MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VUSTA gửi kiến nghị đến Quốc hội về nhà máy điện hạt nhân

Bước đầu chỉ nên triển khai xây dựng một nhà máy điện hạt nhân với công suất phù hợp để đúc rút kinh nghiệm xây dựng vận hành...

Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) vừa có văn bản gửi Quốc hội, trong đó kiến nghị bước đầu chỉ nên xây dựng một nhà máy điện hạt nhân.

Trong buổi tọa đàm "Một số vấn đề xung quanh việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở Việt Nam” chiều 6/11, PGS. TS Phạm Bích San - Phó Tổng thư ký VUSTA nêu rõ quan điểm tiếp cận của Liên hiệp hội đối với vấn đề điện hạt nhân. Theo đó, Liên hiệp hội thống nhất chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân để thoả mãn nhu cầu năng lượng cho tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước là giải pháp cần thiết và hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, cho đến nay điện hạt nhân vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và rất nhạy cảm, đòi hỏi phải có sự thận trọng cao nhất. Đồng thời, mục tiêu về kinh tế của dự án phải được đặt dưới mục tiêu an toàn hạt nhân.

Liên hiệp hội bày tỏ quan điểm khá rõ ràng, đề nghị Đại biểu Quốc hội xem xét, cân nhắc một số vấn đề trọng tâm đối với dự án nhà máy điện hạt nhân. Trong đó, quy mô hợp lý của năng lượng hạt nhân trong tổng cung năng lượng của Việt Nam, nguồn lực cho nhà máy điện hạt nhân, vấn đề đảm bảo an toàn cho hạt nhân cũng được Liên hiệp hội nhấn mạnh.

Trên cơ sở lấy ý kiến của các nhà khoa học, Liên hiệp hội đã có những kiến nghị vắn tắt gửi tới Quốc hội. Trước hết, cần có chương trình tổng thế phát triển điện hạt nhân Việt Nam và các cơ sở hạ tầng liên quan, trên căn bản lấy mục tiêu làm chủ công nghệ, tiến tới nội địa hoá công nghệ.

Chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần được đặt dưới sự chỉ đạo của một Ban Chỉ đạo quốc gia với thẩm quyền cao nhất của Chính phủ. Ban này cần có đủ quyền lực và chuyên gia trong ngành nhằm huy động tối đa nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho an toàn hạt nhân của các nhà máy được xây dựng.

Cần tập trung xây dựng một cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập để đảm bảo an toàn cho các hoạt động của nhà máy điện hạt nhân Việt Nam. Xây dựng một lộ trình thích hợp nhằm đưa nhà máy điện hạt nhân vào hoạt động khi đủ điều kiện và không lấy năm 2020 là mốc cố định. Bước đầu chỉ nên triển khai xây dựng một nhà máy điện hạt nhân với công suất phù hợp để đúc rút kinh nghiệm xây dựng vận hành, tổ chức quản lý và rèn luyện hình thành nên nguồn nhân lực có tay nghề và kỷ luật cao cho các lò sau.

Quốc hội cần quản lý chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong tương quan với hiệu suất sử dụng năng lượng. Sau khi có dự án khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân, xin kiến nghị Chính phủ cho phép Liên hiệp Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam được tham gia thẩm định dự án với tư cách là cơ quan phản biện xã hội.

Theo Tiến Nguyên

Dân Trí

thanhhuong

Trở lên trên