MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dragon Capital, Masan và “canh bạc” Núi Pháo

14-05-2010 - 15:22 PM | Doanh nghiệp

Có thể ví Masan là một thực khách được mời đến ăn một bữa tiệc thịnh soạn đã được bày biện gần xong

Đúng thời điểm này năm trước, các nhà đầu tư trong nước tham gia liên doanh khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo (Nuiphaovica) đang phải kêu cứu trước nguy cơ bị nhà đầu tư nước ngoài ép rời bỏ cuộc chơi.

Tuy nhiên sau một năm, chính đối tác nước ngoài của họ mới là người phải ra đi...

Những toan tính triệu đô

Với công bố hoàn tất việc chuyển nhượng 70% cổ phần tại liên doanh Nuiphaovica cho tập đoàn Masan, quỹ đầu tư Dragon Capital vừa chính thức trở thành nhà đầu tư nước ngoài thứ hai rời khỏi dự án Núi Pháo.

Trước đó, vào tháng 2/2007, công ty Tiberon Minerals (Canada) sau khi chuyển giao dự án cho Dragon Capital, đã chia tay Núi Pháo sau 10 năm theo đuổi kể từ khi thăm dò tới khi được cấp phép đầu tư.

Tuy nhiên, hai sự ra đi này hoàn toàn khác nhau. Tiberon - với vai trò một công ty chuyên thăm dò khoáng sản, đã chấp nhận "ăn non", rời khỏi dự án với một giá khá hời (theo một nguồn tin Tiberon thu lãi khoảng 70 triệu USD). Còn đối với Dragon Capital, vẫn theo nguồn tin này, chỉ trong 3 năm giữ quyền điều hành Nuiphaovica (từ tháng 2/2007), quỹ đầu tư này đã phải chịu khoản tiêu tốn hơn 200 triệu USD.

Ở góc nhìn này, có thể thấy dự án Núi Pháo là một canh bạc lớn. Đã có kẻ thắng, người thua. Số tiền được và mất đều rất lớn, cho thấy phần nào sức hấp dẫn và lợi nhuận cực lớn mà mỏ quặng đa kim này có thể mang lại.

Theo số liệu ban đầu do nhà đầu tư công bố khi dự án được cấp phép năm 2005, Núi Pháo là mỏ quặng đa kim lộ thiên có trữ lượng lớn thứ hai thế giới với 83.220.000 tấn quặng vonfram - đa kim cấp B và C. Dự kiến mỗi năm sẽ khai thác khoảng 3,5 triệu tấn quặng vonfram, fluorit, bismuth, đồng và vàng...

Tuy nhiên, sau khi được cấp phép và tiến hành thăm dò toàn diện hơn, trữ lượng của mỏ này còn được dự báo tăng lên rất nhiều. Và mặc dù không có công bố chính thức, nhưng có nguồn tin khẳng định lợi nhuận từ dự án này sẽ vượt qua con số 2 tỷ USD.

Câu hỏi đặt ra là, nếu như Tiberon Canada đã chủ động thu lãi, rời khỏi "canh bạc" Núi Pháo, thì tại sao Dragon Capital phải ngậm ngùi chịu thiệt hại khi rời bỏ dự án? Người viết cho rằng có một vài nguyên nhân lớn lý giải điều này.

Trước hết, từ khi các quỹ đầu tư của Dragon Capital nắm giữ vai trò điều hành liên doanh Nuiphaovica, nguyên tắc đồng thuận giữa nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư trong nước đã bị phá vỡ. Chính sự bất ổn bên trong liên doanh này đã làm hé lộ các tồn tại xung quanh dự án, buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải xử lý.

Vào tháng 4/2009, một trong hai doanh nghiệp Việt Nam tham gia liên doanh (giữ quyền góp 30% vốn điều lệ) đã có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, tố cáo đối tác nước ngoài có âm mưu thôn tính toàn bộ dự án thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 44,1 triệu USD lên trên 136 triệu USD, vượt quá khả năng đóng góp của đối tác Việt Nam.

Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng có một văn bản gửi tới Chính phủ, khẳng định quyền được tăng tỷ lệ góp vốn khi các bên Việt Nam không có khả năng tài chính. Đồng thời, tuyên bố không có nhu cầu chuyển nhượng, hoặc buộc phải chuyển nhượng lại 70% cổ phần đã nộp vào liên doanh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Dragon Capital lại để lộ yếu điểm lớn nhất là chưa thu xếp được vốn đầu tư, trong khi dự án đã chậm tiến độ tới gần 5 năm.

Theo một giải trình tới các cơ quan quản lý về nguyên nhân chậm trễ, Dragon Capital cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thu xếp nguồn vốn đầu tư cho dự án với tổng vốn đầu tư lên tới gần 500 triệu USD. Tuy nhiên, các đối tác Việt Nam lại công khai tuyên bố không tin tưởng Dragon Capital là nhà đầu tư chuyên nghiệp trong lĩnh vực khai khoáng, mà chỉ nhìn nhận dự án như một hoạt động đầu tư tài chính, nhằm mua đi bán lại dự án thu lời.

Vấn đề càng trở nên bế tắc khi sự chia rẽ giữa các bên ngày càng trở nên sâu sắc, đẩy liên doanh vào nguy cơ bị thu hồi giấy phép. Đối với Dragon Capital, dường như đây là thương vụ thua lỗ nặng nề nhất của họ sau 15 năm làm ăn tại thị trường Việt Nam.

Ông chủ mới của bàn tiệc

Việc Masan thâu tóm thành công dự án Núi Pháo có thể là thông tin gây bất ngờ trong dư luận.

Vì mặc dù với quy mô vốn điều lệ lên tới gần 5.000 tỷ đồng, đủ khả năng thâu tóm dự án Núi Pháo, nhưng Masan lại hầu như chưa có một kinh nghiệm nào đáng kể trong lĩnh vực khai khoáng. Tuy nhiên, chắc chắn Masan và Dragon Capital đã phải cùng chơi một ván bài ngửa để đạt được kết quả chuyển nhượng cuối cùng.

Đứng từ góc nhìn của người ngoài cuộc, có thể thấy rằng Masan đã thâu tóm được dự án này nhờ hai yếu tố chính: xuất hiện đúng lúc và sở hữu nguồn tài chính dồi dào.

Thời điểm cuối tháng 8/2009, sau chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới hiện trường dự án tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Nuiphaovica đứng trước nguy cơ bị thu hồi giấy phép đầu tư trước một loạt sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện. Đó cũng chính là thời điểm cái tên Masan bắt đầu xuất hiện trong dự án quặng đa kim Núi Pháo.

Nếu như Dragon Capital để mất sự đồng thuận của các đối tác Việt Nam thì dường như ngay từ đầu Masan đã rất khôn khéo khai thác mối quan hệ này. Điểm yếu của Masan cũng phần nào được hoá giải khi đối tác của Masan được biết tới là một doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong ngành công nghiệp khai khoáng.

Quan trọng hơn, với liên minh mới được thiết lập, Chính phủ đã chấp thuận sự tham gia của Masan ở dự án Núi Pháo, với yêu cầu phải nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ dự án. Hồi đầu năm 2010, một tờ báo đã trích dẫn tuyên bố của một vị lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, dự án Núi Pháo sẽ bị thu hồi và mang ra đấu giá quyền khai thác, thu về cho nhà nước khoảng 500 triệu USD. Nhưng đến nay đã có thể khẳng định thông tin này không chính xác.

Thời điểm này, dự án Núi Pháo đã vượt được qua giai đoạn khó khăn ban đầu, đặc biệt việc tính toán bồi thường giải phóng mặt bằng gần như đã hoàn tất, chỉ còn đợi vốn để giải ngân. Các dự án về hạ tầng đang được triển khai, máy móc thiết bị cũng đã được tập kết tại hiện trường. Nếu thu xếp được nguồn vốn đầu tư, việc cho ra đời sản phẩm quặng đã qua tinh luyện trong năm 2011 không phải mục tiêu khó đạt được.

Ở góc độ này, có thể ví Masan là một thực khách được mời đến ăn một bữa tiệc thịnh soạn đã được bày biện gần xong. Một thương vụ thuộc dạng chỉ có thể xảy ra khi khủng hoảng tài chính quét qua toàn cầu.

Theo Vân Thu
VnEconomy


ngocdiep

Trở lên trên