MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuỗi siêu thị miễn thuế Mộc Bài 'hấp hối'

Trên 50% cửa hàng bỏ trống, số còn lại đóng cửa im ỉm hoặc kinh doanh ế ẩm. Những kiot cố duy trì hoạt động kinh doanh nhưng hầu như không có người mua hàng.

Vắng khách, nhà đầu tư bỏ đi, doanh thu không đủ trả tiền điện nước và phí quản lý, chuỗi cửa hàng, siêu thị miễn thuế tại cửa khẩu kinh tế Mộc Bài (Tây Ninh) đang ế ẩm dù đã được nối lại chính sách phi thuế quan đến ngày 31/12/2012.

Khảo sát tại Trung tâm thương mại Hiệp Thành Mộc Bài ngày 28/10, các chuỗi cửa hàng miễn thuế, dù treo thông báo giảm giá nhưng vẫn vắng khách. Trên 50% cửa hàng bỏ trống, số còn lại đóng cửa im ỉm hoặc kinh doanh ế ẩm. Những kiot cố duy trì hoạt động kinh doanh nhưng hầu như không có người mua hàng.

Tại hai siêu thị miễn thuế Save a lot và Fuso cũng diễn ra tình trạng ảm đạm tương tự. Người mua chỉ lác đác, còn lại là nhân viên bán hàng thảnh thơi chờ khách. Những chuyến xe điện vào khu mua sắm hầu như trống rỗng, khác xa cảnh sầm uất, bán mua tấp nập trước đây.

Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thương mại Nam Phát Võ Hồng Tâm than vãn: "Tôi có 38 gian hàng tại khu thương mại này nhưng nay co lại còn 11 kiot. Từ hơn 100 nhân viên giờ giữ lại 28 người. Doanh thu trước đây 100 triệu đồng nay chưa đến 20 triệu đồng mỗi ngày".

Ông Tâm cho hay, với tình hình kinh doanh trì trệ như hiện nay, nhiều khả năng 11 gian hàng còn lại cũng sẽ bị dẹp tiệm sớm vì cầm cự không nổi.

Trong khi đó, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Nam Hiệp Thành Hoàng Bá Phòng chia sẻ: "Đầu tư 245 tỷ đồng vào dự án khu thương mại miễn thuế 48,5 ha trong năm 2005-2011, đến nay doanh nghiệp chưa có một đồng lời mà còn đứng trước nguy cơ không hoàn nổi vốn".

Ông Phòng cho biết, trong số 32 nhà đầu tư đang thuê, mua, hợp tác với doanh nghiệp nay chỉ còn 12 nhà đầu tư, trong đó có đến 4 nhà đầu tư đang trong quá trình thanh lý. 140 gian hàng nay chỉ còn 40 gian hoạt động cầm chừng. Riêng doanh thu thuê mặt bằng gần như bằng không vì 10 tháng qua, các doanh nghiệp đã nợ phí thuê mặt bằng do không buôn bán được. Doanh thu bán hàng không những sụt giảm mạnh, mà mỗi ngày mở mắt ra đơn vị phải tính bài toán xoay ở đâu ra hơn 200 triệu đồng tiền lãi và 80 triệu đồng chi phí duy tu, bảo dưỡng toàn hệ thống.

"Hai siêu thị Fuso hẹn bán xong Tết năm nay sẽ trả mặt bằng, còn Save a lot cũng đang trong quá trình thanh lý. Bây giờ chúng tôi không muốn nhắc đến Mộc Bài trong chiến lược kinh doanh nữa vì đã quá mệt mỏi với việc chạy theo chính sách", ông Phòng nói.

Từ tháng 7, khi quyết định bỏ chính sách miễn thuế cho du khách nội địa (được miễn thuế khi mua hàng dưới 500 nghìn đồng một người một ngày) có hiệu lực, tình hình thương mại tại khu cửa khẩu Mộc Bài bị đình trệ hoàn toàn. Sau đó, Chính phủ đã cho nối lại chính sách phi thuế quan với khách nội địa đến hết năm 2012 tại Mộc Bài. Các hoạt động thương mại tại đây tái khởi động từ ngày 10/7.

Tuy nhiên, chính sách miễn thuế đã không còn thoáng như trước. Thay vì khách nội địa được mua 500 nghìn đồng hàng miễn thuế mỗi ngày một lần, thì nay chỉ được mua mỗi tuần một lần, với cùng hạn mức tiền này. Đây là nguyên nhân chính khiến khách mua sắm không trở lại Mộc Bài. Chuỗi cửa hàng, siêu thị miễn thuế ế ẩm, còn các nhà đầu tư Nhật, Malaysia đã hủy bỏ các đàm phán kinh doanh siêu thị miễn thuế vì không hiểu sau này còn có những chính sách bất thình lình nào nữa hay không.

Trưởng Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài Phan Minh Thành cho biết: "Tình hình kinh doanh trì trệ của các cửa hàng miễn thuế bắt nguồn từ những chính sách thiếu nhất quán về thuế và kêu gọi đầu tư. Vai trò thương mại của Mộc Bài đến nay đã không thể làm tròn vì chính sách phi thuế quan không phù hợp".

Theo ông Thành, khi mới hoạt động, Nhà nước định chính sách rất thoáng với mục tiêu phát triển Mộc Bài theo hướng thương mại, công nghiệp, khu đô thị và du lịch sinh thái. Trong đó, thương mại là "trái tim" của Mộc Bài, làm đầu tàu kéo các lĩnh vực khác cùng phát triển. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm chính sách lại sửa đổi.

Cụ thể, trong Công văn 7156 của Bộ Tài chính hồi tháng 6/2008, có đề cập đến việc quy định rõ đối tượng được hưởng chính sách miễn thuế là khách du lịch (đảm bảo đúng là du khách theo đoàn của các công ty du lịch có đăng ký, quản lý) và không bao gồm cư dân địa phương.

Cũng trong văn bản trên, Bộ Tài chính đề cập đến việc quy định rõ số lượt mua hàng miễn thuế trong một khoản thời gian nhất định của mỗi du khách, đảm bảo số lần hợp lý trong một năm và mỗi tháng không quá một lần.

Cuối cùng tỉnh đã ra một văn bản quy định mua hàng miễn thuế mỗi tuần một lần với số tiền được miễn thuế là 500 nghìn đồng. Sau đó lại xuất hiện thêm lệnh đóng cửa và quyết định tái hoạt động đến năm 2012. Việc hạn chế phi thuế quan kiểu này không những khiến Mộc Bài mất khách, giảm doanh thu mà còn làm cho niềm tin của doanh nghiệp bị tổn thương nên nhiều đơn vị đã bỏ ý định đầu tư vào cửa khẩu này.

Trưởng Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài giải thích thêm, khi khu kinh tế cửa khẩu hình thành đã giải quyết việc làm cho 1.800 lao động tại chỗ; giảm nạn buôn lậu, thồ hàng qua biên giới; đặc biệt mối quan hệ an ninh quốc phòng, trật tự xã hội tại đây được củng cố. Thành quả này không phải dễ dàng đạt được. "Chính phủ cần cân nhắc thiệt hơn khi ra những quyết định liên quan đến việc thu hút đầu tư và chính sách phi thuế quan cho khách nội địa tại đây", ông nói.

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) là một trong 8 khu kinh tế của khẩu của cả nước, theo quy hoạch khu này rộng 21.300 ha, trước mắt đã đưa vào sử dụng gần 2.500 ha. Trong giai đoạn 2006-2007, Mộc Bài đón khoảng 10.000 lượt khách đến đây mua sắm mỗi ngày. Tuy nhiên, quang cảnh nhộn nhịp bán mua nay chỉ còn trong quá khứ.

Theo VnExpress


ngocdiep

Trở lên trên