Việt Nam không còn lợi thế về nhân công giá rẻ
Một trong những thách thức đối với doanh nghiệp (DN) sản xuất, nhất là sản xuất hàng xuất khẩu, được đề cập nhiều nhất hiện nay chính là sự thiếu hụt lao động.
Tình trạng này cũng là dấu hiệu dự báo xuất khẩu VN không còn lợi thế chi phí thấp thông qua giá nhân công rẻ như trước đây.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày VN kiêm Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho rằng chi phí lao động của VN ngày càng cao thể hiện đúng bức tranh kinh tế khi mà VN đang phấn đấu từ nước có thu nhập thấp lên nước thu nhập trung bình.
Mặt khác, sự vươn lên của các địa phương thông qua việc thành lập nhiều khu công nghiệp, nhiều nhà máy sản xuất cũng thu hút lao động trở về quê làm việc thay vì đến các TP lớn như trước đây.
Nhận định của ông Kiệt cũng phù hợp với thực tế khi mà sau Tết, các khu vực tập trung nhiều nhà máy ở TPHCM và một số địa phương lân cận, thỉnh thoảng lại thấy tấm băng rôn ghi dòng chữ “Tuyển lao động mỗi ngày” hay “Công nhân quay trở lại nhà máy sớm sẽ được nhận lì xì”… Thậm chí, vị lãnh đạo một DN xuất khẩu đã nghẹn ngào vì quá mừng khi có gần 80% lao động quay trở lại đơn vị làm việc trong tháng giêng...
Theo ông Nguyễn Hữu Duy Tuấn, chuyên gia tư vấn chiến lược và quản trị của Deloitte Consulting, chi phí nhân công của VN hiện cao hơn Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan... Điều đó cũng có nghĩa là các DN VN không nên cạnh tranh bằng chi phí nhân công nữa mà phải lưu ý đến các yếu tố khác làm nên chi phí đầu vào.
Đối với các DN xuất khẩu, cần phải cạnh tranh trên thế mạnh của nguồn nguyên liệu địa phương, quản lý tốt nguyên vật liệu đầu vào, quản lý chặt chẽ quá trình sản xuất và giao hàng đúng thời hạn, đổi mới công nghệ - thiết bị… Còn đối với các DN trong nước, cần tính đến hiệu quả của các chi phí về cửa hàng, về trưng bày, quảng cáo, marketing.
Bên cạnh đó, việc cho ra đời quá nhiều đơn vị hàng hóa trong một dòng sản phẩm không phải là cách làm khôn ngoan vì hiện các DN nổi tiếng toàn cầu đều có xu hướng giảm bớt đơn vị hàng hóa trong một dòng sản phẩm, tránh sản xuất dàn trải để tập trung quản lý chặt chẽ, sâu sát từng dòng sản phẩm, tăng thế mạnh cạnh tranh trên từng phân khúc thị trường.
“Điều này có lợi, giống như gia đình nào có ít con sẽ có điều kiện nuôi dạy tốt hơn là những gia đình đông con” - ông Tuấn ví von.
Theo Mai Vân
NLĐ