Nếu Google "rút quân" liệu người Trung Quốc có buồn?
Bài báo giúp giải đáp cho rất nhiều câu hỏi quan trọng, thiết thực nhất) về tình thế hiện nay của cuộc đôi co chính phủ Trung Quốc - Google đã tốn quá nhiều giấy mực này.
Chỉ riêng các tin tức công nghệ thôi thì cũng đã đủ phức tạp rồi. Nếu lại thêm vào các quan hệ ngoại giao và hàng tá mối nghi gián điệp nữa thì bạn sẽ có một câu chuyện mà rất nhiều người cùng bàn đến nhưng chẳng ai hiểu rõ. Đó chính là tóm tắt cho câu chuyện về cuộc đối đầu giữa Google và Trung Quốc.
Tuy nhiên, đừng vội nản lòng. Bài báo này sẽ giúp bạn giải đáp rất nhiều câu hỏi quan trọng nhất (và cũng thiết thực nhất) về tình thế hiện nay của cuộc đôi co tốn quá nhiều giấy mực này.
Google tiến vào Trung Quốc từ khi nào, và tại sao?
Vào ngày 27 tháng 1 năm 2006, khoảng 8 năm sau khi Google chính thức ra đời, chi nhánh San Francisco đặt tại California đã quyết định khai trương trang Google.cn, phiên bản tiếng Trung của Google. Trước đó, trang web toàn cầu Google.com cũng đã có mặt ở Trung Quốc nhưng hoạt động không hiệu quả do bị kiểm duyệt mạnh và nhiều lần bị đóng cửa bởi chính phủ Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc giới hạn các nội dung trên Internet và cả những bài phát biểu nhuốm màu sắc chính trị, vì thế Google đã phải đồng ý sẽ kiểm duyệt kết quả tìm kiếm trên mạng của mình để có thể được kinh doanh ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, Google khẳng định sự có mặt của nó ở Trung Quốc, theo thời gian, sẽ giúp mở rộng hệ thống thông tin ở nước này. Và rằng công cụ tìm kiếm của Google sẽ hoạt động tốt hơn nếu chính công ty này chứ không phải chính phủ Trung Quốc thực hiện việc kiểm duyệt.
Elliot Schrage, người sau này trở thành phó tổng giám đốc phụ trách truyền thông của Google, phát biểu vào năm 2006: "Quyết định của chúng tôi dựa trên đánh giá rằng Google.cn sẽ đóng góp một cách ý nghĩa, cho dù không hoàn hảo, vào việc mở rộng hệ thống thông tin và tăng cường truy cập đến hệ thống đó tại Trung Quốc.”
Google có lợi về tài chính khi ở Trung Quốc?
Tất nhiên là có. Trung Quốc sở hữu số lượng người dùng Web nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới – gần 400 triệu người - theo những báo cáo mới nhất. Vì thế mà đây vẫn là mảnh đất màu mỡ cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ mạng. Theo CNNMoney, chỉ tính riêng trong năm ngoái, Google đã kiếm được 300 triệu đô la ở Trung Quốc. Không chỉ có thế, thị trường rộng lớn này còn hứa hẹn sẽ mở rộng hơn nữa cùng với đà phát triển và công nghiệp hóa của các nước Châu Á.
Chuyện gì đã xảy ra trong tuần qua? Liệu Google đã rút quân khỏi Trung Quốc?
Không hẳn vậy. Google chỉ công bố rằng sẽ ngừng việc lọc bỏ kết quả tìm kiếm tại Trung Quốc. Để làm được điều đó, công ty này chuyển hướng tất cả các truy vấn từ Trung Quốc đến Google.hk, một trang thuộc về Hồng Kông mà không bị kiểm duyệt, thay vì chuyển đến Google.cn – trang web mà Google đã ngừng việc kiểm duyệt trên từ Thứ Hai vừa rồi.
Rất nhiều người đã giả định rằng Trung Quốc sẽ chặn rất cả những trang không kiểm duyệt của Google. Tuy nhiên, động thái vừa qua của Google đặt quyền quyết định điều đó vào tay của chính phủ nước này. Ông lớn trong ngành tìm kiếm chỉ đăng một bảng thông báo được gọi là “thước đo quỉ sứ” (“evil meter”), nơi mọi người có thể thấy những dịch vụ nào của Google đang bị chặn bởi Trung Quốc.
Theo bảng thông báo trên, cho đến sáng thứ 4 tuần này, trang tìm kiếm Web vẫn hoạt động bình thường.
Điều gì đã khiến Google không muốn tiếp tục tuân theo các luật kiểm định của Trung Quốc?
Google cho rằng các hacker từ Trung Quốc đã thâm nhập vào hòm thư Gmail của các nhà hoạt động về quyền con người ở đất nước này và gây ra “những cuộc tấn công phức tạp và có mục đích vào cơ sở hạ tầng của công ty chúng tôi.”
