Paul Krugman: Kinh tế thế giới cần thêm các gói kích thích
Kinh tế gia đạt giải Nobel lo lắng giảm phát có thể đến trong vài năm tới. Theo Krugman, khủng hoảng chưa qua nếu nhìn vào số liệu về thị trường việc làm.
Ông Paul Krugman, kinh tế gia đạt giải Nobel, cho rằng lạm phát hiện chưa phải là mối nguy và kinh tế toàn cầu cần thêm kế hoạch kích thích ở thời điểm chính phủ các nước lo lắng về khả năng nợ tăng cao.
Trong hội nghị mới nhất tại Tel Aviv, ông nói: “Nếu nhìn vào số liệu trên thị trường việc làm, số liệu cực kỳ quan trọng, có thể thấy khủng hoảng chưa ở phía sau. Lạm phát chưa đáng lo. Lạm phát thường giảm khi tỷ lệ thất nghiệp cao.”
Ông Krugman cho rằng thời kỳ giảm phát, thời kỳ giá cả nhìn chung đi xuống, hoàn toàn có thể đến trong vài năm tới.
Hôm qua và hôm nay, quan chức thuộc FED nhóm họp và dự kiến sẽ công bố kết quả cuộc họp vào lúc 2h30 phút chiều giờ New York (2h30 sáng giờ Việt Nam ngày 24/06/2010).
Những mối lo từ khủng hoảng nợ châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp ở gần mức cao nhất trong 26 năm và lạm phát thấp là lý do các Ngân hàng Trung ương sẽ tập trung vào đảm bảo đà phục hồi kinh tế.
Ông Krugman nói: “Hiện nay là lúc chúng ta thật sự cần sự hỗ trợ từ phía chính phủ. Thật không may, hoạt động rút bớt chính sách hỗ trợ đang diễn ra.”
Đối với khu vực châu Âu, ông nhận xét: “Rủi ro đi xuống đối với đồng euro hiện khá lớn. Ngay cả với tỷ giá hiện tại, hàng xuất khẩu từ châu Âu vẫn có tính cạnh tranh cực kỳ cao. Người Đức thật ngớ ngẩn khi họ lo lắng về lạm phát. Lạm phát chưa thể đến ở thời điểm kinh tế còn quá yếu.”
Nhiều nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu đang thắt chặt ngân sách. Ngoài nhóm nước Nam Âu đang “điên đầu” với khủng hoảng tài khóa, chính phủ 2 nền kinh tế lớn là Anh và Pháp đều đã công bố chính sách thắt chặt ngân sách.
Ngọc Diệp
Theo CNBC,Bloomberg