MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mô hình hồi phục kinh tế Mỹ lần này sẽ hoàn toàn mới

07-08-2009 - 11:43 AM | Tài chính quốc tế

Xét về bản chất, suy thoái kinh tế lần này không giống với những lần suy thoái trước đây vì thế sự hồi phục sẽ khác.

Tiêu dùng nội địa là động lực tăng trưởng kinh tế Mỹ suốt 3 thập kỷ qua, nay khi tiêu dùng giảm quá sâu, sự hồi phục của nền kinh tế và thị trường việc làm đi kèm với nó cũng sẽ không đi theo một con đường suôn sẻ.

 

Cũng giống như ngành ô tô Mỹ, nền kinh tế đang trải qua thay đổi lớn.

 

Tiêu dùng người dân, thông thường mang lại 70% tăng trưởng kinh tế Mỹ, đã giảm xuống mức thấp đến nỗi nhiều năm nữa tiêu dùng mới có thể hồi phục trở lại. Và ngay cả khi đó, sự đi lên của nền kinh tế sẽ hết sức chậm chạp và để lại nhiều hậu quả tệ hại, thị trường việc làm không có nhiều cải thiện.

 

Ông John J. Castellani, chủ tịch kiêm chuyên gia kinh tế trưởng tại Business Roundtable, nhận xét: “Lo ngại lớn nhất hiện nay là đợt suy thoái kinh tế gây ảnh hưởng quá sâu đến nỗi tạo ra những thay đổi cấu trúc và vì thế sự hồi phục cũng sẽ không giống như bình thường.”

 

Nhận định của ông Castellani có thể không nằm trong nhóm bi quan nhất. Thế nhưng nó phản ánh về những khó khăn mà người tiêu dùng, doanh nghiệp, chính quyền các bang gặp phải, vì thế họ sẽ tiếp tục hạn chế chi tiêu cũng như tuyển dụng.

 

Chuyên gia kinh tế thuộc Morgan Stanley trong nghiên cứu mới nhất có đoạn viết: “Chúng tôi tin rằng bảng cân đối kế toán của người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ có nhiều thay đổi, trong trung hạn quá trình hồi phục kinh tế sẽ chậm và yếu.”

 

Tất cả những yếu tố này cho thấy kinh tế Mỹ sẽ hồi phục theo mô hình: khi đi xuống đi theo chữ V và khi đi lên sẽ theo chữ U. Mô hình phục hồi lần đầu tiên xuất hiện ở thời hiện đại.

 

Chuyên gia kinh tế Heidi Shierholz thuộc Viện chính sách kinh tế (Economic Policy Institute) nhận định: “Những lĩnh vực mang yếu tố quan trọng đã cứu nước Mỹ ra khỏi các đợt suy thoái kinh tế trước như nhà đất, số lượng đơn đặt hàng tiêu dùng bền, xuất khẩu sẽ không còn tồn tại trong lần này.”

 

Báo cáo về thị trường làm Mỹ ngày hôm nay nhiều khả năng sẽ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp sẽ chững lại. Các chuyên gia dự đoán 320 nghìn người Mỹ thất nghiệp trong tháng 7/2009, con số thấp hơn nhiều so với các tháng trước. Tỷ lệ thất nghiệp tính đến hết tháng 7/2009 dự kiến tăng lên mức 9,6%, cao nhất trong 26 năm.

 

Xét đến tất cả các đợt suy thoái kinh tế sau đợt suy thoái năm 1991, cả đợt suy thoái lần này và năm 2001 đều để lại một thị trường việc làm trì trệ.

 

Trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2007, lĩnh vực sản xuất sa thải hàng triệu nhân công còn con số này trong lĩnh vực xây dựng cũng chỉ là 875 nghìn.

 

Nhiều vị trí đã bị sa thải có thể sẽ không bao giờ được tuyển dụng lại nữa. Tính đến cuối quý 2/2009, kinh tế Mỹ mất 6,5 triệu việc làm. Số lượng người làm việc trong ngành xây dựng hiện thấp hơn so với cách đây 1 thập kỷ.

 

Chuyên gia kinh tế Brian Bethune tại HIS Global Strategy nhận xét: “Các công ty bán lẻ giờ cũng đang cắt giảm số lượng nhân công với trọng tâm tăng năng suất lao động. Đó chính là những gì còn lại sau suy thoái. Nguồn cung việc làm sẽ từ đâu? Nếu thị trường nhà đất vẫn suy yếu, lĩnh vực dịch vụ sẽ chịu ảnh hưởng tệ hại.”

 

Đợt suy thoái gần nhất, lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ, tiêu dùng đi xuống liên tiếp hai quý.

 

Dựa trên số liệu tháng 6/2009, doanh số bán lẻ sau khi lên đến đỉnh cao vào năm 2007 hiện đang ở mức của năm 2005. Chi tiêu vào nội thất và đồ dùng gia đình quay lại thời điểm năm 2001. Tình hình kinh doanh của ngành xây dựng và nội thất nhà vườn đứng ở mức thấp nhất trong 5 năm, doanh số ô tô ở mức thấp nhất trong 11 năm.

 

Ông Richard Hastings, chuyên gia chiến lược về thị trường tiêu dùng tại Global Hunter Securities, nhận xét: “Chúng tôi không thấy tiêu dùng sẽ có thể là yếu tố mang lại sự hồi phục. Trên thực tế tiêu dùng sẽ là yếu tố rất chậm trên đà hồi phục bởi nỗi ám ảnh từ tỷ lệ thất nghiệp, thị trường nhà đất và các khoản nợ.”

 

Trong khoảng thời gian từ tháng 6/2007 đến tháng 12/2008, tài sản cá nhân của người Mỹ giảm 22,8%, mức hạ mạnh nhất từ khi FED bắt đầu thu thập số liệu 60 năm trước đây. Chỉ riêng trong năm 2008, tài sản của người Mỹ giảm 6 nghìn tỷ USD.

 

Chuyên gia Bethune nhận xét: “Khi mức lương trong lĩnh vực tư nhân ngày một giảm, mọi chuyện hết sức khó khăn, tôi chưa nhìn thấy yếu tố nào cho thấy sự hồi phục mạnh.”

 

Lòng tin người tiêu dùng cũng như thu nhập khả dụng đóng vai trò thiết yếu đối với việc duy trì nhu cầu tiêu dùng của người dân – yếu tố quan trọng hỗ trợ các công ty tăng sản lượng và cuối cùng là tuyển mới nhân công.

 

Dù có thể các công ty đã phản ứng thái quá khi họ sa thải quá nhiều nhân công sau khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, thế nhưng chưa hề có dấu hiệu nào cho sự điều chỉnh.

 

Hiện nay, có lý do để kỳ vọng vào kế hoạch 787 tỷ USD của chính phủ Mỹ, kế hoạch đang tạo ra 200 nghìn đến 250 nghìn việc làm/tháng. Nếu mọi chuyện tiếp tục như vậy, kế hoạch sẽ có thể hoàn thành được mục tiêu tạo ra 3,5 triệu việc làm.

 

Theo CNBC

Ngọc Diệp

ngocdiep

Trở lên trên