MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội nào cho các nhà đầu tư trong nước?

Theo logic từ hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam trong hai quý tới thực sự có nhiều cơ hội, song là cơ hội cho những nhà đầu tư “tỉnh táo” và có lòng tin mạnh mẽ.

Giới đầu tư cá nhân tại Việt Nam đang có ba tâm trạng trái chiều khá rõ.

Thứ nhất là vẫn tham gia vào sự chuyển động khá sôi nổi của thị trường nhưng hoang mang, hoài nghi. Thứ hai là vẫn còn bi quan về triển vọng phục hồi thực sự của nền kinh tế và thị trường chứng khoán trong nước. Thứ ba là cực kỳ lạc quan, xem chứng khoán là đối tượng đầu tư tốt nhất trong giai đoạn này.

Quan sát cận cảnh, có thể thấy rằng cả ba tâm trạng ấy đều bất ổn. Theo logic từ hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam trong hai quý tới thực sự có nhiều cơ hội, song là cơ hội cho những nhà đầu tư “tỉnh táo” và có lòng tin mạnh mẽ.

Lý do để tin tưởng

Nhiều chuyển động cho thấy nền kinh tế trong nước đang phục hồi tốt và “bức tranh” đã bắt đầu rõ ràng chứ không còn mù mờ như mấy tháng trước đây.

Đầu tiên là do sự tác động chung bởi nền kinh tế thế giới và khu vực. Giới ngân hàng, thị trường tài chính, chứng khoán của Mỹ và châu Âu đã bắt đầu ổn định trở lại. Riêng nền kinh tế châu Á, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đang phục hồi nhanh và mạnh nhất thế giới.

Những tháng gần đây, từ Hàn Quốc, Singapore đến Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đều có những biểu hiện tăng trưởng tốt. Điển hình là Singapore, GDP trong quý II của nước này tăng ngoạn mục – lên đến 20%. Tốc độ tăng trưởng chung của khu vực Đông Á trong năm nay là 3% và năm tới có thể là 6%.

Việt Nam nằm trong nhóm nước tăng trưởng tốt nhất. 6 tháng qua, xuất khẩu tăng 10%, nhập khẩu giảm 30%, thâm hụt thương mại chỉ còn 5%. Thị trường bán lẻ trong nước vẫn tăng ở mức cao, trong khi thị trường tài chính – ngân hàng công bố rất nhiều báo cáo cho thấy thực sự “khỏe mạnh”.

Cũng theo ADB, tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam trong 6 tháng qua chỉ còn 3,9% (mức “đỉnh” vào tháng 8/2008 là 28,3%). Như vậy, 2 điều kiện để nền phục hồi là tổng cầu và tín dụng khơi thông đã thấy rõ. Vấn đề đáng quan tâm còn lại là nguy cơ biến động tỷ giá và vai trò điều tiết của Nhà nước.

Đây là những tiền đề để tin rằng thị trường chứng khoán trong nước phục hồi thực sự, chứ không chỉ là những lên xuống phập phù, mang tính ăn may.

Minh chứng cho điều này là sự nhập cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Trong quý I và II, dù thị trường đã có chuyển động tích cực, chứng khoán tăng điểm, giới đầu tư trong nước đã sôi nổi, nhưng các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài vẫn đứng ngoài cuộc do họ không tin chắc vào tương lai.

Tuy nhiên, đến nay, khi đã nhìn thấy được “bức tranh” rõ ràng, họ bắt đầu tự tin để mua vào. Có những thời điểm, sức mua của họ chiếm 30 – 40 % tổng thị trường.

Ông Nguyễn Hồ Nam, tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sacombank – SBS nhấn mạnh: “Xin nhớ rằng nhà đầu tư tổ chức thường trên quan điểm dài hạn, không mua hôm nay để bán ngày mai! Do vậy, đến hôm nay, khi họ đã tham gia thị trường, có nghĩa rằng họ có cơ sở vững chắc về những triển vọng”.

Khi các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua vào mạnh mẽ, có thể có hiện tượng tạo lực cầu để kích thích lượng bán ra nhằm tạo giá rẻ để mua vào. Và nếu hốt hoảng bán ra, các nhà đầu tư trong nước có thể rơi vào “cái bẫy” của thị trường. Đó là sự giảm cầu giả tạo.