Trung Quốc không thừa nhận những cáo buộc này, tuy nhiên, tình thế căng thẳng đã khiến Google lên tiếng khẳng định sẽ ngừng kiểm định các kết quả tìm kiếm của nó tại Trung Quốc trừ khi công ty có thể đạt được một thỏa thuận mới với chính phủ nước này.
Đây là những gì mà Google phát biểu trên một bài viết hồi tháng Một:
“Những cuộc tấn công và sự kiểm soát mà họ đã để lộ trong thời gian qua – cộng với những cố gắng nhằm giới hạn sâu hơn nữa các bài phát biểu tự do trên Web – đã dẫn chúng tôi đến một kết luận rằng cần phải xem xét lại khả năng thực hiện công việc kinh doanh tại Trung Quốc. Chúng tôi đã quyết định sẽ không thực hiện kiểm duyệt các kết quả trên trang Google.cn nữa.
Vì vậy, trong vài tuần tới, Google sẽ đàm phán với chính phủ Trung Quốc về những qui tắc cơ bản để có thể duy trì một trang tìm kiếm không kiểm duyệt mà vẫn nằm trong khuôn khổ luật pháp nước này. Nếu không đưa ra được thỏa thuận, e rằng chúng tôi sẽ phải đóng cửa Google.cn và có thể cả các văn phòng của chúng tôi tại Trung Quốc nữa.”
Tại sao việc có mặt ở Trung Quốc lại quan trọng với Google đến vậy?
Một số người nói rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung, mặc dù người phát ngôn cho bộ ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định đây không phải là một vấn đề. Những người khác lại cho rằng nó sẽ làm giảm khả năng truy cập thông tin và dịch vụ Web tại Trung Quốc. Tuy nhiên, lại cũng có một thực tế là: Google không phải là ông vua tìm kiếm ở Trung Quốc, ngôi vị đó thuộc về một trang web khác mang tên Baidu.
Có những dấu hiệu rõ ràng cho tương lai tài chính của Google nếu như nó không có được một chỗ đứng vững chắc trong thị trường tìm kiếm lớn nhất thế giới này. Một số nhà phân tích còn cho rằng sự ra đi của Google có thể sẽ khiến cho Trung Quốc rời xa khỏi mạng Internet và rời xa tiến trình toàn cầu hóa.
Dân chúng Trung Quốc có quan tâm đến việc Google đi hay ở?
Giới học giả và các nhà kinh doanh than phiền rằng công việc của họ sẽ trở nên khó khăn hơn nếu không có trang tìm kiếm của Google.
Đài Phát Thanh Quốc Gia cho biết người dân Trung Quốc đang gọi ngày thứ Hai, ngày mà Google dừng việc kiểm duyệt tại Trung Quốc, là “G Day”, so sánh với “D Day” – ngày bắt đầu cuộc đổ bộ lịch sử vào Normandy, chọc thủng phòng tuyến của Đức Quốc Xã ở Châu Âu.
Một giáo sư nói với Đài Phát Thanh Quốc Gia là Google đã “quá đề cao vai trò của mình” ở Trung Quốc. Còn Deng Jianguo, trợ lý giáo sư tại đại học Fudan thì phát biểu: “Là một nhà nghiên cứu và một người nói tiếng Anh, tôi thường xuyên sử dụng phiên bản tiếng Anh của Google. Tuy nhiên, đối với hầu hết những người dân Trung Hoa, họ không quan tâm đến phiên bản tiếng Trung của công ty này.”
Google có kiểm nội dung trên Web ở những quốc gia khác không?
Chỉ một từ đơn giản: Có. Các trang tìm kiếm của Google từ trước tới giờ vẫn hoạt động tuân theo luật kiểm định và luật cá nhân ở các nước mà chúng có mặt. CNNMoney đã tập hợp được tương đối đầy đủ các luật đó.
Chẳng hạn như: Ở Đức, Pháp và Ba Lan, việc đăng tải các nội dung phủ nhận nạn tàn sát người Do Thái thời Hitler bị coi là phạm pháp. Vì thế mà Google lọc bỏ những nội dung như vậy. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, các đoạn phim bôi nhọ người Thổ đều bị loại bỏ trên trang Google.com.tr.
Câu chuyện trên cung cấp cho ta một chi tiết quan trọng để thấy các qui định kiểm duyệt trên kết quả tìm kiếm của Google cần thiết như thế nào.
Google nắm trong tay kết quả tìm kiếm của gần như hai phần ba thế giới và đang là cửa ngõ vào mạng Internet của hầu hết mọi người. Chính vì quyền lực vô hình đó, các chính sách kiểm duyệt của Google phải luôn luôn được theo dõi sát sao.
Theo Tuần Việt Nam