Bộ trưởng Tài chính Mỹ muốn dùng sức mạnh G20 để tạo áp lực với Trung Quốc
Kể cả có được sự đồng thuận quốc tế, sẽ phải mất một thời gian để có thay đổi. Tháng 7/2005, mất gần 2 năm, G7 mới có thể buộc Trung Quốc nới lỏng tỷ giá đồng nhân dân tệ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ đang muốn thử dùng sức mạnh của nhóm G20 trong nỗ lực tạo sức ép buộc Trung Quốc nâng giá đồng nhân dân tệ.
7 tháng sau khi G20 thay thế G7 để trở thành nhóm lèo lái kinh tế thế giới và cam kết cân bằng lại kinh tế toàn cầu, Bộ trường Tài chính Mỹ coi những diễn đàn quốc tế là nơi tốt nhất để thực thi các quyền lợi của Mỹ đối với vấn đề đồng nhân dân tệ. Bộ trưởng Tài chính nhóm nước G20 sẽ nhóm họp tại Washington trong 2 tuần tới.
Phía Mỹ như vậy đã chuyển hướng sang kêu gọi sự ủng hộ từ nhiều bên thay cho cuộc đối đầu hai bên, đưa vấn đề tỷ giá vào chương trình nghị sự của G20 lần đầu tiên từ khi lãnh đạo G20 nhóm họp vào tháng 11/2008.
Sự thành công hay thất bại sẽ quyết định liệu nhóm G20 có thể giúp kinh tế toàn cầu có thêm khả năng ứng phó với khủng hoảng. Hiện nay quan điểm xung quanh vấn đề điều tiết ngân hàng còn đối đầu nhau, vì thế sự đồng thuận đối với vấn đề khác cũng khó có thể đạt được.
Ông Simon Derrick, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại Bank of New York Mellon Corp ở London, nhận xét: “Có thể Trung Quốc sẽ chấp nhận kêu gọi thay đổi từ phía G20 bởi lời kêu gọi sẽ không còn chỉ từ nhóm nền kinh tế phát triển. Tôi cho rằng Trung Quốc cũng muốn thay đổi nhưng họ không thể làm vậy nếu chỉ bởi lời chỉ trích từ phía Mỹ.”
Ông Tin Adamas, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, cho rằng chiến lược của Bộ trưởng Tài chính Mỹ là đẩy cao áp lực đối với G20 để buộc họ phải đẩy nhanh những thay đổi đối với vấn đề tiền tệ, sự điều chỉnh tỷ giá đồng tiền có thể là phép thử đối với khả năng lèo lái kinh tế thế giới toàn cầu của nhóm G20.
Kể cả khi sự đồng thuận quốc tế có đạt được, cũng sẽ phải mất một thời gian để bất kỳ thay đổi nào được đưa ra. Tháng 7/2005, mất gần 2 năm, G7 mới có thể buộc Trung Quốc nới lỏng tỷ giá đồng nhân dân tệ.
1 năm trước, nhóm 20 thống nhất về kế hoạch 1 nghìn tỷ USD để hỗ trợ kinh tế thế giới, thế nhưng ngay cả đến nay vẫn tồn tại nhiều bất đồng liên quan đến điều tiết các ngân hàng và áp thuế với các tổ chức tài chính.
Ông Daniel Price, chuyên gia luật tại Sidley Austin LLP ở Washington, cho rằng dòng chảy thương mại của nhiều nước chứ không chỉ Mỹ, hiện đang chịu ảnh hưởng xấu bởi đồng nhân dân tệ bị định giá quá thấp. Ông khẳng định: “Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã đúng khi muốn dùng sức mạnh của G20 bởi việc đối đầu trực diện với Trung Quốc sẽ chỉ khiến 2 bên thêm căng thẳng.”
Ngọc Diệp
Theo
Dân Trí/Bloomberg