MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2010: Vẫn "khó trị" nhập siêu

Việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu là không quá khó, nhưng gần như chắc chắn Việt Nam lại không dễ kiềm chế nhập khẩu để giảm tỷ lệ nhập siêu.

Theo chỉ tiêu tăng trưởng 6% so với năm 2009, kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ phải đạt 60 tỉ USD. Theo đó, để kiềm chế tỷ lệ nhập siêu không quá 20%, tức là mức nhập siêu tuyệt đối phải được kiềm chế dưới ngưỡng 12 tỉ USD, cho nên “hạn ngạch” nhập khẩu năm nay chỉ có thể dưới 72 tỉ USD.

Xuất khẩu sẽ “bật” mạnh

Trong hơn hai thập kỷ đổi mới vừa qua, đã không dưới ba lần phải đối mặt với những chao đảo của thị trường thế giới, nhưng ngay sau đó, hoạt động xuất khẩu đã lập tức phục hồi rất ngoạn mục, cho nên chỉ tiêu tăng trưởng nói trên trong lần “vượt cạn” thứ tư này có lẽ vẫn còn dưới mức cho phép.

Cụ thể, cuộc khủng hoảng về thị trường xuất khẩu của nước ta do sự sụp đổ của Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu ngay trong thời điểm công cuộc đổi mới của chúng ta còn trong “trứng nước”, xuất khẩu của nước ta giảm kỷ lục 13,18%, nhưng ngay trong năm 1992 đã tăng ngoạn mục 23,65%.

Tiếp theo, là các lần đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực năm 1997- 1998, suy thoái kinh tế chu kỳ và sự kiện “ngày 11 tháng 9 đen tối của nước Mỹ” năm 2001, so với năm trước khi khủng hoảng hoặc suy thoái, tốc độ tăng xuất khẩu của nước ta trong năm sau đó đều tăng (xem biểu đồ - vẽ từ tư liệu đính kèm).

Năm 2009 kim ngạch xuất khẩu giảm 4,32% so với năm 2008 là trái với “thông lệ” từ trước tới nay. Thủ phạm chính gây ra tình trạng xuất khẩu giảm tốc mạnh như vậy trong năm 2009 là do giá hàng xuất khẩu trên thị trường thế giới giảm mạnh khiến cho việc tăng khối lượng hàng hóa xuất khẩu không thể bù đủ cho khoản thất thu quá lớn về giá. Cụ thể, các số liệu thống kê của IMF cho thấy, giá hàng hóa thế giới trong năm 2009 đã giảm bình quân 31,25%.

Nhưng từ ba tháng cuối năm 2009, giá hàng hoá thế giới đã tăng 20,44% so với chín tháng đầu năm. Do vậy, trong điều kiện giá cả hàng hóa thế giới sẽ tiếp tục phục hồi trong năm nay (theo dự báo của IMF là sẽ tăng khoảng 16% so với năm 2009), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sẽ “nở ra” bởi sự tác động cộng hưởng của hai yếu tố giá cả và khối lượng.

Nhập khẩu tăng nhanh hơn

Việc xuất khẩu tăng tốc mạnh hơn sẽ khiến cho “chiếc vòng kim cô” nhập khẩu và tỷ lệ nhập siêu rộng hơn. Chẳng hạn, một khi nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay đạt ngưỡng hai chữ số, tức là kim ngạch sẽ đạt 62,242 tỉ USD, thì với tỷ lệ nhập siêu 20%, kim ngạch nhập khẩu có thể lên tới 74,691 tỉ USD và mức nhập siêu là 12,449 tỉ USD. Hoặc với kịch bản xuất khẩu tăng gấp đôi so với mục tiêu nói trên, kim ngạch sẽ đạt 63,374 tỉ USD, thì nhập khẩu và nhập siêu có thể tăng lên 76,049 tỉ USD và 12,675 tỉ USD.

Một là, tăng tốc nhập khẩu mạnh hơn xuất khẩu chính là “tập quán” của nền kinh tế nước ta, cho nên bỗng chốc thay đổi “tập quán” là điều quá khó. Các số liệu thống kê của nước ta trong chín năm đầu thập kỷ này cho thấy, để xuất khẩu tăng 16,37%/năm, thì nhập khẩu phải tăng 17,90%/năm, còn nếu không kể năm 2009 như một ngoại lệ thì cặp số liệu này là 20,33%/năm và 22,77%/năm.

Trong khi đó, với mục tiêu tăng xuất khẩu 6% và tỷ lệ nhập siêu 20% trong năm nay, thì nhập khẩu chỉ có thể tăng 4,57%, còn với các giả định xuất khẩu tăng 10 - 12% nói trên và tỷ lệ nhập siêu vẫn “neo tại chỗ” như vậy thì nhập khẩu chỉ được phép tăng 8,52 - 10,49%.

Hai là, mấu chốt của việc không thể dễ dàng phủ định “tập quán” này nằm ở hai yếu tố cộng hưởng lẫn nhau. Đó trước hết là việc “rổ hàng hóa nhập khẩu” của nước ta trong gần hai thập kỷ qua luôn luôn lớn hơn “rổ hàng hóa xuất khẩu” và trong đó, nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu trong rổ hàng hóa xuất khẩu liên tục “co lại”, thì tỷ trọng này trong “rổ hàng hóa nhập khẩu” từ năm 2004 trở lại đây liên tục duy trì ở mức cao ngất ngưởng 64,2- 67,6%. Trong khi đó, cơn sốt nóng giá cả thế giới trong suốt 5 năm 2004- 2008 và cả cơn sốt lạnh trong năm 2009 vừa qua chủ yếu và trước hết diễn ra ở các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu.

Trong điều kiện như vậy, đương nhiên tác động của cả sốt nóng lẫn sốt lạnh của giá cả thế giới đối với “rổ hàng hóa nhập khẩu” của nước ta đều lớn hơn hẳn so với “rổ hàng hóa xuất khẩu”. Việc nhập khẩu giảm mạnh hơn nhiều so với xuất khẩu trong năm 2009 dẫn đến tỷ lệ nhập siêu giảm mạnh thể hiện rất rõ ảnh hưởng của sốt lạnh. Thế nhưng, trong năm 2010 này, khi giá cả thế giới có thể sẽ “đảo chiều”, đương nhiên xu thế này sẽ chấm dứt.

Nói cách khác, một khi vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu để phát triển trong điều kiện giá thế giới tăng mạnh trở lại, thì gia tăng nhập khẩu và nhập siêu lớn vẫn còn là căn bệnh khó trị.

Theo Nguyễn Đình Bích
SGTT

thanhtu

Trở lên trên