MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phần 2: Nguyên nhân thị trường giảm

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến về "Triển vọng TTCK Việt Nam 2010" tại Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 11/12.

Minh Hải - Nam 45 tuổi - Công chức: Một vấn đề mà các nhà đầu tư đang hết sức quan tâm là thị trường đang tuột dốc không phanh trong bối cảnh kinh tế tuy khó khăn nhưng đang phục hồi và tăng trưởng. Kinh tế Mỹ và thế giới cũng khá lạc quan. Nếu nhìn bảng điện tử lúc này người ta có cảm giác như về lại thời cuối 2008 đầu 2009, lúc đáy của khủng hoảng. Vậy nguyên nhân chủ yếu tại đâu?

Bà Lê Lệ Hằng: Xin cảm ơn câu hỏi của anh. So sánh kinh tế giai đoạn này và thời kỳ cuối 2008 đầu 2009 có nhiều điểm khác nhau căn bản: Cuối 2008 đầu 2009 kinh tế thế giới và Việt Nam đã đang trong giai đoạn suy thoái và bắt đầu tiệm cận với đáy của khủng hoảng, tại thời điểm đó khó có thể nhìn thấy được những điểm sáng của nền kinh tế.

Tuy nhiên sau các tác động tích cực của gói kích cầu, cho tới nay kinh tế Việt Nam đã đang trên đà hồi phục, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có thể tự tin là triển vọng tăng trưởng đã trở nên tích cực hơn so với 1 năm trước đây.

TTCK Việt Nam vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của các chính sách kinh tế, hiện đang cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô dài hạn, vì vậy sẽ vẫn có những ảnh hưởng nhất thời tới thị trường.

Ông Quách Mạnh Hào: Theo mô hình dòng tiền mà tôi mày mò thì thực tế dòng tiền đã bắt đầu giảm từ giữa tháng 10 và tính cho đến ngày hôm nay thì dòng tiền này chỉ còn cách mức thấp nhất vào giữa tháng 7 vào khoảng 3 ngày giao dịch. Như vậy, tôi nghĩ rằng, dòng tiền đang quay trở lại với tiền thật và khi đó chúng ta mới có thể kỳ vọng vào một chuyển biến tích cực được.

Thị trường thế giới thực chất cũng gặp những vấn đề như trên, nhưng mức độ của họ ít hơn, do vậy, chúng ta thấy họ sẽ có những sóng nhỏ chứ không phải là sóng lớn như chúng ta.

Nói như vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng, vấn đề tăng trưởng kinh tế là yếu tố nền tảng khẳng định xu hướng dài nhưng không giải thích được các biến động ngắn hạn của TTCK. Còn các chính sách kinh tế đưa ra có tác động tới tăng trưởng kinh tế về mặt dài hạn nhưng lại gây ra tác động TTCK ngắn hạn. Do vậy, việc điều hành chính sách rõ ràng là một nhân tố quan trọng giúp ổn định thị trường.

Tran Nam Trung - Nam 29 tuổi: Xin hỏi, những nguyên nhân nào dẫn đến đợt giảm mạnh của TTCK lần này. Sắp tới yếu tố nào sẽ nâng đỡ thị trường từ thời điểm này đến cuối năm?

Ông Hoàng Xuân Quyến: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn, tôi nghĩ rằng có một số nguyên nhân dẫn đến đợt suy giảm của thị trường.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản nên tín hiệu phát ra thị trường chính là chính sách tiền tệ và tín dụng sẽ có xu hướng thắt chặt và do đó tác động đến luồng tiền vào TTCK, ám ảnh, liên tưởng đến chính sách tiền tệ năm 2008.

Thứ hai, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấn chỉnh hoạt động bán trước T+4 làm cho tính thanh khoản của thị trường sụt giảm. Khi thị trường sụt giảm thì nhà đầu tư lại suy đoán dòng tiền lại đang hạn chế. Điều này gây nên rủi ro thanh khoản cao lên và các hoạt động đòn bẩy tín dụng bị chững lại.

