“Sẽ bơm tiền ra, rút tiền về một cách hợp lý”
Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm ổn định thị trường nhưng không ảnh hưởng lớn đến lợi ích của các chủ thể tham gia trên thị trường.
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước).
Mới đây Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải điều hành theo hướng “giảm dần mặt bằng lãi suất thị trường”. Ngân hàng Nhà nước xử lý vấn đề này như thế nào?
Tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6/4/2010, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước: “Điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện thực tế của thị trường tài chính, tiền tệ và nền kinh tế. Sử dụng linh hoạt các công cụ lãi suất để giảm dần mặt bằng lãi suất thị trường”.
Điều này được hiểu, Chính phủ mong muốn tăng khả năng tiếp cận vốn ở mức hợp lý của doanh nghiệp, hộ sản xuất và các tầng lớp dân cư từ hệ thống ngân hàng, nhằm góp phần thực hiện thành công 3 mục tiêu mà Nghị quyết 18 đã đề ra là “ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010”.
Để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm ổn định thị trường nhưng không ảnh hưởng lớn đến lợi ích của các chủ thể tham gia trên thị trường.
Chẳng hạn, bơm tiền ra - rút tiền về một cách hợp lý; sử dụng vai trò chủ đạo, điều tiết của các ngân hàng thương mại nhà nước; xử lý các vấn đề liên quan đến hỗ trợ thanh khoản trong hệ thống, nhất là đối với các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nắm giữ một lượng tiền đồng rất lớn, họ phải hành động như thế nào để thể hiện trách nhiệm “đầu tàu” đối với nền kinh tế thay vì đi mặc cả giá vốn với ngân hàng?
Tôi cho rằng, trước mắt, các tập đoàn và tổng công ty phải tận dụng các nguồn vốn nhàn rỗi để hỗ trợ cho các thành viên để giảm chi phí vay vốn ngân hàng. Mặt khác, họ phải có trách nhiệm góp phần ổn định thị trường tiền tệ bằng cách không mặc cả giá vốn với ngân hàng và không dịch chuyển nguồn vốn này trên thị trường với các kỳ hạn ngắn từ 1 đến 2 tuần, hạn chế thấp nhất việc gây nên những xáo trộn không đáng có.
Vậy còn vai trò “nhà tạo lập thị trường” của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước thì phải như thế nào, thưa ông?
Trước hết, họ phải thực hiện cơ chế lãi suất theo nguyên tắc thị trường, hài hòa lợi ích của chính mình với bên gửi tiền và bên vay tiền. Kèm theo đó là các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích có lợi để thu hút người gửi tiền nhiều hơn.
Mặt khác, khi có hiện tượng dịch chuyển tiền gửi quá lớn của các tổ chức kinh tế nhà nước trong trường hợp họ không thực hiện đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 18 về việc góp phần bình ổn kinh tế vĩ mô, phải thông báo kịp thời với các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý cụ thể.
Cũng có ý kiến cho rằng, rất có thể khi nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tiên phong giảm lãi suất huy động nhưng bên gửi tiền sẽ rút tiền ở các ngân hàng này, gửi sang ngân hàng khác có mức lãi suất cao hơn, gây nên hiện tượng “vốn chạy lòng vòng” như năm 2008 nhưng điều này là không đáng lo.
Bởi lẽ, về nguyên tắc, lãi suất có thể được điều chỉnh giảm nhưng sẽ không có sự xáo trộn. Bởi vì, mọi sự điều chỉnh giá vốn đều phải dựa trên quan hệ cung cầu vốn.
Cùng đó thì Hiệp hội Ngân hàng nên làm gì?
Hiệp hội phải cùng với các thành viên thống nhất tạo ra một mức lãi suất chuẩn trên thị trường, định giá chuẩn các tài sản, để các thành viên hoạt động xung quanh mức lãi suất đó. Làm sao đó để cân bằng được lợi ích của các chủ thể khi tham gia thị trường tiền tệ cũng như góp phần bình ổn thị trường.
Phổ biến hiện nay ở các ngân hàng thương mại là sử dụng hình thức khuyến mại do Bộ Công Thương cấp phép để “lách luật”, đẩy lãi suất huy động lên cao, xử lý tình trạng này nên như thế nào, thưa ông?
Có một số trường hợp Bộ Công Thương cấp giấy phép khuyến mại cho các ngân hàng thương mại nhưng không giám sát chặt chẽ việc thực hiện, dẫn đến hiện tượng lợi dụng khuyến mại cạnh tranh thiếu lành mạnh, tạo nên sự xáo trộn trên thị trường.
Vì thế, Bộ Công Thương cần tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa, nếu phát hiện vi phạm phải xử phạt hành chính và/hoặc áp dụng các hình thức xử lý nghiêm khắc khác, góp phần chung tay với Ngân hàng Nhà nước ổn định thị trường tiền tệ.
Theo ông, chênh lệch giữa “ra - vào” qua ngân hàng thì ở mức nào là hợp lý?
Theo thông lệ thị trường thì mức chênh lệch trên ở vào khoảng 3%/năm - 5%/năm. Và hiện nay, lãi suất đầu vào của các ngân hàng thương mại khoảng 11%/năm - 11,5%/năm bao gồm cả khuyến mại là phù hợp.
Hiện tại, có nhiều mối quan tâm đến việc Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại thực hiện lãi suất thỏa thuận đối với cho vay ngắn hạn, bao giờ Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản này?