MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các cổ phiếu biến động mạnh nhất tháng 6/2010

VE9 là quán quân tăng giá trong tháng 6/2010 với mức tăng 141,5%. Nhiều mã penny khác cũng có mức tăng từ 40-60%.

Tại HoSE, có tổng cộng 19 mã có mức tăng trên 20%. Dẫn đầu là tân binh SBC tăng 70% so với giá tham chiếu chào sàn; bên cạnh đó còn 3 mã khác tăng trên 40% là DIC (49,2%), DTT (43,7%) và VHG (40,2%).

Chào sàn ngày 2/6 với giá tham chiếu 27.000 đồng, SBC của CTCP Vận tải và Giao nhận Bia Sài Gòn – Sabetran đã tăng liền 10 phiên lên mức 47.200 đồng. Sau đó cổ phiếu này lình xình cho đến cuối tháng.

Ngoài SBC, trong tháng Sáu đã có nhiều cổ phiếu nổi sóng và thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư như DIC, DTT, VHG, VKP, VNE, VSG…

Không tính tân binh SBC thì DIC là mã tăng mạnh nhất với mức tăng 49,2%, từ 24.400 lên 36.400 đồng. Trong tháng, HĐQT công ty đã quyết định đầu tư vào dự án Khu dân cư 19,07 ha tại huyện Hóc Môn, Tp.HCM.

Tuy nhiên, hành trình tăng giá ấn tượng nhất trong tháng thuộc về VHG. Dù đã giảm sàn ¾ phiên gần đây nhưng giá VHG vẫn tăng 40% so với tháng trước. Giá đóng cửa ngày 30/6 là 31.400 đồng.

VHG bắt đầu “nổi sóng” từ ngày 20/5 với mức giá khi đó là 16.000 đồng. Cổ phiếu này đã đạt đỉnh cao nhất là 38.800 đồng vào ngày 24/6; tuy nhiên, VHG đã điều chỉnh ngay trong phiên và đóng cửa ở mức 36.500 đồng.

Trong tháng, VHG đã công bố ước đạt 19 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng, bằng 127% kế hoạch năm. Việc chuyển nhượng 1 phần quyền tham gia đầu tư dự án Khu công nghiệp, dịch vụ An Lưu đã đem lại lợi nhuận bất thường cho công ty. Dự kiến trong tháng 9, VHG sẽ khởi công Dự án D’EVELYN trên "khu đất vàng" của Tp. Đà Nẵng.

Một mã có khá nhiều biến động trong thời gian qua là VKP – Nhựa Tân Hóa.

Sau kiểm toán, mức lỗ năm 2009 của VKP tăng lên thành hơn 50 tỷ và tiếp tục lỗ gần 9 tỷ trong quý 1 năm nay. Tại ĐHCĐ thường niên tổ chức ngày 29/6, cổ đông của VKP đã thông qua việc chuyển nhượng 2,2ha đất không sử dụng tại KCN Tân Đức, Long An.

Trở lại giao dịch từ ngày 22/6, TRI đã có 7 phiên trần liên tiếp từ 6.400 đồng lên 8.600 đồng, tăng 34,4%. Do lỗ liên tục trong 2 năm 2008 và 2009, cổ phiếu này đã bị tạm ngưng giao dịch từ ngày 25/3.
 
Diễn biến giá VHG và DIC trong 6 tháng

Phía giảm giá: các cổ phiếu mới lên sàn chiếm 6/7 vị trí giảm mạnh nhất. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc nhóm cổ phiếu này đã chào sàn quá cao so với giá trị thực.

Điển hình là nhóm cổ phiếu thuộc PVX như PXT, PXS và PXM. Duy nhất PXI vẫn giữ được mức giá tham chiếu.

PXT chào sàn ngày 1/6 với giá tham chiếu 32.000 đồng, nhưng đóng cửa ngày 30/6 chỉ còn 19.700 đồng, giảm 38,4%. PXS và PXM có mức giảm lần lượt là 33,4% và 17,4%.

Một số mã lên niêm yết trong những ngày gần đây cũng đều giảm hết biên độ 20% trong ngày đầu như BCE, GTT…

Không tính các cổ phiếu mới niêm yết thì mức giảm mạnh nhất thuộc về RIC, giảm 17,5% từ 29.700 xuống 24.500 đồng.

Tiếp đến là NTB (-16,2%), HSG (-14,5%), TMS (-13,6%)… Tổng cộng có 11 mã giảm trên 10%.

Sau “sóng thép”, cùng với sự đi xuống của giá thép, nhóm cổ phiếu thép cũng đồng loạt giảm: HSG (-14,5%), TLH (-13,5%), POM (-10,6%), VIS, HMC và DNY tại sàn Hà Nội.
 
(*): Giá ngày 30/5 đã được chiều chỉnh kỹ thuật khi có phát sinh
chia cổ tức, cổ phiếu thưởng, quyền mua
(**) Các cổ phiếu lên sàn trong tháng, so sánh với giá tham
chiếu phiên giao dịch đầu tiên

Tại HNX: có tổng cộng 35 mã tăng trên 20%, một nửa trong số này tăng trên 30%.

Dẫn đầu top tăng giá là VE9 của CTCP Xây dựng điện VNECO 9, tăng 141,5% lên so với giá ngày 31/5 đã được điều chỉnh kỹ thuật.

Hành trình tăng bắt đầu từ ngày 7/6 – ngày GDKHQ nhận cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% và quyền mua cổ phiếu mới tỷ lệ 1:1. Kể từ đó tới ngày 25/6, VE9 gần như đã có 15 phiên tăng trần liên tục với lượng dư mua cuối ngày luôn ở mức vài triệu đơn vị.

SRB đứng thứ 2 với mức tăng 84,8%, từ 9.200 lên 17.000 đồng.

“Anh em” của SRB là SRA cũng tăng gần 40% lên 42.000 đồng. Đây là một trong những mã tăng mạnh nhất quý II. Trong cả quý I, giá cổ phiếu này chỉ xoay quanh mệnh giá.

Năm mã khác có mức tăng trên 50% là LTC (62,8%), VBC (62,6%), L35 (62,1%), UNI (59,8%) và DHT (50%).

Mới đây, Hội đồng quản trị của LTC đã thống nhất phương án chuyển nhượng khu đất 134m2 – vốn dự định dùng để xây trụ sở chi nhánh Công ty - tại 622/16 Cộng Hòa, P13, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Công ty đang tìm đối tác để mua lại.

Trong những phiên giao dịch cuối tháng 6, nhiều cổ phiếu “họ Lilama” đã nổi sóng với những đầu tàu là L35, L62
 
Diễn biến giá VE9 và SRB trong 6 tháng

Việc UNI có mức tăng xấp 60% là nhờ đã tăng xấp xỉ 25% trong ngày 28/6 – ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 100% và quyền mua trái phiếu chuyển đổi.

Do hiện tại chưa có quy định về điều chỉnh giá đối với việc phát hành quyền mua trái phiếu chuyển đổi nên HNX đã áp dụng biên độ +/-25% trong phiên này.

Thông thường, khi cổ đông được mua ưu đãi, thì giá cổ phiếu sẽ phải điều chỉnh xuống. Trong khi đó, giá UNI lại tăng kịch 25% (giá tham chiếu chỉ điều chỉnh với việc nhận cổ phiếu thưởng và cổ tức) – như vậy cổ đông của UNI đã hưởng lợi “kép”.

Dược Hà Tây (DHT) đã có một động thái khá lạ lùng là đăng ký mua 400.000 cổ phiếu quỹ (9,7% vốn điều lệ) sau khi cổ phiếu đã tăng giá gần gấp đôi trong 3 tháng qua.

Dược Viễn Đông (DVD) mới đây đã mua vào hơn 1 triệu cổ phiếu DHT và đăng ký mua tiếp hơn 0,2 triệu đơn vị nữa để tăng tỷ lệ sở hữu lên 30%. Ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch HĐQT của DVD – cũng đã mua vào gần 0,8 triệu cổ phiếu DHT (19,2% vốn) nhưng sau đó lại đăng ký bán ra 0,6 triệu cổ phiếu.

Với những động thái trên thì nhiều khả năng sẽ xảy ra một thương vụ M&A giữa DVD và DHT.
 
Mặc dù có những thông tin hỗ trợ nhưng nhìn chung đợt tăng giá vừa qua của các cổ phiếu penny chủ yếu mang tính chất đầu cơ. Sau chuỗi phiên tăng giá “phi mã”, các cổ đông nội bộ/cổ đông lớn đã rục rịch đăng ký bán ra chốt lời:
  • VE9: Ông Nguyễn Chí Linh đăng ký bán 600.000 cổ phiếu, tương đương 19,4% lượng cổ phiếu đang niêm yết trong thời gian 2 tháng từ 1/7-1/9. Nhiều cổ đông nội bộ khác cũng đã và đang đăng ký bán với lượng lớn.
  • SRB: Ông Trần Khắc Hùng - Chủ tịch HĐQT - đăng ký bán 0,5 triệu trong tổng lượng nắm giữ hiện tại là 1,91 triệu cổ phiếu…

Phía giảm giá, có 3 mã giảm trên 20% là GHA (-25,4%), IDV (-22,9%) và DNY (-20,5%). Việc IDV và DNY giảm mạnh có thể xuất phát từ việc 2 cổ phiếu này đã chào sàn với mức giá khá cao.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán có khá nhiều mã góp mặt trong top những mã giảm mạnh nhất như SHS (-18,5%), KLS (-14,3%), VIX (-12,8%); PHS, BVS, AVS cũng đều giảm trên 10%.

(*): Giá ngày 30/5 đã được chiều chỉnh kỹ thuật khi có phát sinh
chia cổ tức, cổ phiếu thưởng, quyền mua
(**) Các cổ phiếu lên sàn trong tháng,
so sánh với giá bình quân phiên giao dịch đầu tiên
 
K.A.L

duchai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên