MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu lỗi hẹn vì hàng đơn điệu

Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2009 đạt 51,3 tỷ USD bằng 87% kế hoạch năm (đã điều chỉnh giảm).

Kim ngạch xuất khẩu năm 2009 khó đạt được mục tiêu đề ra có nguyên nhân từ cơ cấu hàng hoá xuất khẩu đơn điệu. Chưa xuất hiện mặt hàng nào có khả năng tăng trưởng đủ mạnh để dẫn dắt tốc độ tăng xuất khẩu.

Mặc dù hiện mới chỉ có con số thống kê chính thức kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2009, nhưng có thể dự đoán rằng, năm nay, xuất khẩu khó có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2009 chỉ đạt 51,3 tỷ USD, bằng 87% kế hoạch năm (đã điều chỉnh).

Có một điểm cần lưu ý trong xuất khẩu 11 tháng qua là, kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2009 giảm 6,5% so với tháng 10/2009, chỉ đạt 4,7 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2009 cũng chỉ đạt 4,7 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng 9/2009, nên có thể dự báo, kim ngạch xuất khẩu tháng 12 này sẽ khó lòng có đột biến. Điều này đồng nghĩa với việc kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2009 khó có thể vượt mốc 56,5 tỷ USD như dự báo cách đây 2 tháng của Bộ Công thương. Đương nhiên, con số này còn kém xa so với kế hoạch đề ra là 59 tỷ USD.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu tháng 11 (so với tháng 10) là do kim ngạch 2 mặt hàng quan trọng là dầu thô giảm 218 triệu USD và dệt may giảm 71 triệu USD. Việc sụt giảm xuất khẩu dầu thô tác động tới kim ngạch xuất khẩu chung cho thấy, ảnh hưởng của sản phẩm này tới cán cân thương mại vẫn còn rất mạnh.

Phân tích nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm xuất khẩu trong thời gian qua, Bộ Công thương nhận định, do giá xuất khẩu bình quân của 11 tháng năm nay giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Song, điểm lại cơ cấu các nhóm hàng hoá xuất khẩu trong 11 tháng năm 2009 có so sánh với cơ cấu hàng xuất khẩu các năm trước có thể thấy, vẫn chưa xuất hiện mặt hàng nào có khả năng tăng trưởng mạnh đủ để dẫn dắt tốc độ tăng xuất khẩu.

Đây có thể coi là nguyên nhân chính tác động tới tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua.

Hay nói cách khác, giá cả của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến, nguyên liệu, khoáng sản có tác động rất mạnh tới xuất khẩu của Việt Nam, bởi đây vẫn là các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam.

Chẳng hạn như tháng 11/2009, kim ngạch xuất khẩu của nhóm các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng 4,8% so với tháng 10 là do giá xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng trên đều tăng (giá nhân điều tăng 13,8%; hạt tiêu tăng 2,12%; gạo tăng 4,68%; cao su tăng 6,54%; sắn và các sản phẩm của sắn tăng 3,3%...).

Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng công nghiệp chế biến (mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam) trong tháng 11/2009 giảm 5,9% cũng đã tác động tới việc giảm kim ngạch xuất khẩu của tháng 11 so với tháng 10. Ví dụ như dệt may, chất dẻo nguyên liệu, dây điện và cáp điện, giày dép... trong tháng qua đều có mức sụt giảm đã tác động tới xuất khẩu chung.

Cũng cần phải nhìn nhận một cách công bằng rằng, với trình độ phát triển của Việt Nam như hiện nay, cơ cấu hàng xuất khẩu lạc hậu và chậm đổi mới là điều khó tránh khỏi. Song, điều đáng nói là, cơ cấu xuất khẩu đơn điệu này đã được nhìn nhận trong nhiều năm qua, nhưng chưa có được sự thay đổi, chuyển biến đáng kể.

Khi phân tích tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với sụt giảm nhập khẩu từ năm ngoái (2008), ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) nhận định, những quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô sẽ chịu tác động mạnh từ việc giá xuất khẩu giảm và để phục hồi xuất khẩu nhanh hơn, hướng nghiên cứu để có được sản phẩm thế mạnh với hàm lượng công nghệ cao là cần thiết.

Song nhìn từ hướng đầu tư sản xuất xuất khẩu trong thời gian qua của các doanh nghiệp trong nước có thể thấy, sự thay đổi này khó diễn ra sớm. Thế nên, “điệp khúc” kim ngạch xuất khẩu giảm do nguyên nhân giá thế giới giảm sẽ còn diễn ra trong nhiều năm nữa.

Theo Duy Đông

Đầu tư

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên