MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam đã quá nhạy cảm'

Khủng hoảng nợ tại châu Âu ít mang lại nguy cơ "thật" đối với kinh tế Việt Nam nhưng lại là một cú đánh mạnh vào tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Nhiều chuyên gia cho rằng khủng hoảng nợ tại châu Âu ít mang lại nguy cơ "thật" đối với kinh tế Việt Nam nhưng lại là một cú đánh mạnh vào tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Nửa cuối của tháng 5 và những ngày đầu tháng 6 vừa qua thực sự là quãng thời gian u ám của thị trường chứng khoán. Thống kê Vn-Index trong vòng một tháng (tính đến hết ngày 9/6) cho thấy chỉ số của sàn TP HCM đã giảm 36,8 điểm, tương đương gần 7%. Mức giảm tương ứng tại sàn Hà Nội thậm chí còn lên tới gần 14%. Cùng với điểm số, thanh khoản trên cả 2 sàn đều sụt mạnh. Giá trị giao dịch tại HOSE hiện chỉ đạt trung bình khoảng 1.300 tỷ đồng chưa bằng một nửa so với thời điểm đầu tháng 5.

Sự thoái lui của thị trường chứng khoán trong bối cảnh nền kinh tế nội địa 5 tháng đầu năm được đánh giá là khả quan, lạm phát tăng chậm, chính sách tiền tệ không bị thắt chặt… khiến đa phần những lý giải được đưa ra đều hướng tới các nguyên nhân bên ngoài, cụ thể là cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu diễn ra cùng thời điểm.

Tương tự nhiều thị trường lớn tại Mỹ và châu Á, chứng khoán Việt Nam tỏ ra nhạy cảm với những diễn biến leo thang của cuộc khủng hoảng tại Cựu lục địa cũng như những hệ lụy của nó (đồng euro mất giá, giá dầu giảm mạnh xuống dưới 70 USD một thùng).

Mối quan ngại đầu tiên của giới đầu tư được đặt lên các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu cũng như cổ phiếu của họ đang niêm yết trên thị trường chứng khoán bởi sau 3 năm gia nhập WTO, mức độ phụ thuộc vào thị trường quốc tế của các doanh nghiệp này đã trở nên hết sức đáng kể.

Trích dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, ông Lương Thanh Tùng, Giám đốc bộ phận đầu tư của Công ty chứng khoán Âu Việt (AVS) cho rằng độ mở của thương mại Việt Nam hiện thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Trong năm 2008 và 2009, chỉ số xuất nhập khẩu so với GDP lần lượt là 170% và 142%. Do đó, nhiều nhân tố của kinh tế nội địa có thể chịu ảnh hưởng mạnh từ kinh tế khu vực cũng như các thị trường xuất khẩu chủ yếu.

Nếu xét trên tiêu chí này châu Âu là một trong những khu vực có ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của trong nước. Theo dự kiến, thị trường này sẽ chiếm khoảng 26% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm năm nay (với giá trị khoảng 4,5 tỷ USD). Trong khi đó, việc đồng euro mất giá khoảng 10% trong vòng một năm qua (theo thống kê của OECD) chắc chắn sẽ khiến giá các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đắt lên đáng kể.

Bên cạnh rủi ro về giá, nguy cơ thu hẹp thị trường khi kinh tế châu Âu trở nên khó khăn cũng được nhiều ý kiến đề cập. Chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và 50% sản lượng xuất khẩu được chuyển tới châu Âu, ngành giày da có thể sẽ chịu nhiều tác động nhất từ thị trường này.

Nợ và định mức tín nhiệm của Việt Nam và một số nền kinh tế khác.

Nguồn: Bloomberg.

Theo Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sacombank (SBS) Nguyễn Thanh Hùng, đứng trước những suy đoán như vậy, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có thể tăng cường bán ra các cổ phiếu thuộc nhóm ngành thủy sản, cao su, xuất nhập khẩu… Tuy nhiên, ông Hùng cũng trấn an các nhà đầu tư rằng tình hình không hề xấu như họ nghĩ: “Nếu nhìn vào cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU, dễ nhận thấy đó là các mặt hàng thiết yếu, cơ bản. Nhu cầu đối các mặt hàng này có độ co giãn không cao, dù có khủng hoảng hay không nên hoạt động xuất khẩu chưa chắc đã bị ảnh hưởng lớn”.

“Khủng hoảng tài chính tại châu Âu có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp từ bên ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, tác động đó không đến ngay lập tức và chưa thể tác động đến thị trường chứng khoán”, ông Hùng nhận định.

Ông Lê Bá Hoàng Quang, một chuyên gia khác của SBS cho rằng, nếu căn cứ vào một số yếu tố gây khủng hoảng nợ tại châu Âu như khả năng tăng trưởng GDP bền vững, thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ so với GDP... thì kinh tế Việt Nam hiện vẫn khá "an toàn".

Về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội, sau khi chạm đáy trong 3 tháng đầu năm 2009, GDP của Việt Nam đã đều đặn tăng trên 5% trong những quý tiếp theo. Tình trạng thâm hụt ngân sách hiện cũng chưa đến mức có thể gây nguy hiểm.

Riêng tỷ lệ nợ so với GDP ước khoảng trên 50% như hiện nay, tuy là khá cao so với một số quốc gia lân cận nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với Hy Lạp và một số nền kinh tế tại châu Âu. "Nếu nhìn vào cơ cấu nợ, ta sẽ thấy Hy Lạp phải lo hơn 50 tỷ USD để trả nợ đáo hạn trong năm nay. Trong khi đó đa phần nợ của Việt Nam là nợ dài hạn, áp lực trả nợ, do vậy, sẽ không quá lớn", ông Quang nhận định.

Chung quan điểm với các chuyên gia trong nước, ông Nitin Jaiswal, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế khu vực châu Á của Bloomberg cho rằng, với tầm ảnh hưởng khắp thế giới, khủng hoảng nợ tại châu Âu đương nhiên sẽ tác động tới kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên ảnh hưởng này không nhiều và thị trường giảm điểm chủ yếu do tâm lý nhà đầu tư.

Đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Jaiswal cho rằng với P/E khoảng 11,9, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết hiện khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, sau cuộc khủng hoảng tại châu Âu, luồng vốn có thể sẽ được chuyển hướng sang các thị trường mới nổi như Việt Nam. Đây rất có thể sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư trong nước.

Theo Nhật Minh
VnExpress


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên