MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá đường tăng mạnh tác động như thế nào đến cổ phiếu ngành đường?

Giá đường trên thị trường đang trong chu kỳ tăng là nguyên nhân chủ yếu góp phần làm tăng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Thời gian qua, cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất đường đã tăng giá khá mạnh, giao động từ 94% đến 190% tính từ đầu tháng 2/2009 đến 24/8/2009; cụ thể: Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS) tăng 190%, Công ty cổ phần Mía đường Biên Hòa (BHS) tăng 105%, Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh (SBT) tăng 94%...
 
Do đó, đã thu hút được khá nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư, thậm chí đang được xem như là một trong những cổ phiếu dẫn đầu thị trường trong nhịp tăng vừa qua của VnIndex.

Một trong những nguyên nhân quan trọng tác động đến sự tăng giá của cổ phiếu này trên thị trường được các chuyên gia nhận định là do sự tăng giá mạnh của thị trường đường trong nước cũng như trên thế giới.

Cụ thể, công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng: sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp đường tại Việt Nam trong niên vụ vừa qua đã có sự sụt giảm khoảng 20% nên dẫn đến có sự chênh lệch về cung cầu, từ đó làm cho giá đường có phần tăng lên cao trong thời gian qua.

Trong những năm trước, khi mà giá đường trong nước đạt mức cao thì đường nhập lậu với giá rẻ hơn sẽ tràn vào, làm cho giá đường trong nước hạ nhiệt; tuy nhiên, trong năm nay giá đường thế giới cũng đang trong giai đoạn tăng cao nên nếu nhập khẩu về Việt Nam thì nhà nhập khẩu cũng chỉ thu được một mức lợi nhuận khá thấp, vì thế nên áp lực từ nguồn đường nhập khẩu (chủ yếu là đường Thái Lan nhập lậu từ biên giới Tây Nam) trong năm nay không cao như mọi năm.

Do đó, BVSC đánh giá rằng: việc giá đường trên thị trường đang trong chu kỳ tăng là nguyên nhân chủ yếu góp phần làm tăng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Hơn nữa, thị trường chứng khoán khởi sắc trong thời gian vừa qua cũng đã tạo ra kỳ vọng của nhà đầu tư về lợi nhuận bất thường thu được từ việc hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư tài chính do các doanh nghiệp đường đang niêm yết đều phải trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính trong năm 2008 do sự sụt giảm của giá chứng khoán.

Thêm một yếu tố nữa cũng cần phải đề cập tới đó là mức chỉ số P/E của các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành này hiện đang đứng ở mức khoảng trên 9x (theo EPS ước tính của năm 2009), mức chỉ số này đang thấp hơn so với mức P/E của thị trường chung (theo EPS ước tính năm 2009) đang đứng ở mức 14x.

BVSC khẳng định, giá của các cổ phiếu này đang rẻ một cách tương đối so với mặt bằng chung của thị trường nên tất yếu sẽ thu hút được sự quan tâm của người đầu tư.

Trả lời câu hỏi: việc giá đường biến động mạnh gần đây sẽ tác động như thế nào đến cp ngành này trong thời gian tới?

BVSC cho rằng, giá đường có xu hướng tăng trong thời gian qua là yếu tố tích cực giúp các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước cải thiện kết quả kinh doanh, tăng doanh thu và lợi nhuận.

Nhìn về 6 tháng cuối năm, BVSC có đánh giá như sau: trong quý 3 tới, giá đường dự kiến sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao do sự khan hiếm nguồn cung đường sẽ ngày càng cao hơn vì vụ sản xuất đường mới của các doanh nghiệp trong nước sẽ chỉ có thể được bắt đầu từ khoảng tháng 10/2009 do tính chất mùa vụ của ngành mía đường (mùa vụ sản xuất đường từ khoảng tháng 10-2009 đến tháng 4-2010).

Khi mùa vụ sản xuất bắt đầu, giá đường trong nước có thể sẽ hạ nhiệt nhờ nguồn cung tăng lên, tuy nhiên vẫn sẽ giữ ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2008 do giá đường thế giới dự kiến sẽ vẫn ở mức cao.

Do vậy, các doanh nghiệp đường trong nước sẽ vẫn có thể được hưởng lợi từ mức giá bán đường cao trong thời gian tới.

Xét trong 6 tháng cuối năm 2009, sản lượng tiêu thụ có khả năng sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2009 và cùng kỳ năm 2008.

Nguyên nhân là do lượng đường tồn kho của các doanh nghiệp từ đầu quý 3 không còn nhiều do trong vụ sản xuất mía đường vừa qua, các doanh nghiệp mía đường đều bị sụt giảm diện tích khá mạnh do thiếu nguyên liệu mía (sản lượng đường của các công ty niêm yết giảm khoảng 20-30% so với vụ trước).

Trong khi lượng đường tiêu thụ được trong quý 4 sẽ phụ thuộc vào vụ sản xuất 2009 - 2010, trong đó chỉ có khoảng 25% sản lượng vụ mía mới sẽ sản xuất ra trong những tháng cuối năm 2009.

Do vậy, trong trường hợp chưa tính đến các khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính thì lợi nhuận của các doanh nghiệp mía đường 6 tháng cuối năm có thể sẽ không đạt được mức cao như trong 6 tháng đầu năm.

BVSC cũng lưu ý, trong năm 2008, LSS đã trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính là 80 tỷ đồng; SBT đã trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính là 51 tỷ đồng và BHS đã trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính là 44 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 30/6/2009, LSS chưa hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính, STB đã hoàn nhập 9 tỷ đồng và BSH đã hoàn nhập 21,8 tỷ đồng.

Dự báo về sự tăng trưởng của cổ phiếu ngành này từ giờ đến cuối năm, BVSC cho rằng: tình hình thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co và đi ngang trong quý 3 trước khi có thể có một sự khởi sắc vào quý 4 nếu như nền kinh tế có biểu hiện hồi phục rõ nét hơn trong vào những tháng cuối năm, cùng với việc các doanh nghiệp niêm yết lấy lại được đà tăng trưởng và đạt được hiệu quả khả quan như quý 2 vừa qua. Vì thế diễn biến giá của các mã cổ phiếu ngành sẽ không thoát ly khỏi xu thế chung của thị trường.

Tuy nhiên, BVSC cũng nhấn mạnh: những thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2009 như chúng tôi đã phân tích ở trên sẽ là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của ngành mía đường trong thời gian tới.

Hạnh Lệ

hanhle

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên