VCG: Liệu có được tăng vốn điều lệ lên 3,000 tỷ đồng?
Những khoản mục quan trọng như chênh lệch tỷ giá, vốn hóa lãi vay cơ bản đã được kiểm toán viên chấp thuận.
VCG&: Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam
Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2009, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (HNX: VCG) sẽ tăng vốn điều lệ từ 1,850 tỷ đồng lên 3,000 tỷ đồng trong năm nay. Dự kiến số tiền thu được từ đợt phát hành này khoảng 1,132 tỷ đồng.
Mục đích của đợt phát hành là để cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn; bổ sung nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh; và đầu tư thực hiện một số dự án do VCG làm chủ đầu tư. Việc tăng vốn này gặp trở ngại do BCTC kiểm toán năm 2008 có nhiều khoản mục ngoại trừ. Trước đó, VCG được yêu cầu nộp lại 891 tỷ đồng vốn thặng dư của Nhà nước.
Thu hồi 891 tỷ đồng vốn thặng dư của Nhà nước trong đợt IPO
Theo sau Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 222/TB-VPCP ngày 29/07/2009, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1957/QĐ-BTC yêu cầu VCG nộp toàn bộ số tiền thặng dư thu được từ đợt phát hành thêm cổ phần ra công chúng lần đầu (IPO).
Đến ngày 31/08/2009, VCG đã chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp Trung ương toàn bộ số tiền 891 tỷ đồng thặng dư theo yêu cầu của Chính phủ. Việc hoàn trả số vốn thặng dư này được thực hiện đúng thời hạn nhờ sự hỗ trợ từ cổ đông lớn là Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), các cổ đông chiến lược và cả chính từ cổ đông Nhà nước, cũng là cổ đông sáng lập mà đại diện là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 3,000 tỷ đồng
Trước đó, Đại hội cổ đông thường niên năm 2009 của VCG đã phê duyệt phương án chào bán cổ phần tăng vốn điều lệ lên 3,000 tỷ đồng. Theo Nghị quyết ngày 24/4/2009, việc tăng vốn này sẽ được thực hiện qua hai giai đoạn.
Giai đoạn 1: Chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua, với giá cổ phiếu bằng mệnh giá (10,000 đ/cp).
Tổng số lượng cổ phiếu dự kiến chào bán là 113,195,820 cổ phiếu, tương đương với giá trị theo mệnh giá xấp xỉ 1,132 tỷ đồng.
Giai đoạn 2: Chào bán cổ phiếu cho cán bộ chủ chốt theo hình thức chào bán riêng lẻ, với tổng giá trị theo mệnh giá khoảng 17 tỷ đồng.
Số tiền thu được từ đợt tăng vốn điều lệ này được dùng để cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn; bổ sung nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh; và đầu tư thực hiện một số dự án do VCG làm chủ đầu tư.
Một số dự án mà VCG đang triển khai bao gồm: dự án khu đô thị mới Bắc An Khánh (Liên danh giữa Vinaconex và Posco E&C Hàn Quốc); dự án công trình cụm nhà ở cao tầng hỗn hợp No5 thuộc Dự án Khu đô thị Đông Nam; Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính; dự án xây dựng Tòa nhà Vinaconex ở 34 Láng Hạ; dự án xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội, dự án Xi măng Cẩm Phả, dự án Xi măng Yên Bình (Yên Bái)…
UBCKNN yêu cầu giải trình các khoản mục ngoại trừ
Ngày 14/8/2009, VCG đã nộp hồ sơ xin cấp phép chào bán cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ từ 1,850 tỷ đồng lên 3,000 tỷ đồng đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Tuy vậy, trong Công văn số 1766/UBCK-QLPH, UBCKNN đã yêu cầu có sự giải trình từ phía VCG, vì báo cáo kiểm toán năm 2008 có nhiều khoản mục ngoại trừ, không phù hợp với quy định hiện hành.
Theo quy định tại Thông tư 17/2007/TT-BTC, doanh nghiệp chỉ được tăng vốn khi: “Báo cáo tài chính năm phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập được chấp thuận. Ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính phải thể hiện chấp nhận toàn bộ. Trường hợp ý kiến kiểm toán là chấp nhận ngoại trừ thì khoản ngoại trừ phải là không trọng yếu và phải có tài liệu giải thích hợp lý về cơ sở ngoại trừ đó".
Theo báo cáo kiểm toán do Công ty Kiểm toán và Định giá Việt Nam (VAE) thực hiện cho năm 2008, còn có nhiều khoản mục ngoại trừ liên quan đến các công ty con và cả công ty mẹ.
Một vài khoản mục ngoại trừ như công nợ phải thu phải trả, vì chưa được đối chiếu được; chi phí trả trước dài hạn và ngắn hạn chưa có những tiêu thức phân bổ chi phí rõ ràng; dự án xi măng Cẩm Phả đã hoàn thành nhưng vẫn vốn hóa lãi vay vào chi phí xây dựng dở dang; khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản vay dài hạn ngoại tệ không được hạch toán vào chi phí trong kỳ mà treo trên khoản mục Chênh lệch tỷ giá (TK 413)… Trong đó có các khoản mục mang tính trọng yếu, ảnh hưởng lớn đến báo cáo tài chính của VCG.
Vì vậy, điều kiện tối thiểu để UBCKNN đồng ý kế hoạch tăng vốn là các “vấn đề ngoại trừ” trong BCTC hợp nhất năm 2008 phải được giải thích hoặc có hướng giải quyết hợp lý.
Hầu hết các “vấn đề ngoại trừ” trong BCTC năm 2008 được xử lý, khắc phục
VCG sau đó đã làm việc với công ty kiểm toán VAE (đơn vị kiểm toán BCTC hợp nhất năm 2008). Theo công văn VAE gửi cho VCG, cho đến thời điểm hiện tại hầu hết “các vấn đề ngoại trừ” trong BCTC hợp nhất năm 2008 được xử lý, khắc phục.
Tuy vậy, vẫn còn một số ngoại trừ liên quan đến BCTC hợp nhất năm 2008 mà cho đến nay vẫn chưa được khắc phục, xử lý. Đối với vấn đề này, VCG khẳng định các khoản mục ngoại trừ còn tồn tại không ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC hợp nhất năm 2008 của Tổng công ty.
Được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 3,000 tỷ đồng?
Những khoản mục quan trọng như chênh lệch tỷ giá, vốn hóa lãi vay cơ bản đã được kiểm toán viên chấp thuận. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều khoản mục chưa có cơ sở rõ ràng nên tiếp tục bị ngoại trừ. Các khoản mục này được đánh giá là không ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC hợp nhất năm 2008 của VCG.
Nếu điều chỉnh các khoản mục này theo ý kiến kiểm toán để được ý kiến chấp nhận toàn bộ, tổng tài sản và nguồn vốn bị điều chỉnh chưa đến 0.4%. Đặc biệt lợi nhuận trước thuế năm 2008 chỉ bị giảm 1.96%, và không ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả hoạt động kinh doanh, phù hợp nội dung quy định trong thông tư số 17/2007/TT-BTC.
Như vậy, với việc đã giải trình về các khoản ngoại trừ trên BCTC hợp nhất năm 2008, rất có thể VCG sẽ được UBCKNN cấp phép chào bán cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ lên 3,000 tỷ đồng.
Nếu việc chào bán cổ phiếu để tăng vốn được chấp thuận, vấn đề đáng quan tâm trong thời gian sắp tới có lẽ là nguồn vốn kinh doanh của VCG. Như đã đề cập ở trên, các cổ đông lớn đã hỗ trợ VCG trong việc trả lại 891 tỷ đồng vốn thặng dư của Nhà nước trong đợt IPO trước đây.
Có thể suy đoán rằng khoản tiền hỗ trợ này sẽ được cấn trừ trong đợt phát hành tăng vốn dự kiến sắp tới. Như vậy, số tiền thu được thực sự sau đợt tăng vốn này có thể chỉ còn lại khoảng 241 tỷ đồng.
Liệu VCG có thể thu xếp được dòng tiền để cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn, bổ sung nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư thực hiện một số dự án như mục tiêu ban đầu đề ra trong Nghị quyết Đại hội cổ đông hay không??
Trước đó, vào ngày 01/09/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo xử lý sau thanh tra việc cổ phần hóa Vinaconex.
Các khoản mục có liên quan bao gồm: tiền lãi do sử dụng các khoản tiền chưa nộp; giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích do Vinaconex xây dựng vi phạm quy hoạch; giá trị quyền phát triển dự án Khu đô thị Bắc An Khánh; giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được giao thực hiện dự án Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính và giá trị tài sản tầng 1 các chung cư cao tầng khi xác định giá trị doanh nghiệp để CPH...; rà soát lại danh sách các nhà đầu tư chiến lược, trường hợp không đủ điều kiện thì sẽ hủy bỏ.
Theo Ngô Thị Như Diễm
Vietstock