MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phần 1: Quan điểm đầu tư cuối năm và kỳ vọng 2010

Nội dung buổi giao lưu "Triển vọng chứng khoán Việt Nam 2010" của Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 11/12.

Với chủ đề “Triển vọng chứng khoán Việt Nam 2010?”, cuộc giao lưu trực tuyến diễn ra vào lúc 14h-16h30 ngày 11/12/2009, tại trụ sở Thời báo Kinh tế Việt Nam (Hà Nội), với sự tham gia của các vị khách mời là Đại diện Ủy ban Chứng khoán, quỹ đầu tư và 5 CTCK lớn:

- Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

- Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

- Ông Hoàng Xuân Quyến, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI)

- Ông Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Thăng Long (TSC)

- Bà Lê Lệ Hằng, Giám đốc Khối phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

- Ông Lê Anh Thi, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Âu Việt (AVSC)

- Ông Vũ Hữu Điền, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital

Chúng tôi xin đăng tải một số câu hỏi của các độc giả và chia thành 3 nhóm câu hỏi: Nguyên nhân thị trường giảm; Vấn đề giải chấp của các CTCK và Kỳ vọng 2010.

Kỳ vọng 2010 và quan điểm đầu tư

Lê Xuân Mai - Nữ 29 tuổi - Nhân viên phân tích: Kính gửi bà Lệ Hằng, tôi được biết CTCK SSI thường có những bài viết dự báo triển vọng các ngành nghề khá khách quan và logic. Theo bà, nhóm ngành nghề nào sẽ là ngành có sự phát triển ổn định trong năm 2010, nhóm ngành nào mang nhiều yếu tố đột biến? Một nhóm ngành được khá nhiều nhà đầu tư kì vọng đầu tư trong năm 2010 là ngành thủy sản. Vậy bà có ý kiến gì về nhóm ngành này?

Bà Lê Lệ Hằng: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúng tôi vẫn tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư lựa chọn những công ty có cơ bản tốt và có mức tăng trưởng trong năm 2010.

Một số ngành mà chúng tôi ưa thích là Nông nghiệp, Vật liệu cơ bản, Thủy sản, Công nghiệp, Bất động sản, Ngân hàng...

Trong đó, Thủy sản là ngành sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu thị trường thế giới dần hồi phục trở lại trong năm 2010 và ngoài ra còn được hỗ trợ của Chính phủ.

Nguyễn Hữu Phúc - Nam 38 tuổi - CNV: Dự đoán giá cổ phiếu ngành ngân hàng đang niêm yết từ nay đến cuối năm và quý I/2010 sẽ như thế nào? Xin các diễn giả chia sẻ quan điểm.

Bà Lê Lệ Hằng: Gần đây giá cổ phiếu ngân hàng đã xuống khá nhiều và đi chậm hơn so với đà tăng của thị trường. Có nhiều lý do khiến cho giá cổ phiếu ngân hàng giảm giá mà nguyên nhân chính là do hoạt động kinh doanh của ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong nửa cuối năm 2009.

Chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt hơn đã có ảnh hưởng đến lợi nhuận từ lãi của các ngân hàng trong khi TTCK có xu hướng đi ngang khiến các khoản lãi từ đầu tư chứng khoán và hoàn nhập dự phòng giảm so với nửa đầu năm.

Nhìn sang 2010, các chính sách tiền tệ sẽ theo hướng cân bằng giữa ổn định vĩ mô và tăng trưởng. Đà hồi phục kinh tế của Việt Nam cũng như của thế giới sẽ rõ ràng hơn. Ngân hàng là xương sống của nền kinh tế nên sự hồi phục kinh tế sẽ có tác động tích cực đến ngành này.

Đỗ Đình Thức - Nam 33 tuổi - Kỹ sư: Các ông đánh giá thế nào về triển vọng chứng khoán Việt Nam quý 1/2010?

Ông Hoàng Xuân Quyến: TTCK Việt Nam và thế giới đã đi qua giai đoạn khủng hoảng và bắt đầu hồi phục. Con đường đi lên là xu thế tất yếu nhưng chưa hoàn toàn là bằng phẳng.

2010 vẫn là năm lạc quan cho TTCK, bởi lẽ nền kinh tế Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng từ 6-6,5%. Nền kinh tế Mỹ và châu Âu cũng đang có dấu hiệu hồi phục nên cầu hàng hóa sẽ tăng lên. Việt Nam là nước có nền kinh tế mở nên xuất khẩu sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh.

Tôi nghĩ TTCK đang khó khăn chỉ là nhất thời do ảnh hưởng của luồn tiền và tâm lý. Nhiều khả năng từ quý 2/2010 TTCK sẽ được phép giao dịch ký quỹ, giao dịch chứng khoán T+2, kéo dài thời giao dịch dịch, giao dịch trực tuyến ở sàn Hà Nội.

Các yếu tố này sẽ tăng tính thanh khoản của thị trường, luồng tiền vào thị trường cũng sẽ tốt hơn vì các ngân hàng cũng sẽ tự cân đối được các nguồn vốn và sẽ tiếp tục cho vay đầu tư chứng khoán.

Như vậy, yếu tố tâm lý sẽ tốt dần lên, thanh khoản được cải thiện và luồn tiền tăng thì sẽ cộng hưởng. Tôi nghĩ rằng quý mô giao dịch của TTCK sẽ bứt phá.

Nguyễn Tấn Đạt - Nam 28 tuổi - Nhân viên: Xin hỏi các chuyên gia nhận định tình hình TTCK hiện nay và cuối năm có gì triển vọng không? Trong năm 2010 TTCK sẽ như thế nào? Các điểm thuận lợi, bất lợi cho thị trường trong năm tới ra sao? Những ngành nào có thể đầu tư cho những nhà đầu tư cá nhân?

Ông Vũ Hữu Điền: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn, theo tôi, trong 11 tháng 2009 vừa qua,tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam có chuyển biến khá tích cực dựa trên các gói hỗ trợ của Chính phủ đã kích thích tiêu dùng trong nước tăng trưởng. GDP tăng 5%, lạm phát được kiềm chế ở mức khoảng 5%; xuất khẩu có giảm những so với các quốc gia khác, nhưng giảm ít và thị phần xuất khẩu của Việt Nam trên thế giới tăng.

Tuy nhiên, song song đó có những lo ngại, thứ nhất là việc cung tiền và tăng trưởng tín dụng tương đối cao. Đến 11 tháng, tín dụng tăng 34% làm VND bị suy yếu và vì thế, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp tương đối bất ngờ để kìm chế lạm phát, nhập siêu cũng như phá giá đồng tiền (tăng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%, định giá lại đồng VND). Điều này đã ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam.

TTCK tăng và giảm dựa trên những diễn biến trên, 9 tháng đầu năm tăng trưởng khá ấn tượng, nhưng từ tháng 10 trở đi xuất hiện những dấu hiệu lo ngại, nhà đầu tư tương đối hoang mang, dẫn đến thị trường giảm mạnh trong thời gian vừa qua.

Về năm 2010, mặc dù có những lo ngại lạm phát sẽ quay trở lại cũng như thâm hụt mậu dịch và cán cân thanh toán. Tuy nhiên, với việc Chính phủ đã sớm can thiệp để quản lý tình hình nền kinh tế, tôi nghĩ TTCK Việt Nam 2010 sẽ ổn định hơn.

Hiện nay, trên TTCK giá trị nhiều công ty tương đối hấp dẫn. Nếu P/E 2009 là 11.5 lần, thì P/E 2010 chỉ khoảng 10.5, tương đối hấp dẫn đề đầu tư trung và dài hạn. Mặt khác, năm 2010 chúng ta còn nhiều điểm thuận lợi như Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2010 thể hiện tăng trưởng ổn định chứ không phải hy sinh để tăng trưởng. Mục tiêu là tăng trưởng nhưng kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Hành động của Chính phủ điều hành kinh tế trong thời gian gần đây cho thấy Chính phủ có thể kiểm soát tình hình.

Tuy vậy, cũng có những bất lợi, đó là thâm hụt ngân sách và lạm phát có thể quay trở lại. Bên cạnh đó, thị trường thế giới đang phục hồi nhưng cũng chưa thể dự đoán được, còn gập ghềnh.

Ngành nào để đầu tư trong 2010? Theo tôi, chúng ta có thể đầu tư vào những ngành như hàng tiêu dùng trong nước, ngân hàng, bất động sản (tập trung vào bán lẻ, phục vụ nhu cầu trung cấp). Đặc biệt chúng ta nên chú ý những công ty có khả năng đã bán rồi chỉ thu tiền và hạch toán hoặc những công ty chỉ phát triển bất động sản trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó chúng ta có thể xem xét những thành liên quan đến xuất khẩu. VND giảm giá sẽ khuyến khích xuất khẩu và Chính phủ cũng đang có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Hoàng Xuân Quyến: Các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng (cảng biển) cũng được chú trọng tạo thuận lợi thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Chính vì thế, tôi cho rằng các ngành này có tiềm năng tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

Ông Lê Anh Thi: Chào bạn, TTCK cuối năm nay vẫn bị tác động tâm lý về việc tăng lãi suất và lo ngại thắt chặt tiền tệ, tuy nhiên cuối năm các tin dự báo lợi nhuân cả năm 2009 sẽ đưa ra dự báo là tích cực. Tuy nhiên theo tôi, thị trường sẽ không có đột biến gì đến cuối năm.

Những yếu tố hỗ trợ thị trường trong năm 2010 là:

- Sự phục hồi kinh tế thế giới, đặc biệt sẽ hỗ trợ cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, cao su, may mặc, đồ gỗ...

- Đà phục hồi của doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2009, Việt Nam duy trì được tăng trưởng GDP 5,2% là một thành tích rất ấn tượng so với nhiều nước khác trên thế giới. Điều đó cho thấy nội lực, sự thích nghi của các doanh nghiệp trong nước là rất cao.

Còn những yếu tố bất lợi cho thị trường trong năm 2010 là: Việc tăng lãi suất và thu hẹp tiền tệ làm giảm dòng tiền vào TTCK. Tuy nhiên, thời gian này dự kiến sẽ chỉ trong quý 1 hoặc cùng lắm là trong quý 2 trong năm 2010.

- Trong năm 2009, nhiều doanh nghiệp thu được lợi nhuận từ việc mua hàng hóa cơ bản với giá rẻ, ví dụ như cao su, thép, hóa chất, dầu... Điều này sẽ khó diễn ra trong năm 2010.

- Trong năm 2009 có được lợi nhuận lớn từ hòa nhập dự phòng tài chính. Nguồn lợi nhuận này dự kiến sẽ giảm hẳn trong năm 2010.

Do vậy, những ngành triển vọng trong năm 2010 là các ngành xuất khẩu (cao su tự nhiên, khai khoáng, than, thủy sản, đồ gỗ, may mặc...). Ngoài ra một số cổ phiếu ngành bất động sản vẫn có thể duy trì được lợi thế nhất định. Ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi từ việc tăng lãi suất. Ngành dầu khí cũng được hưởng lợi khi giá dầu tăng làm cho các dự án dầu khí được khôi phục lại.

Lương Anh Quân - Nam 26 tuổi - Tư vấn tài chính: Theo các diễn giả, ưu điểm nổi bật của TTCK Việt Nam 2010 so với năm 2009 và những năm trước đó như thế nào?

Bà Lê Lệ Hằng: Dựa trên những công ty chúng tôi đang theo dõi, chất lượng thu nhập của các doanh nghiệp năm 2010 sẽ có khác biệt so với năm 2009. Cụ thể là nguồn thu từ hoạt động kinh doanh chính sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong 2010, nguồn thu từ đầu tư tài chính, hoàn nhập dự phòng và định giá lại tài sản sẽ không cao như năm 2009. Xét về yếu tố cơ bản, điều này cho thấy chất lượng thu nhập của doanh nghiệp sẽ tốt hơn trong năm 2010.

Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam năm 2010 sẽ có thêm một số yếu tố tích cực khác như các chính sách liên quan đến TT tài chính, chứng khoán sẽ được hoàn thiện hơn. Tính thanh khoản của thị trường cũng như mức độ hiểu biết của nhà đầu tư sẽ tốt hơn. Nhà nước cũng đang tích cực thực hiện quá trình cổ phần hóa và nguồn cung cổ phiếu cho TTCK sẽ tăng lên và tạo sức hút đối với nhà đầu tư.

Huỳnh Hoàng Quân - Nam 25 tuổi - Chuyên viên phân tích tài chính: Kính gửi anh Vũ Hữu Điền và anh Quách Mạnh Hào về một quan điểm về mức vốn hóa thị trường Việt Nam hiện nay. Mong các anh có thể chia sẽ với các đọc giả về vấn đề trên! Chân thành cảm ơn các anh!

Theo công bố từ Bộ Tài chính, mức vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu hiện nay đạt khoảng 669 nghìn tỷ đồng (39 tỷ USD), tương đương 55% GDP của năm 2008. So với thời điểm cuối năm 2008 (225 nghìn tỷ đồng), mức vốn hoá đã tăng gần gấp 3 lần.

Có 3 số liệu thống kê đang khá mâu thuẫn với nhau.

- Thứ nhất, tính đến hết năm 2008, cả nước đã sắp xếp lại được 5.414 doanh nghiệp trong tổng số khoảng 6.200 doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, có khoảng 92 các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước với mức vốn chủ sở hữu khổng lồ.

- Thứ hai, con số 438 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn, cộng với hầu hết các doanh nghiệp niêm yết trên HNX có quy mô vốn rất thấp.

- Thứ ba, 90% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Chúng ta có thể kết luận ra sao về mức vốn hóa thị trường theo GDP vào khoảng 55% như hiện nay? Một là, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả nên không đóng góp vào mức tăng trưởng GDP, vấn đề kém hiệu quả đã được làm sáng tỏ. Hai là, nghi ngại rằng mức vốn hóa 55% đang vượt qua giá trị thực của nó. Tuy nhiên, những con số trên đây chỉ mang tính chất định tính.

Ông Quách Mạnh Hào: Tôi đã từng có một bình luận rằng, tôi nghi ngờ con số nêu trên bởi tôi không biết cách tính như thế nào. Có lẽ cách tính là lấy giá cổ phiếu nhân với tổng số cổ phiếu của doanh nghiệp nên mới ra con số lớn như vậy. Dù thế nào thì con số đó cũng không phải là một điều đáng tự hào mà ngược lại, nó còn tạo ra sự nghi ngại về tình trạng “bong bóng” của thị trường đúng như những phân tích mà bạn vừa đề cập.

Nguyen Quang Huy - Nam 41 tuổi - Nhà đầu tư: Xin chào ông Quyến, được biết trước đây ông chuyên phụ trách đầu tư và phân tích đầu tư. Tôi xin hỏi ông một câu, khi tham gia đầu tư, lẽ thường mỗi người cần dự phòng cho mình một giải pháp hay nói cách khác là lối thoát. Ở đây không phải cứ giảm là thoát và thoát đúng đỉnh cũng là nghệ thuật mà ít người đạt tới. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp này không? Và giải pháp để thoát ở thời điểm này nên như thế nào?

Ông Hoàng Xuân Quyến: Không ai có thể biết đâu là đỉnh, đâu là đáy, chỉ có sau khi thị trường đã đi qua thì mới có thể biết. Kinh nghiệm cá nhân của tôi là khi thị trường đã tăng trưởng nóng, quan sát thấy rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thị trường và các thông tin hỗ trợ đã xuất hiện thì cũng là lúc cần phải xem xét lại danh mục và chốt lãi.

Tại thời điểm này, VN-Index đã ở mức 444 điểm, cảm nhận chung trên thị trường hiện nay là VN-Index có thể còn tiếp tục rơi xuống vùng 410 - 420 thì mới xuất hiện mạnh hơn lực cầu. Như vậy có thể thấy nhiều khả năng khối lượng giao dịch sẽ tăng mạnh ở vùng trên.

Tuy nhiên, VN-Index có quay ngược lại xu hướng tăng điểm hay không thì chưa ai dám khẳng định. Nhưng nếu nhà đầu tư đã mua được cổ phiếu ở thời điểm này tôi nghĩ vẫn là tốt vì giá chứng khọa khá hợp lý, chỉ có điều bạn đừng nông nóng bán quá sớm khi VN-Index quay đầu, lúc đó kỳ vọng lợi nhuận sẽ rất là thấp.

Tôi cũng có những cổ phiếu mua ở vùng giá dưới 500 điểm nhưng tôi cũng không thoát ra tại thời điểm này vì tôi tin rằng, sớm hay muộn thị trường chứng khoán sẽ phải hồi phục, và có lẽ cũng không còn lâu nữa.

Hoang Hai - Nam 39 tuổi - Tai chinh: Xin hỏi các diễn giả câu ngắn: "Hiện nay đã có thể mua vào được chưa?"

Ông Nguyễn Quang Bảo: Nếu bạn không có kế hoạch ngắn hạn sử dụng những khoản tiền tiết kiệm này thì hoàn toàn có thể bỏ vốn vào những doanh nghiệp có mức sinh lợi gần tương đương với lãi suất tích kiệm. Theo tôi, với mức cổ tức tính trên thị giá ổn định từ 12-15%/năm, công ty đạt mức tăng trưởng hàng năm từ 20-25%/năm....thì với mức P/B từ 1,2-1,5 lần là có thể đầu tư được.

Nguyễn Kim Chi - Nữ 25 tuổi - Cán bộ: Thưa bà Hằng: Trên quan điểm phân tích các dữ liệu và thông tin hiện có của SSI thì theo Bà phải mất bao lâu Thị trường có thể hồi phục?

Bà Lê Lệ Hằng: Xét về yếu tố cơ bản thì nền kinh tế của thế giới và Việt Nam đang trên đà hồi phục nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Đối với các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2010 thì tăng trưởng đến từ hoạt động kinh doanh chính sẽ nhiều hơn so với năm 2009.

Với một nền tảng như vậy thì sự hồi phục nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc nhiều vào các chính sách tiền tệ.

Nguyễn Văn Bình - Nam 48 tuổi - Công chức: Xin cho biết về hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua, ví dụ như diễn biến tổng giá trị danh mục đầu tư của họ, luồng tiền vào/ra thị trường? Thời gian tới Ủy ban Chứng khoán có giải pháp nào quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài này hay không?

Ông Nguyễn Đoan Hùng: Có thể nói dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chịu tác động khá mạnh bởi khủng hỏng tài chính năm 2008. Trong năm 2008 và 3 tháng đầu năm 2009, dòng vốn thuần (vào – ra) âm, tuy nhiên từ thágn 4/2009 đến nay, dòng vốn này đã đảo chiều và đạt dương, đặc biệt là kể từ tháng 10/2009 tới nay.

Ủy ban Chứng khoán thực hiện việc giám sát dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán thông qua các báo cáo của các tổ chức thành viên thị trường như: thành viên lưu ký, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan lập và theo dõi cán cân thanh toán quốc tế, là tổ chức nắm toàn bộ luồng vốn nước ngoài vào và ra khỏi Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam luôn luôn khuyến khích các dòng vốn đầu tư trung và dài hạn vào Việt Nam để góp phần đầu tư tăng trưởng nền kinh tế.

Trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2020, Ủy ban Chứng khoán đang đề xuất các giải pháp để khuyến khích các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tham gia mạnh hơn nữa vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Phước Trương - Nam 27 tuổi - Tài chính: Những dấu hiệu khủng hoảng đã bắt đầu quay trở lại khi giá vàng, dầu, USD và đặc biệt là lãi suất có biểu hiện gần giống giai đoạn đầu 2008. Phải chăng kinh tế sẽ phải test đáy 1 lần nữa và VN-Index lại quay về cái thời 300 điểm?

Bà Lê Lệ Hằng: Theo quan điểm của chúng tôi, diễn biến giá vàng, dầu và USD gần đây không phải là dấu hiệu của một chu kỳ khủng hoảng mới. Có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới và Việt Nam đã qua khỏi đáy, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có thể tự tin là triển vọng tăng trưởng đã trở nên tích cực hơn so với 1 năm trước đây.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của các chính sách kinh tế, hiện đang cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô dài hạn, vì vậy sẽ vẫn có những ảnh hưởng nhất thời tới thị trường.

Trần Thanh Nguyên - Nam 32 tuổi - Bảo vệ: Chào bà Hằng, theo một nghiên cứu mới của Gran Thorton thì xu hướng chuyển động đầu tư của các quỹ tập trung vào các ngành như y tế và dược, bán lẻ, dịch vụ tài chính. Bà nhận định thế nào về chiến lược thay đổi danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư hiện nay.

Bà Lê Lệ Hằng: Theo chúng tôi, ngành y tế, dược là những ngành mang tính phòng thủ cao. Mặc dù có khả năng tăng trưởng tốt nhưng ngành dược cần lưu ý khả năng chi phí đầu vào bị đội lên trong khi giá bán chịu sự quản lý của Bộ Y tế.

