MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư nước ngoài và chiến lược đầu tư mới

Bối cảnh năm 2009 khác các năm trước và nhà đầu tư nước ngoài đang thay đổi chiến lược đầu tư ở Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân bị bối rối bởi các động thái của NĐTNN trong thời gian qua khi liên tục chuyển từ bán ròng sang mua ròng rồi ngược lại.
Bối cảnh từ năm 2008 về trước

Từ năm 2006 cho đến đầu năm 2008, khối nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đứng trước áp lực phải giải ngân mạnh (ước khoảng hơn 10 tỷ USD). Đồng thời chiến lược đầu tư của họ là dài hạn, nên họ mua ròng và nắm giữ dài hạn. Thậm chí họ đầu tư OTC và vốn cổ phần tư nhân (PE), đợi đến khi lên sàn mặc dù biết đầu tư dạng này có tính thanh khoản thấp.

Danh mục đầu tư của họ rất đa dạng, có cả những cổ phiếu chủ chốt và nhiều cổ phiếu quy mô nhỏ và vừa. Các hedge funds (quỹ đầu tư mạo hiểm) ít tham gia, mà chủ yếu là các quỹ đầu tư nước ngoài chỉ đầu tư ở Việt Nam (country funds).

Khủng hoảng kinh tế và điều chỉnh chiến lược từ cuối 2008

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm nhiều quỹ chuyển sang bán ròng để chốt lãi hoặc cắt lỗ. Tuy nhiên, khi TTCK giảm sâu và thanh khoản giảm mạnh thì NĐTNN khó có thể bán được nữa, họ xác định nằm chờ.

Khủng hoảng kinh tế cũng cho thấy bài học đắt giá (cả cho nhà đầu tư tổ chức trong nước): thanh khoản là số 1. Hiện nay, hầu như rất ít quỹ nước ngoài đầu tư mới vào OTC và PE, ngoại trừ chỉ vài quỹ do tôn chỉ là đầu tư PE từ đầu.

Khủng hoảng kinh tế cũng bắt đầu cho thấy nhiều khoản đầu tư trong danh mục đầu tư ban đầu không hiệu quả.

Phản ứng chậm với đợt sóng vừa qua

Rất ít quỹ đầu tư nước ngoài (QĐTNN) còn lượng lớn tiền mặt hoặc canh đúng thời điểm đáy tháng 2, tháng 3 vừa qua để mua. Nên khi thị trường lên trong tháng 4 đến đầu tháng 6, phần lớn chuyển sang bán ròng, vì đó là cơ hội mà họ đã mong chờ từ lâu.

Sau một thời gian vắng bóng, các hedge funds tích cực trở lại Việt Nam từ tháng 4 đến tháng 6 đều với mục đích lướt sóng. Họ nhìn thấy TTCK Việt Nam cũng như TTCK trong khu vực, điển hình là Trung Quốc, đều phục hồi nhanh, sớm hơn TTCK Mỹ và Châu Âu (một phần do trước đó điều chỉnh sâu hơn). Họ mua nhanh rồi bán nhanh, rồi khi TTCK Việt Nam tăng lên hẳn, thì họ lại rút.

Hiện nay các hedge funds chú ý nhiều hơn đến TTCK “cố quốc” Mỹ và Châu Âu của họ, vốn đang phục hồi nhanh chóng.

Tái cơ cấu đang diễn ra

Từ cuối năm 2008, các QĐTNN nói tái cơ cấu danh mục, nhưng thực chất là họ bán chốt lãi/cắt lỗ.

Việc tiếp tục bán ròng đầu 2009 ở mức giá thuận lợi đem lại cho họ một khoản tiền khá. Và bây giờ mới là quá trình tái cơ cấu thực sự diễn ra – nghĩa là bán cổ phiếu này, mua cổ phiếu khác. Khối NĐTNN bán các cổ phiếu quy mô nhỏ và vừa như RAL, KDC, REE, VF1… mua các cổ phiếu chủ chốt như HAG, FPT, HPG, DPM, STB, SSI…

Tái cơ cấu cũng diễn ra ở cấp độ ngành, vì sau khủng hoảng mới đánh giá chính xác được nhưng những ngành nào tiềm năng nhất. Hiện nay nhiều QĐTNN thường tập trung vào 3 ngành cơ bản: ngân hàng (STB, ACB), bất động sản (HAG,BCI…) và vật liệu cơ bản (thép HPG, hóa chất DPM, nhựa BMP, NTP…).

Thậm chí, những ngành được cho là “phòng thủ” trước kia như dược, hàng tiêu dùng nhưng không thực tế lại không lên sóng nhiều vừa qua thì bây giờ cũng không được chú ý nhiều.


(Nguồn: HoSE - CafeF)

Chuyển hướng đầu tư ngắn hạn, thậm chí cả lướt sóng

Cuộc khủng hoảng là cơ hội để các NĐTNN, cũng như trong nước, đánh giá lại hiệu quả của chiến lược đầu tư.

Chiến lược đầu tư dài hạn tỏ ra không phù hợp, và khi nền kinh tế phục hồi thì tạo ra rất nhiều đợt sóng nhỏ cho TTCK, đó là các cơ hội không nên bỏ qua. Các QĐTNN, và ngay cả tổ chức trong nước thấy cơ hội đó, và đang chuyển từ đầu tư dài hạn sang ngắn hạn, thậm chí lướt sóng.

Tuy nhiên, khác với lướt sóng của NĐT cá nhân, lướt sóng của NĐTNN vẫn mang đặc điểm dài hạn. Nghĩa là họ thường mua trong một vùng VN-Index nào đó, cụ thể hiện nay là 400-450 điểm. Điều này cũng dễ hiểu vì với lượng tiền hàng chục triệu USD mỗi quỹ, thì họ phải mua dải ra từ vài ngày đến vài tuần.

Thời điểm đầu tháng 7 cũng là thời điểm thích hợp để NĐTNN mua ròng khi TTCK điều chỉnh và khi họ đã có thông tin tương đối xác thực hơn về KQKD quý II.

Trong ngắn hạn, khi VN-Index lên trên 450 thì khả năng NĐTNN bán ròng là rất cao.

Một điều đáng lưu ý là tỷ suất lợi nhuận mong đợi của NĐTNN thường thấp hơn NĐT trong nước, do đó, họ sẽ nhanh chóng chuyển từ mua ròng sang bán ròng khi VN-Index tăng điểm mạnh, và sẽ mua ròng lại khi thị trường điều chỉnh sau đó.

Lê Anh Thi
Giám đốc tư vấn đầu tư - CTCP Chứng khoán Âu Việt

phuongmai

Trở lên trên