MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi báo mạng thu phí

02-09-2009 - 15:15 PM | Tài chính quốc tế

Các tờ báo mạng đã đưa ra nhiều cách thu phí tuy nhiên chưa cách nào hiệu quả.

Nếu đúng như lời các chủ tòa soạn, chỉ mấy tháng nữa thôi là chẳng còn bao nhiêu báo mạng miễn phí.

Những nhân vật cao cấp tại các công ty truyền thông lớn như News Corporation, Axel Springer Verlag và MediaNews Group đã dọa bắt đầu thu phí. Các công ty này, đại diện cho hơn 700 tờ báo, đang bày tỏ sự quan tâm tới hệ thống thanh toán trực tuyến do Journalism Online phát triển.

Sẽ chẳng mấy suôn sẻ vì đã 10 năm rồi người đọc quen xem tin miễn phí. Đài phát thanh công cộng như BBC hay hãng tin truyền hình thương mại như CNN sẽ chẳng bắt ai trả tiền.

Tờ báo mạng nào bắt thu phí sẽ mất tiền quảng cáo, vốn đóng góp 10-15% doanh thu. Nhưng khó khăn tuy nhiều nhưng không thiếu giải pháp.

Cách đơn giản nhất và cũng được các tờ báo nhỏ cấp vùng ở Mỹ ưa chuộng là yêu cầu trả phí ở gần như mọi bài viết.

Những người đã đặt báo in thường được cho phép đọc miễn phí, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Ai cũng phải trả tiền, đôi khi còn khá đắt.

Newport Daily News, một tờ báo nhỏ ở Đảo Rhode gần đây bắt đầu thu phí đọc báo 345 đô la một năm. Ít ai chịu chi ra từng ấy tiền.

Mỗi ngày có tới 170.000 người mua tờ Arkansas Democrat Gazettee, so với chỉ 3.500 người đăng ký đọc trên mạng. “Doanh thu chẳng đáng là bao,” chủ bút của tờ báo, ông Walter Hussman thừa nhận.

Thực tế, thu phí trên mạng là để ngăn người đọc bỏ đặt báo in và khách hàng thôi mua quảng cáo. Kể từ năm 2002, khi tờ báo bắt đầu thu phí đọc báo, lượng phát hành trung bình ngày chỉ giảm chưa đến 1% một năm, tốt hơn nhiều so với các tờ báo khác.

Các tờ báo có hệ thống thu phí thành công thường ở vị thế gần như độc quyền thông tin trong vùng. Grupo Reforma, một hãng báo chí Mexico đã thu hút được 107.000 người đăng ký trực tuyến, là một ngoại lệ lớn.

Tờ báo không chỉ đưa tin mà còn dành riêng để quảng cáo tìm việc nữa. Cùng với tạp chí phát hành hang tuần cho người đặt báo in, nó tạo ra một không khí khá chuyên nghiệp.

Một số tờ báo thử thu phí “phiên bản số” của tờ báo in, với thiết kế, bố cục quen thuộc.

Tờ Süddeutsche Zeitung đưa ra một dạng “báo điện tử”, giống như Times Reader của New York Times. Tờ báo này cũng đã cho ra đời nhiều ứng dụng cho iPhone của Apple, Kindle của Amazon và nhiều thiết bị di động khác.

Nhiều chủ bút hy vọng độc giả sẽ chấp nhận trả tiền cho thông tin trên di động cũng như họ đã trả tiền để nhắn tin. Nhưng ranh giới giữa máy tính và di động đang nhòa dần khi các thiết bị mới dần xuất hiện.

Một lựa chọn khác là chỉ thu phí một số bài viết.

Ở Anh, sự cạnh tranh dữ dội từ giữa các tờ báo cấp quốc gia khiến việc thu phí trở thành chuyện viễn tưởng, nhưng một số báo lại thu phí gợi ý giải trò ô chữ hay tham gia các giải thi đấu thể thao ảo. Báo Đức lại thường thu phí các bài viết cũ.

Người ta cho rằng những người muốn lục lại các bài viết cũ hoặc tìm lời giải ô chữ sẽ sẵn sàng trả tiền.

Cách tiếp cận tốt nhất, với hơn 1 triệu người đăng ký, là của tờ Wall Street Journal. Gần một nửa số bài viết, thường là về tin tức tài chính và báo cáo kinh doanh, yêu cầu phải trả phí, mặc dù chúng đều miễn phí nếu truy cập qua Google News.

Cách này khó cạnh tranh hơn người ta tưởng nhiều. Từ năm 2005 đến năm 2007, New York Times yêu cầu trả phí để đọc trực tuyến những bài bình luận được ưa chuộng nhất. Nhưng rút cục họ phải ngừng vì lượng truy cập giảm đe dọa doanh thu từ quảng cáo.

Los Angeles Times cũng thôi thu phí vì lý do tương tự. Tờ báo nào muốn theo chân Wall Street Journal thì phải có những bài viết thật sự chuyên sâu và hữu dụng.

Financial Times (đồng sở hữu The Economist) chỉ thu phí những ai đọc hơn 10 bài báo một tháng. Mô hình này có một lợi thế lớn so với cách thu phí theo từng bài, ví dụ như nếu thị trường quảng cáo sôi động, chỉ cần cho độc giả xem thêm nhiều bài viết mỗi tháng.

Người ta mới chỉ thảo luận việc dấu bài viết đi chứ chưa ai dám thử.

Thu phí theo từng bài viết chỉ hiệu quả với âm nhạc do thông tin lỗi thời nhanh hơn nhiều so với âm nhạc. Nhưng từng khoản chi nhỏ này đang trở nên rẻ và dễ xử lý hơn. Cả Wall Street Journal và FT đều úp mở rằng họ sẽ thử nghiệm hệ thống thu phí theo kiểu này.

Cách cuối cùng là tấn công các đầu mối thông tin trực tuyến như Google News để kiếm một phần doanh thu từ quảng cáo. Ít nhất làm vậy cũng phần nào thỏa mãn được cả chủ bút lẫn độc giả.

Theo Economist
Minh Tuấn


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM