MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu dầu khí: Sức bật trong dài hạn

Nhận định của Tổng giám đốc các quỹ đầu tư và CTCK về tiềm năng của cổ phiếu dầu khí.

Xu hướng hồi phục của nền kinh tế thế giới đã giúp cho giá dầu tăng trở lại và mức giá bình quân của năm 2010 được kỳ vọng trên 70 Usd/thùng.

Bà Trần Thị Thủy – Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Tài chính Dầu khí PVFC Capital kiêm giám đốc Quỹ VIP LLC

Theo kế hoạch, giai đoạn 2009 - 2015, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đầu tư 84 tỷ USD nhằm tăng cường công tác khai thác các mỏ dầu và khí, công nghiệp lọc hóa dầu và các dịch vụ liên quan như dịch vụ dầu khí (khoan và giàn khoan), dịch vụ vận chuyển, tài chính, bảo hiểm dần khí phục vụ ngành dầu khí.

Việc tăng cường đầu tư nhằm mục tiêu phát triển ngành dầu khí đã giúp các doanh nghiệp trong ngành đứng trước cơ hội phát triển lớn, do nằm trong chuỗi giá trị.

Ngoài ra, tiềm năng phát triển của ngành cũng được khẳng định thông qua hiệu quả hoạt động và mức tăng trưởng bền vững của các doanh nghiệp đã niêm yết đăng ký giao dịch trên TTCK.

Tôi cho rằng, cổ phiếu các doanh nghiệp ngành dầu khí đã, đang và sẽ dành được sự quan tâm không chỉ của các NĐT trong nước, mà còn của các NĐT nước ngoài.

Thực tế thời gian qua cho thấy. Morgan Stanley đã trở thành cổ đông chiến lược của PVFC. Quỹ đầu tư Oman trở thành cổ đông chiến lược của PVI. Sắp tới, Công ty VIP LLC (Nhật Bản) sẽ trở thành cổ đông chiến lược của PVA.

Thời gian vừa qua, Petrovietnam và các công ty thành viên đã ký kết nhiều hợp đồng hợp tác liên doanh với NĐT trong và ngoài nước để triển khai các dự án trong lĩnh vực công nghiệp dầu khí. Hiện tại, các NĐT đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông... đang trong giai đoạn đàm phán để thành lập các quỹ thành viên với PetroVietnam để đầu tư vào các dự án trong ngành dầu khí tại Việt Nam.

Ông La Giang Trung – Quản lý danh mục đầu tư – Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt

Triển vọng kinh doanh của ngành dầu khí luôn gắn liền với biến động của giá dầu mỏ. Trên TTCK, các doanh nghiệp dầu khí chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, chứ không phải DN khai thác trực tiếp, nên sự tác động của giá dầu mỏ có độ trễ khá lớn.

PVD là doanh nghiệp chịu tác động của giá dầu sớm nhất, do doanh nghiệp này cung cấp dịch vụ giàn khoan. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ cho giàn khoan sẽ chịu tác động chậm hơn.

Hiện tại, giá dầu đang phục hồi trở lại và khá ổn định ở mức 70 - 80 Usd/thùng. Ở mức này thì hoạt động của doanh nghiệp dầu khí chưa có gì nổi bật, nhưng về dài hạn, khi giá dầu quay trở lại mức trên 100 Usd/thùng thì triển vọng của các doanh nghiệp này là rất tốt. Mặc dù vậy, độ trễ của tác động thường là từ 6 tháng cho PVD đến 1 năm cho các doanh nghiệp khác.

Trong các doanh nghiệp dầu khí, đặc biệt là các doanh nghiệp có tài sản cố định lớn cần lưu ý thời điểm đầu tư tài sản cố định.

Doanh nghiệp nào đẩy mạnh đầu tư tài sản cố định vào thời điểm giá dầu cao trong năm 2007 - 2008 (như PVD) sẽ chịu tác động mạnh do giá trị tài sản bị sụt giảm khá nhiều, doanh nghiệp nào đầu tư tài sản cố định giai đoạn cuối năm 2008 - 2009 (như PVS) sẽ có lợi thế khi giá dầu phục hồi (chi phí cố định thấp).

