Khi FDI là... đất và vốn nội
FDI từ đầu năm đến nay đã giảm hơn 70% so với năm ngoái, nhưng điều lo ngại hơn cả là chất lượng, hiệu quả sử dụng dòng vốn này.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng lo ngại tình trạng xúc tiến đầu tư chưa “tới” được nhà đầu tư nước ngoài thực sự.
Lập dự án để... bán đất
Phó cục trưởng Đầu tư nước
ngoài Đặng Xuân Quang thừa nhận, bất động sản thu hút nhiều vốn đầu tư tực tiếp
nước ngoài (FDI) nhất song đang tồn tại nhiều phức tạp trong bất động sản
thương mại.
Giáo sư Nguyễn Mại bức xúc vì vốn FDI thực sự đầu tư vào lĩnh vực này có lẽ chỉ tối đa 15 – 20% (còn lại là đi vay ngân hàng, huy động từ khách hàng) song lợi nhuận lên tới 30 - 40%, trong khi đó lĩnh vực điện tử, khách sạn chỉ lãi 17 – 18%. “Bất động sản “ngon” thế, vốn FDI tất yếu dồn vào đó khiến cán cân đầu tư các ngành bị lệch. Nhà nước hoàn toàn có thể ban hành chính sách điều tiết hợp lý lợi nhuận từ bất động sản thương mại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia”, giáo sư Mại đề nghị.
Con số vốn FDI trong hai tháng đầu năm giảm tới hơn 70% so với cùng kỳ 2009 được lý giải do kinh tế thế giới chưa thực sự hồi phục. Tuy nhiên, Thứ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Đặng Huy Đông lại thẳng thắn: vốn FDI chiếm 1/3 tổng đầu tư của xã hội song chỉ đóng góp vào ngân sách 1,2 tỷ USD một năm (trừ dầu khí), thấp hơn cả khối doanh nghiệp trong nước.
Mới đây, một nhà đầu tư ở
Trung Đông kể với ông Đông vừa chi 450 triệu USD để mua lại 50% vốn của một dự
án bất động sản FDI lớn tại TP HCM. Một kiều bào nợ đầm đìa về nước “kêu” rầm
rĩ muốn đầu tư một dự án sáng tạo 11 tỷ USD. Khi lãnh đạo Bộ KH-ĐT hỏi thẳng:
“Có phải xin giấy phép đầu tư để bán lại?”, ông này đành thừa nhận và sau đó
rút xuống 1 tỷ USD.
Ông Đông cũng bày tỏ ngạc nhiên khi thấy một dự án bất động sản khác có vốn đăng ký 160 triệu USD, đầu tư 110 - 120 triệu USD nhưng trong đó ngân hàng thương mại Việt Nam cho vay tới 90 triệu USD, đang được chủ đầu tư rao bán 1,6 tỷ USD với chức năng kinh doanh casino dù thực chất chưa được cấp phép.
“Tất cả nói lên xúc tiến đầu tư của Việt Nam chưa tới được nhiều nhà đầu tư thực sự, FDI cũng chưa thật là dòng vốn từ nước ngoài vào. Bộ Kế hoạch - Đầu tư sắp tới sẽ đánh giá lại hiệu quả vốn FDI, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản”, ông Đông nói.
Chuyển từ số lượng sang chất lượng
Mặc dù lạc quan về FDI vào
Việt Nam, ông Mại cho rằng trong 10 năm tới, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm
chuyển từ chính sách thu hút số lượng sang sang chất lượng, trong đó có việc
thu hút vào lĩnh vực công nghệ, khoa học và lấy hiệu quả đầu tư làm trọng tâm.
Theo ông, không thể tiếp tục chạy theo số lượng rồi dễ dàng để lãng phí tài nguyên, đặc biệt là đất đai, thâm dụng vốn và lao động khiến hiệu quả sử dụng vốn giảm mạnh. Đồng thời xử lý tình trạng “sính ngoại” theo hướng Nhà nước xác định rõ lĩnh vực nào trong nước làm được thì dành cho họ để tạo nên những doanh nghiệp dân tộc đủ mạnh vươn ra thế giới.
Khẳng định môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn song ông Huỳnh Tấn Vinh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, vẫn đề nghị Chính phủ kiểm tra lại quá trình phân cấp mạnh mẽ cho địa phương bởi phát sinh hệ quả các tỉnh vận dụng luật khác nhau nhằm thu hút đầu tư. Thậm chí còn mâu thuẫn lợi ích giữa địa phương với quốc gia, điển hình là việc một số tỉnh biên giới phía Bắc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê rừng mới đây.
Về phía các nhà đầu tư, theo
Phó tổng giám đốc Công ty CP Hoa Việt (TP HCM) Nguyễn Quý Thắng, khó khăn lớn
nhất vẫn là chính sách thuế liên tục thay đổi khiến nhà đầu tư hết sức lúng
túng. Đặc biệt, “mê hồn trận” thủ tục hành chính vẫn gây rất nhiều khó khăn cho
nhà đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi cho tiêu cực phát sinh.
Ông Nguyễn Danh Mỹ, Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Hải Thành (Hải Phòng) phàn nàn một số địa phương không giữ đúng cam kết ban đầu như hứa hẹn giữ giá thuê đất ổn định trong 5 năm, sau đó nếu tăng sẽ không quá 15%. Nhưng 3 năm sau, địa phương lại tăng trên mức cam kết khiến nản lòng nhà đầu tư…
Theo Hoàng Hưng
Báo Đất Việt