MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Danh mục đầu tư nửa đầu năm 2009 của DWS Vietnam Fund thuộc Deustche Bank

Nửa đầu năm 2009, DWS Vietnam Fund đã đầu tư vào cổ phiếu VNM, VCB, DPM…

Thông tin trong bài viết được lấy từ báo cáo Consolidated Interim Unaudited Report for the six months ended 30 June 2009 của DWS Vietnam Fund Limited.

Năm 2009 khởi đầu với không quá nhiều kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế và triển vọng lợi nhuận, nhà đầu tư hoảng sợ khi thị trường tài chính nhiều nước trên thế giới sụp đổ trong năm 2008.

Tại Việt Nam, việc chính phủ đưa ra kế hoạch kích cầu và Ngân hàng Nhà nước chuyển hướng chính sách tiền tệ hợp lý đã giúp làm dịu căng thẳng trên thị trường tín dụng và củng cố triển vọng tăng trưởng cho nền kinh tế.

Chỉ báo về kinh tế vĩ mô trong nửa đầu năm 2009 cho thấy dấu hiệu thay đổi tích cực. Lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu vẫn khó khăn bởi hai lĩnh vực này dễ chịu ảnh hưởng từ sự đi xuống của kinh tế toàn cầu.

Nửa đầu năm 2009, trong khi nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu tại châu Á như Thái Lan hay Malaysia chìm trong suy thoái, kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2009 tăng trưởng 3,9%, trong đó tăng trưởng GDP quý 1/2009 đạt 3,1% còn tăng trưởng GDP quý 2/2009 đạt 4,5%.

4 tháng đầu năm 2009, Việt Nam là nước duy nhất trong 30 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào Mỹ tăng được lượng hàng xuất khẩu. Việt Nam hưởng lợi từ việc tái cân bằng xuất khẩu trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu nhờ lợi thế nhân công giá rẻ và bởi nhiều công ty không muốn quá phụ thuộc vào hàng hóa từ Trung Quốc.

Với thay đổi mới này, khi nhu cầu hàng quần áo và giày dép tăng cao trong khi đó nhu cầu hàng nhập khẩu giảm, thâm hụt thương mại của Việt Nam trong nửa đầu năm 2009 là 2,1 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (15 tỷ USD). Giá trị hàng hóa nhập khẩu giảm 34% xuống mức 29,7 tỷ USD, giá trị hàng hóa xuất khẩu chỉ giảm 10% xuống mức 27,6 tỷ USD.

So với cùng kỳ năm 2009, cam kết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nửa đầu năm 2009 giảm 77% xuống mức 8,87 tỷ USD. Lượng vốn FDI rót vào các dự án trên trong nửa đầu 2009 thực tế chỉ đạt 4 tỷ USD, thấp hơn 18% so với cùng kỳ.

Thế nhưng thị trường không khỏi lạc quan nhờ nhiều yếu tố nội địa tích cực: sản xuất công nghiệp quý 2/2009 tăng trưởng 7%, mức tăng trưởng tăng đều qua các tháng: tháng 4/2009 (5,6%); tháng 5/2009 (7,2%); tháng 6/2009 (8,2%). Tỷ lệ lạm phát tháng 6/2009 là 3,94%.

Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2009 đạt 17%, mục tiêu tăng trưởng tín dụng chính thức ở mức 25% đến 27%, như vậy tín dụng nhiều khả năng sẽ không tăng trưởng mạnh trong khoảng thời gian còn lại của năm.
So sánh NAV của một số quỹ lớn đang hoạt động tại Việt Nam

Báo cáo danh mục đầu tư nửa đầu năm 2009

Ngày 30/06/2009, chỉ số VnIndex đứng ở mức 448,29 điểm, và hồi phục được 39,5% tính từ đầu năm 2009. Lợi tức trái phiếu chính phủ Việt Nam thời hạn 3 năm giảm khoảng 4,2%. Một số cổ phiếu OTC nổi bật đã được niêm yết trên thị trường chính thức như cổ phiếu Vietcombank, Bảo Việt.

Ngày 30/06, chỉ số VnIndex đứng ở mức 448,29 điểm, hồi phục 39,5% so với mức đóng cửa năm 2008. Ở mức hồi phục trên, so với cùng kỳ, thị trường Việt Nam là một trong 3 thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Thời gian đầu của năm, thị trường liên tục đi xuống và rơi xuống mức thấp 235,5 điểm vào ngày 24/02.

Từ điểm đáy này, một số thông tin kinh tế tốt, lòng tin nhà đầu tư cải thiện, một số lĩnh vực quan trọng như xây dựng và bất động sản hồi phục đã đẩy chỉ số VnIndex lên mức đỉnh 512,46 điểm vào ngày 09/06, cao hơn 117% so với mức đáy vào tháng 2/2009.

Điều này khiến thị trường không khỏi lo lắng về khả năng điều chỉnh bởi thị trường có thể đã tăng điểm quá nóng so với triển vọng kinh tế thực. Những lo ngại đó đã trở thành sự thật khi từ đó đến ngày 21/07/2009, chỉ số đã hạ 19% so với mức đỉnh.

Trong nửa đầu năm nay, danh mục cổ phiếu niêm yết do DWS Vietnam Fund sở hữu tăng giá 27,3% so với tốc độ tăng chung của thị trường là 39,5%. Tính từ cuối tháng 2/2009, cổ phiếu tài chính, bảo hiểm và công ty chứng khoán tăng điểm dẫn đầu thị trường.

Quỹ không tham gia đầu tư nhiều vào những lĩnh vực này bởi hạn chế room cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc bởi lo ngại về rủi ro liên quan đến các công ty đó. Nửa đầu năm 2009, quỹ đầu tư nhiều vào cổ phiếu các công ty dược phẩm và thực phẩm.

Điều này là một phần nguyên nhân khiến hiệu quả đầu tư hạn chế. Từ khi cổ phiếu Vietcombank và Bảo Việt chính thức lên sàn vào cuối tháng 6/2009, quỹ đã tham gia đầu tư nhiều hơn vào cổ phiếu ngành tài chính và bảo hiểm.

Quỹ tiếp tục duy trì thế phòng thủ với việc nắm giữ nhiều cổ phiếu nhóm tiêu dùng, cơ sở hạ tầng và điện, ngoài ra cũng mở rộng danh mục đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng và tài chính.

Những cổ phiếu trong danh mục đầu tư bao gồm VNM, VCB, DPM, PVD, GMD, và PPC.


Ngọc Diệp

ngocdiep

Trở lên trên