về cơm dừa, cá basa…

Cũng theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong kỳ cuối tháng 6, đầu tháng 7/2009, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Đông tăng 35% so với kỳ đầu tháng 6/2009. Các mặt hàng có kim ngạch tăng khá mạnh gồm: dệt may, thủ công mỹ nghệ, rau quả, trong khi một số hàng nông sản xuất khẩu khác như  gạo, chè, cà phê lại giảm nhẹ.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Đông cần chủ động nắm bắt các xu hướng tiêu dùng và nhu cầu nhập khẩu cao ở thị trường này như sau: nhu cầu cơm dừa sấy khô tại các tại trường Ai Cập, UAE; nhu cầu nhập khẩu trở lại sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam của UAE sau khi có kết quả công bố về chất lượng an toàn thực phẩm.

Người tiêu dùng tại vùng Vịnh có xu hướng tiết kiệm chi tiêu cho các sản phẩm thời trang hàng hiệu và ưa chuộng mua các sản phẩm giày dép, đồ da tự chọn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu sang UAE cần có sự chuẩn bị để thích ứng với những qui định mới về bao bì, túi đựng sản phẩm sẽ được áp dụng trong thời gian tới.

Theo Bộ Công thương, từ nay đến cuối năm, xu hướng tiêu dùng và các chính sách nhập khẩu, bảo hộ mậu dịch của EU có những thay đổi.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

khanhhoa

Trở lên trên