Châu Á làm gì để duy trì tăng trưởng kinh tế?
Thực tế chứng minh kinh tế châu Á không quá phụ thuộc vào phương Tây. Tuy nhiên châu Á còn nhiều việc phải làm nếu muốn duy trì được tăng trưởng hiện nay.
Tuy nhiên nhiều khả năng chính sách tiền tệ sẽ chưa được thắt chặt trước thời điểm năm sau bởi kích thích kinh tế tăng trưởng vẫn là mục tiêu chính của chính phủ các nước.
Trên thực tế, giá tài sản tăng cao có thể giúp tiêu dùng tăng. Thanh khoản dồi dào sẽ khiến giá tài sản tiếp tục tăng cao. Chuyên gia kinh tế Andy Rothman thuộc công ty môi giới CLSA nhận xét Trung Quốc đang trải qua thời kỳ lạm phát giá tài sản.
Tín dụng không thể bùng nổ mãi, thế nhưng Trung Quốc sẽ chưa thể tiến hành hãm phanh tiền tệ cho đến khi lạm phát tăng trở lại và tăng trưởng GDP so với cùng kỳ năm trước đạt 10%. Thay vào đó các nhà hoạch định chính sách sẽ cố gắng kiềm chế bong bóng bằng việc thắt chặt điều kiện cho vay.
Các nhà quản lý ngành ngân hàng Trung Quốc đã cảnh báo các ngân hàng thắt chặt quy định thế chấp đối với người vay tiền mua ngôi nhà thứ hai, người mua sẽ phải trả ít nhất 40% giá trị ngôi nhà đó. Các ngân hàng cũng đã được yêu cầu đảm bảo tiền vay được rót vào nền kinh tế thật chứ không phải cổ phiếu.
Kế hoạch kích cầu và việc giá tài sản tăng cao có thể khiến tiêu dùng nội địa tăng trưởng trong ngắn hạn. Châu Á cũng không thể dựa vào xuất khẩu sang Mỹ bởi tiêu dùng Mỹ sẽ tiếp tục đi xuống trong vài năm tới khi người tiêu dùng buộc phải tiết kiệm nhiều hơn để trả nợ. Trong dài hạn, châu Á sẽ cần đứng vững bằng nhu cầu nội địa thay cho xuất khẩu.
Người tiêu dùng châu Á cần tiết kiệm ít hơn và tiêu dùng nhiều hơn. Tại châu Á, tiêu dùng cá nhân đang ở mức thấp, tiêu dùng chỉ đóng góp 35% GDP. Tuy nhiên mức mặt bằng tiêu dùng/GDP của châu Á ở 58% GDP không thấp hơn nhiều so với mức trung bình của nhóm nước OECD là 61%. Tỷ lệ tiết kiệm của người tiêu dùng Hàn Quốc giảm từ mức 23% thu nhập khả dụng vào năm 1998 xuống còn 3% thu nhập khả dụng vào năm ngoái. Không thể coi người Hàn Quốc quá tiết kiệm.
Tại Indonexia, Malaysia, Philippin, Đài Loan và Thái Lan, đầu tư vẫn ở mức thấp. Tại nhiều nước giàu, tỷ trọng đầu tư trong GDP cao hơn dù thực tế cơ hội ở một nền kinh tế đang phát triển sẽ nhiều hơn. Tại Malaysia năm 1997, đầu tư đóng góp 43% GDP, tỷ lệ này năm 2008 còn lại chỉ 19%, thấp hơn nhiều so với mức tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, Nhật và mức 44% tại Trung Quốc. Đầu tư yếu là một phần nguyên nhân khiến các nền kinh tế châu Á tăng trưởng chững lại trong suốt thập kỷ qua.
Nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Á đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để cứu kinh tế. Dù mục tiêu của Trung Quốc là kích thích tiêu dùng, một số nền kinh tế châu Á cần phải đầu tư nhiều hơn. Điều này sẽ cần đến khung thể chế phù hợp, tham nhũng giảm, điều kiện cơ sở hạ tầng tốt hơn và ổn định chính trị.
Tại nước như Trung Quốc khi mục tiêu chính là tăng trưởng tiêu dùng, những thay đổi cần phải đưa ra không chỉ đơn giản là việc chi tiêu nhiều hơn vào y tế, phúc lợi xã hội để khuyến khích tiêu dùng. Các công ty chứ không phải người tiêu dùng là đối tượng khiến tỷ lệ thất nghiệp khắp châu Á lên cao khắp thập kỷ qua. Tiêu dùng người dân xét trong tỷ trọng GDP giảm, không phải bởi họ tiết kiệm nhiều hơn mà bởi thu nhập giảm trong khi đó lợi nhuận doanh nghiệp tăng.
Để nâng cao tiêu dùng, chính phủ cần phải nâng thu nhập của người dân bằng cách khuyến khích phát triển những ngành dịch vụ cần nhiều sức lao động thay cho trợ cấp phát triển ngành cần nhiều vốn, và hạ tỷ giá hối đoái. Thống kê gần đây cho thấy đồng nội tệ châu Á bị hạ giá nhiều nhất trên thế giới. Tỷ giá hối đoái mạnh hơn giúp chuyển trọng tâm tăng trưởng ra khỏi xuất khẩu và ngoài ra tăng sức mua của người tiêu dùng.
Dự báo nào cho tương lai?
Khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa nhóm nước mới nổi châu Á và G7 được dự báo sẽ tăng lên mức 9% trong năm nay. Tương lai sẽ ra sao? Những chuyên gia có quan điểm bi quan cho rằng tăng trưởng kinh tế châu Á những năm tới sẽ thấp hơn rất nhiều so với trước khủng hoảng bởi yếu tố chính làm nề tăng trưởng của châu Á là xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đã mất dần và sẽ mất nhiều năm châu Á mới có thể tìm ra sự thay thế.
Quan điểm trên có thể đã nói quá về tầm quan trọng của Mỹ đối với kinh tế châu Á. Trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2006 (khi thâm hụt thương mại Mỹ lên đỉnh cao), thặng dư thương mại của châu Á với Mỹ chỉ chiếm 6% tăng trưởng GDP khu vực. Nếu tiêu dùng nội địa không đủ bù lại sự suy giảm về xuất khẩu, tăng trưởng sẽ chậm lại thế nhưng không có nghĩa là sự tăng trưởng chấm dứt.
Bên cạnh đó, tăng trường dài hạn phụ thuộc vào yếu tố nguồn cung chứ không hẳn là nhu cầu. Triển vọng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế – GDP tăng trưởng mà không làm nảy sinh lạm phát, được quyết định bởi tăng trưởng về nguồn cung lao động và năng suất.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu không giảm tăng trưởng năng suất lao động tại các nước mới nổi châu Á. Việc chính phủ các nước châu Á tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng trong thời gian gần đây sẽ có thể khiến năng suất tăng thông qua giảm chi phí giao thông, đặc biệt tại khu vực lục địa Trung Quốc.
Tại Mỹ và nhiều nước giàu khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế thập kỷ tới sẽ giảm bởi nợ chính phủ tăng cao, thuế cao ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường việc làm và đầu tư, tín dụng thắt chặt ảnh hưởng xấu đến đầu tư, chính phủ thắt chặt quản lý, sự đổi mới không còn nhiều đất để phát triển.
Nền kinh tế mới nổi châu Á sẽ không thể có lại tốc độ tăng trưởng ấn tượng như xưa, tốc độ tăng trưởng trung bình 9% trong khoảng thời gian 3 năm tính đến năm 2007. Tốc độ tăng trưởng này dù khiến người ta choáng váng nhưng vượt quá giới hạn an toàn. Trong 5 năm tới, nhóm nền kinh tế mới nổi châu Á có thể tăng trưởng 7 đến 8%, tốc độ này ít nhất gấp 3 tốc độ tăng trưởng của nhóm nền kinh tế các nước giàu.
Sự đi xuống của kinh tế châu Á thời điểm cuối năm ngoái cho thấy khu vực này không hề miễn nhiễm với sự đi xuống của kinh tế Mỹ. Thế nhưng tốc độ hồi phục của khu vực cũng cho thấy khu vực này không liên quan quá chặt chẽ đến Mỹ. Nếu có sự thay đổi nào đã diễn ra, đó sẽ là sự chuyển dời sức mạnh kinh tế từ phương Tây sang phương Đông.
Theo Economist
Ngọc Diệp