Ngành bán lẻ và dịch vụ tài chính là hai ngành gắn liền với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Các quỹ thường đầu tư dài hạn nên họ quan tâm đến những ngành có tiềm năng và yếu tố cơ bản tốt.

Cuong Vu - Nam 22 tuổi: Tôi đang định xem xét đầu tư vào ngành vận tải xăng dầu, ví dụ như PVT, VIP vì vận tải hàng lỏng vẫn có mức tăng trưởng tốt trong năm nay. Liệu đó có phải là một quyết định hợp lý không thưa các diễn giả?

Bà Lê Lệ Hằng: Về lâu dài, đây là một trong những ngành trụ cột của Việt Nam. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, ngành này sẽ vẫn có những khó khăn riêng, ví dụ PVT vay nợ bằng USD rất nhiều để mua tàu vận tải dầu thô và xăng dầu phục vụ cho các nhà máy lọc dầu, trong khi phí vận tải vẫn thấp. VIP sẽ bị chia sẻ thị phần với PVT trong năm tới khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động.

Phạm Minh Khánh - Nam 20 tuổi - Sinh viên: Xin các diễn giả nhận định sự phát triển của nhóm ngành nào trong tương lai sẽ tốt khi đón nhận thông tin cam kết vốn ODA 2010 là 8,2 tỷ USD, cùng với chính sách nâng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%/năm? Việc sử dụng đòn bẩy tài chính trên thị trường thời gian qua có những lợi ích - tác hại như thế nào? Xin chân thành cảm ơn!

Bà Lê Lệ Hằng: Việc Việt Nam được các tài trợ cam kết hơn 8 tỷ USD trong năm 2010 là một tín hiệu tích cực cho thấy các nhà tài trợ tiếp tục quan tâm đến Việt Nam và ghi nhận những nỗ lực của chúng ta.

Nguồn vốn ODA thường được ưu tiên cho các dự án xóa đói giảm nghèo và phát triển hạ tầng. Theo quan điểm của chúng tôi, các ngành và hạ tầng, xây dựng và vật liệu xây dựng có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn vốn ODA này.

Liên quan đến việc nâng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8% thì ngành ngân hàng sẽ bớt khó khăn hơn. Về việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong thời gian qua đã làm tăng lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán và làm tăng tính thanh khoản của thị trường.

Tuy nhiên việc sử dụng đòn bẩy tài chính luôn có rủi ro và nhiều nhà đầu tư không thực sự ý thức hết mức độ rủi ro, hơn nữa các quy định về sử dụng đòn bẩy tài chính ở Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ ràng đã tạo ra một sân chơi không công bằng cho các nhà đầu tư.

Đồng thời với lượng tiền đòn bẩy lớn thì thị trường chứng khoán cũng trở nên nhạy cảm hơn với những thay đổi của chính sách tiền tệ và điều này tăng mức độ biến động (volatility) của thị trường trong thời gian qua.

Nguyễn Cường - Nam 30 tuổi - Nghiên cứu - Phân tích: Theo các chuyên gia, 'vùng đáy' của thị trường sẽ nằm ở đâu, trong tháng 12/2009 hay sang quý 1/2010, và cơ sở của các tư vấn trên!

Ông Nguyễn Quang Bảo: Theo tính toán của tôi, vùng đáy của thị trường có thể hình thành từ ngày 15-25/12/2009. Lý do:

- Sức ép giải ngân của các khoản vay cầm cố chứng khoán trong giai đoạn này là lớn nhất.

- Các ngân hàng thương mại phải cố gắng kìm giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 30-35% trong năm 2009 nên hoạt động tín dụng từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn. Tình hình này sẽ được cải thiện trong năm 2010.

- Với việc suy giảm mạnh của thị trường trong 2 tháng vừa qua, các chỉ số tài chính của nhiều công ty niêm yết đã ở mức rất hấp dẫn.

- Kết quả kinh doanh năm 2009 của nhiều doanh nghiệp được dự báo là khả quan, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2010 được dự báo là ổn định và cao hơn trong năm 2009.

- Thị trường chứng khoán thể giới đã dần đi vào ổn định và có mức tăng đáng kể trong những tháng cuối năm 2009.

Theo VNEconomy

phuongmai

Trở lên trên