Ông Lê Bá Hoàng Quang – Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, CTCK Sacombank

Song song với sự tăng trưởng doanh thu toàn ngành dầu khí, mảng doanh thu từ cung cấp dịch vụ trong PetroVietnam đã tăng từ mức 15 - 20% lên 30% kể từ đầu năm đến nay, trong đó 2/3 doanh thu mảng dịch vụ đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ phục vụ trực tiếp công nghiệp dầu khí.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và đi vào hoạt động 3 nhà máy lọc dầu cũng góp phần tăng hoạt động của các doanh nghiệp ngành dần khí nói chung, từ cung cấp dung dịch, hóa chất phục vụ khai thác, chế tạo đến dịch vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyên chở, phân phối, thu xếp vốn, đào tạo nhân lực...

Không chỉ những doanh nghiệp khai thác trực tiếp dầu khí mới tăng trưởng, mà song song với đó, các doanh nghiệp phụ cận phục vụ hoạt động trong chuỗi này cũng đứng trước cơ hội tăng trưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Tôi cho rằng, sức hút của nhóm cổ phiếu dầu khí là tương đối lớn. Thứ nhất, năm 2009, khi TTCK phục hồi thì các cổ phiếu nhóm này có mức tăng giá so với bình quân chung của thị trường khá thấp.

Trong khi đó, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, giá dầu thô tăng đáng kể (bình quân tăng khoảng 32 Usd/tấn dầu trong 6 tháng đầu năm, từ 50 Usd/thùng lên 82 Usd/thùng), không ít doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí cũng được hưởng lợi, như doanh nghiệp phụ trách chuyên chở, khoan và dịch vụ khoan.

Thứ hai, xu hướng đầu tư không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thế giới vào các cổ phiếu ngành năng lượng đang ngày một tăng. Đây cũng là cơ hội để cổ phiếu ngành dầu khí nói chung có cơ hội tăng sức bật trong thời gian tới.

Bà Hoàng Thị Hoa – Trưởng bộ phận Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Xu hướng hồi phục của nền kinh tế thế giới đã giúp cho giá dầu tăng trở lại và mức giá bình quân của năm 2010 được kỳ vọng trên 70 Usd/thùng. Đây sẽ là động lực hỗ trợ cho hoạt động khai thác dầu khí sau một thời gian bị thu hẹp do giá dầu giảm mạnh xuống dưới 45 Usd/thùng vào đầu năm 2009.

Với trữ lượng dầu khí khá lớn, PetroVietnam tiếp tục có những kế hoạch triển khai hoạt động đầu tư và khai thác dầu khí.

Do vậy, các công ty dịch vụ dầu khí như PVD hay PTSC (PVS) sẽ có nhiều thuận lợi trong hoạt động của mình, đặc biệt là triển vọng tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành là khá khả quan, dự kiến có thể đạt hơn 20%/năm trong các năm tới.

Tuy nhiên, bài toán về tăng trưởng lợi nhuận tùy thuộc vào từng công ty cụ thể. Do lĩnh vực dầu khí đòi hỏi nguồn vốn đầu tư tài sản cố định khá lớn và biến động giá trong nước thường có độ trễ so với biến động giá dầu thế giới, nên lợi nhuận của các công ty cho thuê giàn khoan sẽ không tăng cùng nhịp với tốc độ tăng trưởng doanh thu.

Mặc dù vậy, dầu khí là một lĩnh vực khá độc quyền và nhận được nhiều hỗ trợ từ phía PetroVietnam, do đó lợi thế chiếm lĩnh thị phần sẽ là một yếu tố cạnh tranh mà những doanh nghiệp trong các ngành khác khó có thể có được.

Chính nhờ kế hoạch mở rộng đầu tư của PetroVietnam mà thị phần dịch vụ dầu khí trong nước đã tăng từ mức 20% lên 35% như hiện tại. Dự kiến, việc mở rộng thị phần của các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam từ các đối tác nước ngoài sẽ tạo ra triển vọng tốt cho các doanh nghiệp trong ngành.

Ông Phan Dũng Khánh – Phó phòng phân tích , CTCK KimEng (KEVS)

Các doanh nghiệp trong ngành dầu khí được dự báo đạt và vượt kế hoạch kinh doanh năm 2010. Nhu cầu sử dụng năng lượng cùng các dịch vụ dầu khí gia tăng khi nền kinh tế phục hồi, bên cạnh đó là giá dầu tăng sẽ giúp các doanh nghiệp ngành dầu khí tăng trưởng.

Vấn đề nợ công tại châu Âu hiện nay, cùng với nhu cầu đầu tư an toàn tiếp tục gia tăng sẽ là yếu tố tác động đến TTCK Việt Nam trong nay năm. Hiện dòng tiền trên thế giới có xu hướng dịch chuyển vào các kênh đầu tư an toàn như vàng, trái phiếu chính phủ Mỹ, Nhật Bản và Đức, đồng Yên và Franc Thụy Sỹ.

Đồng thời, nhu cầu đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của các NHTW lớn trên thế giới như ECB (NHTW châu Âu) hay Nga cho thấy TTCK trên thế giới chưa có được sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Điều này cũng sẽ tác động đến TTCK Việt Nam.

Dầu khí là một ngành chủ đạo trong nền kinh tế, khi nền kinh tế tăng trưởng sẽ hỗ trợ ngành này tăng trưởng và tác động tốt đến giá trị của cổ phiếu nhóm dầu khí. Ngược lại, nền kinh tế suy thoái, mà châu Âu là nguy cơ lớn nhất, dẫn đến nhu cầu sử dụng năng lượng hạ thấp, giá dầu giảm sẽ là yếu tố bất lợi.

Tôi cho rằng triển vọng tăng trưởng của cổ phiếu ngành dầu khí khá cao, khi mà đầu tư chứng khoán chính là đầu tư cho tương lai và triển vọng phục hồi kinh tế thế giới là rất lớn , cùng với nền kinh tế Việt Nam ổn định sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng năng lượng, dịch vụ và sản phẩm dầu khí. Điều này sẽ giúp giá trị cổ phiếu ngành dầu khí tăng lên.

Ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc Nghiên cứu CTCP Quản lý đầu tư Việt Nam (VFM)

Với những đóng góp của mình, PetroVietnam đang dần trở thành một tập đoàn kinh tế dầu khí hàng đầu khu vực. PetroVietnam đã và đang tập trung triển khai mạnh mẽ, đồng bộ hoạt động dầu khí trong tất cả các lĩnh vực, từ các hoạt động chính như thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP), khai thác và phân phối khí (PVGas), phân phối dầu (PVOil), đến các dịch vụ liên quan đến dầu khí (PTSC, PV Drilling, PVTrans, PVC...); từ các lĩnh vực đầu ra của dầu khí như điện (Điện khí Cà Mau, Điện khí Nhơn Trạch), đạm (Đạm Phú Mỹ), đến các lĩnh vực tài chính như PVFC (tài chính) và PVI (bảo hiểm).

Đặc biệt, PetroVietnam đã đưa ngành dầu khí Việt Nam lên một tầm cao mới khi đưa vào vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ tháng 2/2009. Sự ra đời của nhà máy này cộng với việc hàng loạt dự án lọc dầu - hóa dầu - nhiên liệu sinh học khác sẽ đánh dấu một bước tiến cực kỳ quan trọng của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.

Theo báo cáo của Tổ chức quản trị thông tin năng lượng (Business Monitori Intemational), nhu cầu tiêu thụ dầu lỏng của thế giới tăng lên khoảng 107 triệu thùng/ngày trong năm 2030, từ mức 85 triệu thùng/ngày trong năm 2006 (tăng gần 26%).

Đối với Việt Nam, mức tiêu thụ dầu dự kiến liên tục tăng và đạt mức 460.000 thùng/ngày vào năm 2014. Như vậy, thị trường tiêu thụ của ngành dầu khí Việt Nam nói chung còn rất lớn trong vòng 20 năm nữa.

Với vị thế là thành viên của PetroVietnam, các công ty con và công ty liên kết của Petrovietnam sẽ được hưởng lợi từ các hợp đồng thăm dò, khai thác, vận tải dầu khí và các dịch vụ khác.

Hiện nay, mức P/E trung bình của các công ty trong hệ thống Petrovietnam vào khoảng 12x, trong khi các công ty trong khu vực là 18,7x. Với triển vọng của ngành dầu khí Việt Nam như đã nói ở trên, chúng tôi đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của các công ty thuộc tập đoàn dầu khí trong thời gian tới.

Theo Đầu tư chứng khoán

phuongmai

Trở lên trên