MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PHR: Sẽ thực hiện điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh khi giá bán tốt hơn

24-03-2010 - 23:48 PM | Doanh nghiệp

Tính đến ngày 19/03, giá bán bình quân của PHR đạt 51 triệu đồng/tấn; trong khi các chỉ tiêu kế hoạch được xây dựng trên cơ sở 40 triệu đồng/tấn.

Kế hoạch kinh doanh năm 2010 xây dựng trên cơ sở thị trường có nhiều rủi ro

Ngày 24/03/2010, Đại hội đồng cổ đông của CTCP Cao su Phước Hòa đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2010. Theo đó:

Chỉ tiêu tổng doanh thu 1.040 tỷ đồng trong đó doanh thu từ vườn cây của công ty 880 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 349 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 268 tỷ đồng. Cổ tức chia trả dự kiến 20% bằng tiền.

Diện tích vườn cây khai thác 11.070 hecta; sản lượng khai thác 21.500 tấn mủ quy khô; sản lượng mủ thu mua 4.000 tấn; sản lượng tiêu thụ 26.000 tấn. Giá bán kế hoạch 40 triệu đồng/tấn; giá thành bình quân 27 triệu đồng/tấn

Tại đại hội, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, ông Nguyễn Văn Tân cho biết: năm 2009 giá bán của PHR bình quân đạt hơn 32 triệu đồng/tấn, năm 2010, kế hoạch doanh thu lợi nhuận được xây dựng trên giá bán bình quân đạt 40 triệu đồng/tấn. Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở thị trường có nhiều biến động, rủi ro và bám sát với thực tế. Trong trường hợp kinh tế khả quan, thị trường ổn định, quý III, quý IV giá bán tốt hơn, PHR sẽ thực hiện điều chỉnh các chỉ tiêu.

Ngoài ra, được biết từ nay đến năm 2015, PHR cơ cấu lại vườn cây, sản lượng sẽ giảm sút bình quân hàng năm khoảng 1.500 tấn. Điều này cũng làm cho doanh thu và lợi nhuận của PHR giảm. Tuy nhiên, ông Tân khẳng định, “dự báo sản lượng của PHR trong thời gian này thấp nhất sẽ đạt 20.500 tấn/năm mủ quy khô”.

Tính đến ngày 19/03, sản lượng tiêu thụ của PHR đạt 4.440 tấn với giá bán bình quân đạt 51 triệu đồng/tấn. Hai tháng đầu năm, PHR đạt 161,6 tỷ đồng doanh thu và 67,5 tỷ đồng lợi nhuận.

Năm 2008, doanh thu lợi nhuận đạt cao hơn năm 2009 là do giá bán cao su bình quân cao hơn rất nhiều so với 2009.

“Từ năm 2013 dòng tiền thu về của PHR sẽ tăng mạnh”

Chỉ tiêu đầu tư là 325,45 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư nội bộ 57,5 tỷ đồng; đầu tư công ty con 142 tỷ đồng; đầu tư liên doanh, liên kết dài hạn khác 126,95 tỷ đồng.

 Ông Tân cho biết, PHR đầu tư vào tổng cộng 18 dự án trong năm 2010, nhiều dự án trong ngành và liên quan đến ngành với tỷ lệ vốn góp từ 10 – 30%, riêng dự án KCN Nam Tân Uyên là 37%, có thành viên tham gia vào HĐQT của các công ty này.

Các dự án đầu tư chia làm 4 nhóm chính: Nhóm đầu tư phát triển cây cao su: Cao su Quasa Geruco Lào; Cao su Tp. HCM; Cao su Sơn La; Nhóm thủy điện: Thủy điện Geruco Sông Côn, Thủy điện VRG Ngọc Linh; Nhóm đầu tư vào KCN và khu dân cư cơ sở hạ tầng: KCN Nam Tân Uyên – góp vốn, KCN Tân Bình, KDC Phước Hòa, KDC các nông trường – đầu tư trực tiếp; Nhóm gỗ: GTA;

Hiệu quả đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết tính đến hiện tại tuy không lớn nhưng có đóng góp vào doanh thu lợi nhuận của PHR. KCN Nam Tân Uyên đã mang lại giá trị, dự án KCN tham gia cùng Cty TNHH đầu tư CSHT VRG từ năm 2009 – công ty này đang sở hữu 3.300 hecta KCN, vốn điệu lệ 60 tỷ đồng. PHR Bình An chiếm khoảng 30% vốn điều lệ.

Ông Tân khẳng định: Không phát triển thêm các dự án không an toàn, thống nhất sẽ theo đuổi 18 dự án này, chưa có kế hoạch thanh lý dự án.

Về dự án trồng cao su tại Cambodia – Phước Hòa Kampongthon: Tổng diện tích quy hoạch 9.184 hecta; diện tích có khả năng trồng cao su 8.000 hecta. Năm 2009, đã khai hoang được 545 hecta, đã trồng hoàn thành 503,45 hecta, sống tốt. Năm 2010, khai hoang thêm.

Theo PHR, dự kiến từ năm 2015 sẽ đưa va khai thác, năm 2016 sẽ có lợi nhuận. “Năm 2020 khi đưa toàn bộ vào khai thác sẽ không thua kém gì PHR hiện nay” ông Tân khẳng định.

Đầu tư tài chính năm 2009 là 10 tỷ, lãi được khoàng 2,5 tỷ đồng do đó công ty chưa có kế hoạch thanh lý danh mục đầu tư.  PHR chưa có kế hoạch bán ra cổ phiếu quỹ.

Từ năm 2013 dòng tiền về PHR sẽ mạnh do các dự án đầu tư góp vốn mang lại hiệu quả, bù đắp phần sụt giảm lợi nhuận do sản lượng cao su trong thời gian này. Ban lãnh đạo của PHR kỳ vọng từ năm 2015 sản lượng cao su tăng mạnh do: đưa vào khai thác dự án Cao su tại Lào, Combodia, Sơn La.

Ông Phạm Văn Thành, TV. H ĐQT cho biết: suất đầu tư cao su tại Việt Nam 100 -110 triệu/hecta, PHR sẽ khống chế ở nước ngoài cũng như vậy.

Chi phí sản xuất tại Việt Nam tiền lương 40% giá thành trong khi tại Lao va Combodia chi chiếm tối đa khoảng 25%.

Dự kiến 5/04 chốt danh sách chia trả cổ tức còn lại của năm 2009.


Q. Nguyễn
Theo PHR

quynhnn

Trở lên trên