MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hút các Công ty đa quốc gia Trung Quốc bằng cam kết chi phí nhân công rẻ

29-03-2010 - 10:12 AM | Bất động sản

Chi phí sản xuất ở Trung Quốc đang trở nên đắt đỏ hơn. Cần lôi cuốn các công ty đa quốc gia ở Trung Quốc chuyển sang đầu tư vào các KCN với cam kết chi phí nhân công rẻ.

Đó là quan điểm của ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch Tổng Công Ty Phát Triển Đô Thị Kinh Bắc (KBC), và là một trong những nhà đầu tư BĐS giàu có nhất Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn Bloomberg.

KBC đã thu hút được những tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản vào đầu tư tại các khu công nghiệp ở Việt Nam do ông quản lý như Canon và Sanyo,…

Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu được các mặt hàng giá trị cao sang thị trường Mỹ từ việc các công ty sản xuất thiết bị camera toàn cầu đầu tư tại Việt Nam. Các nhà sản xuất thu được lợi nhuận từ đồng tiền Đồng yếu của Việt Nam và có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu mặc hàng giày dép, may mặc và đồ gỗ - giữa áp lực đồng Nhân dân tệ mạnh lên.

Ông Tâm cho biết, chi phí sản xuất ở Trung Quốc ngày càng trở nên đắt đỏ hơn - đây là điều nhằm để làm rõ thêm chi phí nhân công rất cao tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Ông còn nói thêm: “Chi phí vận tải ở Trung Quốc cũng đang tăng cao”.

KBC là công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp tại trung tâm và chung quanh thủ đô Hà Nội, và thành phố Hải Phòng thuộc biển phía Bắc Việt Nam - nơi ông Tâm được sinh ra. Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Cẩm Phả và Hải Phòng là hai trong ba cảng biển lớn nhất Việt Nam.

Đa dạng hóa từ Trung Quốc

Theo ông Yoshida Sakae - Giám đốc Điều hành Tổ chức JETRO (văn phòng đặt tại TP.HCM), các công ty Nhật Bản thường coi khu vực phía Bắc Việt Nam như phần mở rộng của khu kinh tế Trung Quốc và có thể đa dạng hóa sản xuất thông qua việc gia tăng các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam thay vì sản xuất tất cả tại Trung Quốc.

Ông Tâm cho biết: “Phía Bắc Việt Nam rất gần Trung Quốc. Cho nên các công ty ở Trung Quốc sẽ rất thuận lợi khi đầu tư. Vì vậy, KBC muốn tập trung nhiều hơn vào các tỉnh phía Bắc Việt Nam”.

Tỉnh Ủy Quảng Châu (một tỉnh có GDP lớn nhất Trung Quốc) cho biết sẽ tăng 21,1% mức lương tối thiểu để hỗ trợ giải quyết vấn đề thiếu lao động. Theo báo cáo ngày 16.03 của Ủy ban Phát triển Thương Mại Hồng Kông, hơn 50% các nhà sản xuất ở tỉnh này - nơi được mệnh danh là trung tâm sản xuất của Trung Quốc, đã gặp phải vấn đề thiếu nguồn nhân lực nghiêm trọng.

Chi phí nhân công

Ông Shaun Rein, người sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc tại Thượng Hải cho biết: “Giá nhân công ở một số nơi tại Trung Quốc đã tăng từ 20 đến 30% trong ba tháng qua”. Tiền lương “có thể phải trả cao gấp đôi so tiền lương phải trả tại Việt Nam”.

Theo bà Yuko Hosaka - phát ngôn viên Hãng Sanyo Electric tại Tokyo cho biết, năm vừa qua, hãng Sanyo Electric đã bắt đầu vận hành nhà máy sản xuất phụ kiện trong khu công nghiệp của KBC, tọa lạc tại môt tỉnh giáp với thủ đô Hà Nội. Bà nói: “Sở dĩ, chúng tôi lựa chọn khu vực này vì đó là địa điểm gần với các khách hàng của chúng tôi”. Ngoài ra, “Sự cần cù, siêng năng của công nhân Việt Nam cũng là một trong những lý do để chúng tôi có sự lựa chọn này”.

Canon - nhà sản xuất camera lớn nhất thế giới nhận xét, công nhân Việt Nam “chăm chỉ, học hỏi nhanh và nhanh chóng nắm bắt được công nghệ mới”.

Canon có nhà máy sản xuất máy in laze, máy in phun và máy scan đặt trong Khu công nghiệp của Kinh Bắc tại tỉnh Bắc Ninh, gần Hà Nội - nơi đặt trụ sở công ty của ông Tâm.

Tiền Đồng yếu

Trong số các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực bất động sản, cổ phiếu KBC đứng thứ ba sau Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai và Công ty CP Vincom. Năm nay, cổ phiếu Kinh Bắc đã tăng 10% lên 64.000 đồng, so với mức tăng 4,3% của chỉ số VN Index.

Theo báo cáo năm 2009, Kinh Bắc đạt lợi nhuận là 642 tỉ đồng (34 triệu USD), gấp đôi với mức 286 tỉ đồng so với năm 2008. Số cổ phiếu mà ông Tâm nắm giữ chiếm hơn 30%. Điều này đã đưa ông trở thành cổ đông lớn nhất của công ty trị giá 12,4 nghìn tỷ đồng này.

Theo John Marron - Giám đốc Điều hành Công ty Midas Clothing tại TP.HCM (công ty chuyên xuất khẩu đồ hiệu Zara và Converse) cho biết, công ty có thể được hưởng lợi từ việc đồng Việt Nam yếu đi. Chúng tôi có thể chi trả chi phí bằng Đồng và thu về bằng Đô la”.

Quốc hội

Tiền Đồng đã mất 8,3% trong năm ngoái sau khi ngân hàng trung ương Việt Nam giảm giá tiền Đồng đến hai lần. Ngược lại, đồng Nhân dân tệ được giữ cố định với đồng đô-la, chỉ bị thay đổi một chút trong cùng thời gian đó.

Theo báo cáo tháng 3 của Standard Chartered Plc tại Việt Nam, trong năm sau có thể Ngân hàng Nhà nước sử dụng việc giảm giá đồng tiền để kích thích việc xuất khẩu và tạo công ăn việc làm cho người dân.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuần trước đã thúc giục Trung Quốc sớm tiến tới một “tỷ giá hối đoái theo hướng thị trường”, và Hạ viện Mỹ trong tháng này có kế hoạch chuẩn bị một cuộc họp hội đồng để bàn về chính sách tiền tệ của Trung Quốc.

“Các nhà sản xuất đa quốc gia tại Trung Quốc muốn đa dạng hóa sản xuất để phòng ngừa rủi ro khi Mỹ có những biện pháp bảo vệ”. Tai Hui - nhà nghiên cứu kinh tế khu vực Đông Nam Á của Standard Chartered tại Singapore cho rằng. “Nếu anh chỉ đầu tư ở Trung Quốc, anh có thể muốn có một phương án B”.

K.T (Tổng hợp)

Theo ông Đặng Thành Tâm – chủ tịch KBC/Bloomberg

thuatvk

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên