Kinh tế "bơi" qua khủng hoảng nhờ nông nghiệp
"Nông nghiệp là chỗ dựa quan trọng cho kinh tế Việt Nam vươn lên sau thời kỳ suy giảm kinh tế. Nó giống như chiếc phao hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế bơi qua khủng hoảng".
Với khả năng tạo ra nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho số đông dân cư, nông nghiệp đang đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế dần ra khỏi khủng hoảng. Nhận định này được các chuyên gia nêu ra tại hội thảo "Vai trò của nông nghiệp trong khủng hoảng và tái cơ cấu nền kinh tế", do Viện tổ chức ngày 11/8, tại Hà Nội.
Theo Giáo sư David Dapice, Trường Quản lý hành chính công John F Kenedy (Đại học Havard, Mỹ), hãy thử hình dung, nếu không có một nền nông nghiệp phát triển khá toàn diện, thì đâu là lĩnh vực giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho đội quân lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.
Giáo sư David Dapice nhấn mạnh nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội cho Việt Nam. Đó là chưa kể, tuy đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu nông sản, nhất là gạo, thủy sản, cà phê... vẫn đóng vai trò đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu mà Việt Nam đạt được từ đầu năm 2009 đến nay. Nông nghiệp là hậu phương vững chắc giúp nền kinh tế sớm ra khỏi ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Vì nông nghiệp đóng vị trí quan trọng như vậy, nên theo các chuyên gia, trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, Việt Nam cần nhìn nhận đúng vai trò của lĩnh vực này.
Theo Giáo sư Ari Kokko, Trường Đại học Kinh tế Stockholm (Thụy Điển), khi xây dựng được chiến lược phát triển nông nghiệp hợp lý đặt trong cơ cấu ngành tổng thể của nền kinh tế, thì sẽ tận dụng có hiệu quả thế mạnh của nông nghiệp. Qua đó góp phần giúp lĩnh vực này đóng góp nhiều hơn cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Nâng cao giá trị gia tăng
Có vị trí quan trọng như vậy, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng trình độ phát triển nông nghiệp của Việt Nam còn lạc hậu, hiệu quả chưa cao, thiếu đồng đều giữa các vùng miền. Do đó, để "danh" xứng với "thực", cần tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp thời gian tới.
Muốn vậy, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn đề xuất, cần lấy "3 đột phá" là con người, khoa học công nghệ và cơ sở hạ tầng, để đưa nông nghiệp tiến lên hiện đại; cần hình thành đội ngũ làm nông nghiệp có trình độ cả về kỹ năng sản xuất hiện đại lẫn kiến thức thương mại, thị trường.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng người làm nông nghiệp phải sản xuất theo tín hiệu của thị trường, thì mới nâng cao được giá trị gia tăng cho nông sản. Cần có chương trình đầu tư về khoa học, công nghệ đủ tầm cho phát triển nông nghiệp. Khoa học, công nghệ phải đi vào giải quyết từ khâu giống có chất lượng, canh tác "sạch", đến khâu chế biến, tiêu thụ nông sản sao cho có giá trị ngày càng cao.
Chia sẻ quan điểm của Tiến sĩ Sơn về sự cần thiết của tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ, Giáo sư Ari Kokko nói: "Đây chính là yếu tố đảm bảo cho nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, cần sớm có chính sách đủ mạnh cho dồn điền đổi thửa. Nếu duy trì lối sản xuất manh mún hiện nay, thì rất khó đưa khoa học, công nghệ vào phát triển nông nghiệp".
Còn theo Giáo sư David Dapice, Việt Nam cần tăng đầu tư về tài chính, con người và dành quỹ đất phù hợp, thì mới giúp nông nghiệp phát triển hiện đại. Sự đầu tư ở đây phải đảm bảo tính đồng bộ, mang lại hiệu quả cụ thể, bởi thực tế có nhiều chính sách hay, nhưng không tổ chức thực hiện tốt đã không đem lại kết quả như mong muốn...
Theo TTXVN