Thứ ba, thời điểm này các ngân hàng thu hồi vốn cho hoạt động cho vay chứng khoán quyết toán vốn vào cuối năm.

Thứ tư, các thông tin hỗ trợ thị trường không còn đủ mạnh, trong khi đó các yếu tố bên ngoài như vụ Dubai World.

Các yếu tố trên cộng hưởng với nhau và làm cho tính thanh khoản sụt giảm rất mạnh. Theo vòng xoáy, thanh khoản giảm dẫn đến giá chứng khoán giảm, dẫn đến thanh khoản tiến tục giảm… và đến hôm nay tình hình không được cải thiện.

Nguyễn Huynh - Nam 35 tuổi - Nhà đầu tư: Thưa đại diện CTCK, ông/bà có thể cho biết những điểm đáng chú ý, cần rút kinh nghiệm đối với nhà đầu tư trong năm 2009 không, và nếu có thể thì với cả các CTCK nữa? Trân trọng cảm ơn.

Ông Hoàng Xuân Quyến: Thị trường giao dịch năm 2009 chứng kiến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau:

Sợ hãi: Khi thị thị trường xuống dốc, giá chứng khoán rớt thảm hại, VN-Index xuống 235,5 điểm tương đương thời điểm tháng 1/2005.

Ngạc nhiên: khi TTCK đã có phiên giao dich đạt đến 200 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch thanh khoản thị trường đã cải thiện rất nhiều nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ. Nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn.

Các CTCK ngày càng nâng cấp dịch vụ để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư hơn. Xuất hiện ngày càng nhiều thành viên tham gia thị trường với các vai trò khách nhau như nhà đầu tư, tư vấn, thông tin, truyền thông...

Tôi đánh giá cao nhất sự kiện năm nay là HSX đưa giao dịch trực tuyến từ tháng 2/2009. Việc này tạo thuận lợi rất nhiều cho nhà đầu tư.

Nhưng thị trường cũng bộc lộ khuyết tật ngày càng nhiều. Vi phạm về công bố thông tin, quy chế giao dịch vẫn tồn tại, tính minh bạch và công bằng trong công bố thông tin chưa được cải thiện đáng kể… và thậm chí hiện tượng lũng đoạn giá có vẻ đang diễn ra theo hình thức tinh vi hơn.

Về kinh nghiệm, TTCK lên xuống và không thể lường trước được. Nên không chỉ nhà đầu tư mà cả các CTCK phải tuân thủ nguyên tắc đầu tư một cách triệt để, về chốt lãi,cắt lỗ và linh hoạt thời điểm vào ra thị trường.

Ông Quách Mạnh Hào: Kinh nghiệm đầu tiên là chúng ta không được tham. Kinh nghiệm thứ hai là khi bạn nhận định thị trường không rõ ràng thì không nên sử dụng đòn bẩy tài chính, nghĩa là vay mượn, để đầu tư, đặc biệt là vay nóng, ngắn hạn. Nếu bạn đầu tư bằng tiền của bạn thì hãy coi đó đơn giản như một khoản tiết kiệm. Tất cả những điều này sẽ giúp bạn ổn định tâm lý khi đầu tư.

Còn kinh nghiệm đầu tư mang tính chuyên môn, tôi nghĩ rằng rất khó để chia sẻ vì mỗi người có một quan điểm đầu tư khác nhau.

Chẳng hạn, một anh bạn tôi giao dịch hàng ngày thì anh ta rất quan tâm tới các loại tin đồn, tin nội gián trên thị trường. Còn một anh bạn khác bỏ tiền vào chứng khoán như một khoản tiết kiệm thì anh ấy thường quan tâm tới vấn đề thanh khoản của ngân hàng để quyết định vấn đề vào và ra trên TTCK. Khi lãi suất có xu hướng giảm thì anh ấy vào và khi lãi suất có xu hướng tăng thì anh ấy ra.

Và tôi thấy, khi uống bia với nhau ngày hôm qua, các anh ấy đều cười rất tươi.

Nguyễn Kim Chi - Nữ 25 tuổi - Cán bộ: Thưa ông, Vũ Hữu Điền: Ông nhận định gì về động thái của khối ngoại liên tục mua ròng trong suốt thời gian vừa qua? Liệu lần này họ có sai vì không thế dự báo hết những rủi ro khác...?

Ông Vũ Hữu Điền: Theo tôi, các nhà đầu tư nước ngoài có 2 nhóm chính: nhóm thứ nhất là các nhóm ngân hàng đầu tư quốc tế và khách hàng của họ; nhóm thứ 2 là các quỹ đầu tư nước ngoài có đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam.

Đối với nhóm thứ nhất không tham gia tích cực lắm trong thời gian vừa qua; nhưng nhóm thứ hai là nhóm xem Việt Nam là điểm đầu tư chính của họ và quan điểm đầu tư của họ tương đối dài hạn và họ tham gia rất tích cực vào thị trường trong thời gian qua.

Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài là những nhà đầu tư lớn, quan điểm đầu tư của họ tương đối dài hạn và họ không thể tranh mua/bán với các nhà đầu tư nhỏ trong thời điểm nào đó. vị thế, động thái thông thường của họ là khi thị trường tăng nóng họ có xu hướng giảm bớt tỷ lệ nắm giữ chứng khoán trong danh mục đầu tư của họ, và khi thị trường rơi xuống mức hấp dẫn thì họ bắt đầu giải ngân vào những mã trong danh mục mà họ đã xác định sẵn.

Trong 2 tháng vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm tương đối mạnh và giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn trong con mắt của đầu tư nước ngoài nên việc mua ròng của họ trong thời gian qua là điều dễ hiểu.

Thị trường chứng khoán biến động khó lường, nên không chắc được quyết định giải ngân của các quỹ đầu tư trong thời gian qua là đúng hay sai. Tuy nhiên, với nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng như khả năng sinh lợi của các công ty niêm yết trong 2009 cũng như trong thời gian tới, tôi nghĩ các quyết định mua vào những cổ phiếu tốt của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua là quyết định không quá rủi ro.

Thuỳ Dương - Nữ 30 tuổi - Nông dân: Theo một số nhận định các tổ chức nước ngoài, tình hình kinh tế Việt Nam đang có rất nhiều điều bất ổn, thậm chí là mối nguy lớn. Liệu chỉ số VN-Index sẽ giảm sâu không, về lại đáy cũ không?

Ông Hoàng Xuân Quyến: Theo tôi được biết, Goldman Sachs dự báo GDP của Việt Nam năm 2010 sẽ tăng 8,2%, còn Quốc hội Việt Nam thông qua chỉ tiêu tăng trưởng 6,5%.

Trong hội nghị các nhà tà trợ gần đây, các tổ chức nước ngoài như WB, ADB, Nhật, EU đã cam kết vốn ODA trên 8 tỷ USD. Nếu nền kinh tế bất ổn thì tại sao các tổ chức, quốc gia lại tài trợ một khoản tiền lớn như vậy được.

Nếu phân tích kỹ hơn, tôi cũng chưa nhìn thấy đâu là mối nguy của nền kinh tế. Vì vậy có thể đó chỉ là các ý kiến các nhân ở trong thời điểm nào đó, chứ không đại diện cho tổ chức kinh tế uy tín.

Về triển vọng của VN-Index, chắc bạn muốn nói tới đáy 235 điểm được thiết lập hồi tháng 2/2009, nhưng tôi nghĩ rằng điều đó chắc sẽ không xảy ra.

Mai Xuan Thuong - Nam 46 tuổi - Nhà đầu tư: Xin được hỏi đại diện của Dragon Capital. Là quỹ lâu năm nhất và có quy mô lớn tại Việt Nam, kinh nghiệm của quỹ có thể lý giải tình hình thị trường hai tháng qua như thế nào? Nếu có thể xin cho biết ứng xử của quỹ với tình hình đó? Quỹ có thể cho biết kế hoạch, định hướng hoạt động trong năm tới không? Chân thành cảm ơn và mong đại diện Dragon Capital chia sẻ.