Do vậy, sau quý II thắng lợi, nếu không tỉnh táo, các nhà đầu tư trong nước có thể là người thua cuộc trong các quý tới.

“Cuộc chơi” đã khác xưa!

Không chỉ là những thắng/thua ngắn hạn, từ nay, tham gia vào thị trường chứng khoán, nhà đầu tư trong nước cũng cần phải thay đổi rất lớn, từ tâm thế đến kỹ năng, bởi sau khủng hoảng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thay đổi rất lớn cả về lượng và chất.

Trước đây, người ta xem thị trường chứng khoán là chiếc túi vô đáy để huy động tài chính và tìm kiếm lợi nhuận. Đã từng có không ít doanh nghiệp cứ phát hành cổ phiếu, huy động tiền rồi kinh doanh thiếu cân nhắc vì nghĩ rằng nếu cần, họ lại có thể tiếp tục phát hành cổ phiếu, tiếp tục huy động vốn.

Nhà đầu tư cũng nghĩ rằng cứ bỏ tiền vào chứng khoán là chắc chắn có lời. Thậm chí là những khoản lợi nhuận khổng lồ tăng lên nhanh chóng mỗi ngày.

Hôm nay, mọi thứ sẽ phải khác! Đối với doanh nghiệp, thị trường chứng khoán vẫn là nơi để huy động vốn, nhưng phải có những cam kết rõ ràng với cổ đông và nguồn vốn ấy không phải là vô hạn.

Nếu sử dụng vốn không hiệu quả, không mang lại lợi nhuận cho cổ đông, thì chắc chắn sẽ không thể tiếp tục huy động vốn. Cho nên, việc huy động ấy phải thực sự cẩn trọng, gắn liền với hiệu quả của dự án, chứ không còn là phát hành cổ phiếu và lấy tiền.

Bây giờ, chọn cổ phiếu nào để mua là vấn đề quan trọng nhất, cần những tính toán có sơ sở, chứ không phải cứ bỏ tiền vào đâu cũng được, không cần biết cổ phiếu nào, cũng sinh lời như trước đây. Đồng thời, thị trường sẽ rất ít còn cơ hội cho những người chỉ mong “lướt sóng”. Nhà đầu tư phải vững và dài hạn để còn phòng hờ những rủi ro, biến động của thị trường thay vì đi vay để đầu tư “lướt sóng” và kiếm lời như chuyện đã từng phổ biến.

Tóm lại, trong “sân chơi” mới, nhà đầu tư phải có quan điểm cân bằng hơn về đầu tư dài hạn và ngắn hạn, kiến thức về đầu tư phải tốt hơn, có khả năng nắm bắt và phân tích thông tin thị trường, thông tin về doanh nghiệp, chấm dứt kiểu đầu tư “nhắm mắt”, không có thông tin, không hiểu biết nhiều vẫn mua mua bán bán như trước.

Do đó, nhà đầu tư sẽ quen thuộc hơn với vai trò của nhà tư vấn. Nhà tư vấn có thể là bạn bè hay bất kỳ người thân quen nào có chuyên môn, hoặc những công ty chứng khoán tốt, có đủ khả năng tư vấn, phân tích cho họ được bức tranh về rủi ro và lợi nhuận, chứ không phải chỉ mua “cổ” này, bán “cổ” kia một cách cảm tính hoặc theo “bầy đàn” đơn thuần.

Và một điều nữa cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp, khi công tác IR (Investor Relation – quan hệ với nhà đầu tư) và xây dựng thương hiệu trên thị trường vốn được các doanh nghiệp chú trọng, bên cạnh những tích cực, có thể sẽ có những cuộc “đánh bóng” chuyên nghiệp.

Đồng thời, với quá nhiều công ty chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán với chất lượng không được bảo đảm như hiện nay, khả năng phân tích, nhận định của nhà đầu tư càng cần phải thực sự sâu sắc, sát thực.

Phạm Hoa Lài

phuongmai

Trở lên trên