Ông Vũ Hữu Điền: Trong 2 tháng qua, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động theo xu hướng giảm điểm và những ngày gần đây giảm tương đối mạnh do một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, về mặt vĩ mô có sự lo ngại về thâm hụt mậu dịch, về sự mất giá đồng tiền, lo ngại về lạm phát.

Thứ hai, do Chính phủ đã quyết định dừng gói hỗ trợ lãi suất đúng hạn, không kéo dài; thêm vào đó Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản để kiểm soát tăng trưởng tín dụng, cung tiền.

Thứ ba, thời gian gần đây, một số công ty chứng khoán đã cho các nhà đầu tư thực hiện repo và magin trading với số tiền tương đối lớn, lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tình hình này rơi đúng vào thời điểm thị trường tăng mức cao và những chính sách vĩ mô của Nhà nước gây bất lợi cho thị trường.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư cá nhân với số lượng chiếm đến 80% thị phần. Nhà đầu tư cá nhân thường giao dịch ngắn hạn và có tâm lý không vững, làm thị trường bị ảnh hưởng.

Đối với Dragon Capital, chúng tôi thấy nền tảng kinh tế của Việt Nam khá tốt và Chính phủ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý những vấn đề kinh tế vĩ mô trong thời gian qua. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu đã rơi xuống mức tương đối hấp dẫn để đầu tư trung và dài hạn.

Vì thế chúng tôi xem đây là cơ hội để mua vào những cổ phiếu tốt thuộc các ngành nghề có triển vọng trong năm tới.

Vũ Minh Thắng - Nam 30 tuổi - Nhan vien VP: Anh chị có thể cung cấp thông tin về tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng? Liệu có căng thẳng như các tin đồng hiện có trên thị trường không? Gửi anh Hào, theo nhận định của anh, khi nào dòng tiền sẽ chảy vào thị trường (chứng khoán)?

Ông Quách Mạnh Hào: Tình hình thanh khoản khó khăn trong hệ thống ngân hàng thực chất đã xuất hiện từ giữa tháng 10, thể hiện thông qua sự tăng lên của lãi suất và của tỷ suất lợi tức trái phiếu. Cho tới một tuần trước, diễn biến lãi suất vẫn hết sức căng thẳng, tuy nhiên, ngày hôm nay, tôi nghe tin mặc dù chưa có số liệu chính thức rằng, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm xuống. Tôi hy vọng vấn đề thanh khoản sẽ được cải thiện sớm, và khi đó chúng ta có thể hy vọng vào sự khởi động trở lại của dòng tiền vào thị trường chứng khoán.

Nguyễn Hoàng Hùng - Nam 30 tuổi - IT: Xin hỏi riêng ông Quách Mạnh Hào. Khoảng 10 ngày gần đây, Công ty Chứng khoán Thăng Long luôn khuyến nghị khách mua vào? Vây ông có thể nói rõ hơn về khuyến nghị này không? Xin cảm ơn.

Ông Quách Mạnh Hào: Chúng tôi khuyến nghị khách hàng cân nhắc mua vào bởi chúng tôi nhìn nhận thị trường có sự chuyển biến từ nửa sau của tháng 12. Đi kèm với khuyến nghị đó là điều kiện về khối lượng giao dịch tăng lên. Do vậy, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể cân nhắc và tự ra quyết định.

Điều này cũng tương tự như thời điểm thị trường trên 600 điểm, chúng tôi có khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc trong khoảng 626-628 và 638-641 như là các mức điểm mục tiêu để nhà đầu tư cân nhắc và tự ra quyết định.

Điều khác biệt là khi thị trường xuống thì tôi không đưa ra điểm số cho đáy mà chỉ đưa ra mục tiêu khi thị trường lên, bởi những nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, các nhà đầu tư thường chi ly khi bán hiện thực hóa lợi nhuận, nhưng lại bất cần khi bán để "chạy".

Theo VNEconomy

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên