Private Equity: Lựa chọn của 2010
Cơ hội đầu tư vào công ty chưa niêm yết dưới hình thức góp vốn tư nhân trong năm 2010 đang rất thuận lợi. Nhưng để thành công thì còn nhiều chuyện cần bàn.
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, TTCK Việt Nam đã có bước tăng trưởng hết sức ấn tượng trong năm 2009. Tuy nhiên, từ đầu năm 2010 đến nay, thị trường niêm yết chỉ lình xình và khó đoán định.
Trong bối cảnh đó, các tổ chức đầu tư (quỹ đầu tư, công ty chứng khoán,...) một mặt lựa chọn thời điểm thích hợp để giải ngân trên thị trường niêm yết, mặt khác cũng đang mở rộng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào công ty chưa niêm yết dưới hình thức đầu tư góp vốn tư nhân (Private Equity - PE).
Sinh lời ngay cả trong khủng hoảng
Vào tháng 5/2010, các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải một trong những thương vụ PE khá nổi bật kể từ đầu năm: FPT Capital và Mekong Capital thực hiện đầu tư chiến lược vào Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Việt Úc - pháp nhân chủ quản của hệ thống trường quốc tế Việt Úc, với số vốn góp tương ứng là 25% và 14%. Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu về hình thức đầu tư PE tại Việt Nam, chúng ta nên nhìn qua về đặc điểm của hoạt động PE trên thế giới.
Đối với rất nhiều “dân” làm nghề tài chính, làm PE là một công việc đáng mơ ước, không chỉ bởi những khoản lương thưởng hậu hĩnh mà còn bởi đây là một công việc cực kỳ thú vị. Nó đòi hỏi người làm việc phải có những kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng trong không chỉ lĩnh vực tài chính mà còn cả những lĩnh vực chuyên môn khác: chiến lược, marketing, vận hành, nhân sự…
Câu hỏi đặt ra là, tại sao người ta phải cần những nhân sự có chất lượng cao đến vậy? Câu trả lời là nhân lực phải tương xứng với tính chất công việc và khả năng sinh lời của công việc đó. Tỷ suất sinh lời từ những khoản đầu tư PE trên thực tế hầu hết đều cao hơn đáng kể so với các hình thức đầu tư khác. Có lẽ vì vậy mà ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng 2008 - 2009, hầu hết các quỹ đầu tư PE vẫn có thể kêu gọi tới 240 tỷ USD (theo thống kê của Preqin), một con số ấn tượng khi so sánh với tình hình huy động vốn khó khăn của các hình thức quỹ khác trong thời gian trên.
Tại Việt Nam, nói đến hoạt động PE có thể kể tên các quỹ đầu tư hàng đầu như Vinacapital, Mekong Capital, Dragon Capital, Bank Invest hay Saigon Capital. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào số lượng quỹ đầu tư chuyên biệt cho hoạt động PE thì có lẽ không phản ánh đầy đủ bức tranh về hoạt động đầy tiềm năng này.
Bởi hiện nay, tham gia vào hoạt động này không chỉ có các quỹ đầu tư PE chuyên biệt mà còn có các quỹ đầu tư khác, thậm chí là các công ty chứng khoán và các ngân hàng thương mại cũng đang dần vào cuộc do tiềm năng sinh lời lớn của hình thức đầu tư này.
Có thể lấy Mekong Capital, một trong những quỹ đầu tư theo hình thức PE được cho là bài bản nhất tại thị trường Việt Nam làm ví dụ về khả năng sinh lời của hình thức đầu tư này.
Ông Chris Freund - Tổng Giám Đốc của Mekong Capital cho biết, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận thuần trung bình hàng năm của quỹ Mekong Enterprise Fund xấp xỉ 46,9%. Bất chấp kinh tế toàn cầu vẫn còn đang trong giai đoạn khủng hoảng, các công ty thuộc danh mục đầu tư của Mekong Capital vẫn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận thuần bình quân trong năm 2009 là 103% so với năm 2008.
Cả ba quỹ đều hoạt động tốt với kết quả tăng trưởng lợi nhuận thuần trung bình tính chung trên 21 công ty đạt 75%. Trên cơ sở những thành công của quỹ I và II, Mekong Capital đang có kế hoạch thành lập quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEFIII) trong năm nay với mức vốn cam kết là 150 triệu USD.
Cơ hội ngày càng lớn
Tỷ suất sinh lời từ những khoản đầu tư PE trên thực tế hầu hết đều cao hơn đáng kể so với những hình thức đầu tư khác
Có thể nói, triển vọng của hình thức đầu tư PE trong năm 2010 là rất thuận lợi. Về môi trường vĩ mô, chúng ta có nhiều điều để lạc quan khi tỷ giá VND/USD ở mức ổn định, lạm phát có dấu hiệu được kiềm chế, Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP, lãi suất đang bắt đầu giảm…
Về vi mô, mặc dù một số nhân tố thuận lợi của năm 2009 không còn như lợi ích từ gói kích cầu hay giá nguyên liệu đầu vào rẻ, nhưng đà tăng trưởng trong năm 2009 vẫn được duy trì.
Và một điều rõ ràng là doanh nghiệp có thể kỳ vọng sinh lợi trong tương lai, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có nhu cầu vốn lớn nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trở lại với thương vụ được đề cập ở phần đầu bài viết - đó là một ví dụ phản ánh khá chính xác nhìn nhận của giới đầu tư về những lĩnh vực triển vọng nhất tại Việt Nam hiện nay và tương lai.
Bởi Việt Nam là một đất nước có cấu trúc dân số trẻ, mức sống ngày một nâng cao, nhu cầu tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và gần đây là nhu cầu học tập, được đào tạo, đang ngày một tăng cao. Do vậy, không khó để thấy đây là những lĩnh vực mà các tổ chức đầu tư cho là triển vọng (thể hiện qua kết quả báo cáo mới đây của Grant Thorton Việt Nam ở phía dưới).
Cuộc chơi không chỉ toàn màu hồng
Trở lại với thực trạng đầu tư PE tại Việt Nam, không hẳn là mọi thứ trong một chu trình đầu tư PE từ tìm kiếm thương vụ (deal sourcing), cấu trúc thương vụ (deal structuring)… cho đến khâu cuối cùng là thoái vốn, hiện thực hóa lợi nhuận (exit strategy) toàn một màu hồng như mọi người thường thấy ở những con số ấn tượng và hào nhoáng mà các quỹ đầu tư công bố.
Trở ngại đến ngay từ khâu tiếp xúc ban đầu, tìm kiếm doanh nghiệp tiềm năng, cho đến cấu trúc thương vụ. Mặc dù hiện nay tại Việt Nam có tới trên 200.000 doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, nhưng trong số đó, số lượng doanh nghiệp thực sự “chất” thì lại không nhiều. Ngay cả khi tìm kiếm được doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, đáng để đầu tư, thì các tổ chức đầu tư thường gặp phải một số vấn đề.
Đầu tiên là vấn đề về quyền sở hữu và quản lý điều hành doanh nghiệp. Thực tế cho thấy phần lớn chủ doanh nghiệp vẫn có tư tưởng mình là “ông chủ” và chưa sẵn sàng cho việc bị một đối tượng bên ngoài theo dõi sát sao.
Chia sẻ quyền sở hữu với một đối tác mới khiến không ít chủ doanh nghiệp lưỡng lự trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược. Họ cũng không sẵn sàng chia sẻ quyền lãnh đạo hay thay đổi cơ cấu doanh nghiệp nếu đi ngược lại lợi ích cá nhân của họ.
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn tài chính cho biết: “Tôi hay hỏi các chủ doanh nghiệp tư nhân rằng: Anh/chị định nghĩa thế nào là “ông chủ”?
Nắm tỷ lệ sở hữu phần lớn cổ phần của một công ty có quy mô tài sản, vốn nhỏ hay nắm tỷ lệ sở hữu hợp lý của một công ty có quy mô lớn gấp nhiều lần? Và tôi cũng thường khuyên các chủ doanh nghiệp: vị thế “ông chủ” không quá phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu cổ phần mà phụ thuộc nhiều hơn vào quy mô tài sản nắm giữ”.
Một trong những công đoạn phức tạp nhất và quan trọng nhất của tổ chức đầu tư khi thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp là đánh giá khả năng và sự trung thực của người lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo không tạo được niềm tin nơi nhà đầu tư, không sẵn sàng thể hiện thiện chí thay đổi và chia sẻ một phần quyền điều hành thì họ sẽ không sẵn sàng tham gia góp vốn trong lĩnh vực rủi ro cao này.
Ngoài ra, vấn đề về kỹ thuật cũng là một trở ngại không nhỏ để hai bên có thể tiến tới hợp tác là báo cáo tài chính. Hậu quả của hệ thống quản lý tài chính không chuyên nghiệp và không chuẩn hóa là hệ thống báo cáo tài chính chồng chéo, không minh bạch và có những khoản loại trừ trọng yếu không thể sửa đổi. Là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư PE khó có thể thỏa hiệp về những vấn đề này khi cam kết đầu tư vào doanh nghiệp.
Những vấn đề trên đây phần nào được thể hiện trong kết quả của báo cáo mới nhất tháng 5/2010 của Grant Thorton Việt Nam về tình hình hoạt động đầu tư PE tại Việt Nam.
Đối với hình thức đầu tư PE, ngoài việc tham gia hội đồng quản trị, thông thường các tổ chức đầu tư sẽ đóng vai trò chủ động trong hoạt động tổ chức sản xuất kinh doanh hàng ngày tại doanh nghiệp. Mekong Capital là ví dụ. Các nhân sự mà Mekong Capital được cử tham gia hoạt động điều hành đều có kinh nghiệm chuyên môn về những mảng nghiệp vụ nhất định như tổ chức bán hàng hay sản xuất.
Khi truy cập website của quỹ đầu tư này, sẽ không khó nhận ra rằng họ còn hỗ trợ các công ty mà mình tham gia góp vốn thông qua hoạt động tuyển dụng các nhân sự cấp cao. Đó chính là những giá trị gia tăng to lớn mà các quỹ đầu tư đem lại cho doanh nghiệp bên cạnh lợi ích cơ bản từ việc huy động vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để một kết thúc có hậu
Tìm kiếm cơ hội đầu tư, xác định mức giá đầu tư… khó khăn là thế nhưng đó cũng mới chỉ là một phần của một chu trình đầu tư PE. Đối với mỗi thương vụ đầu tư, chiến lược thoái vốn (exit strategy) là một trong những nội dung trọng yếu. Điều này đặc biệt quan trọng tại các thị trường mới nổi như Việt Nam, nơi mà tính thanh khoản của các khoản đầu tư còn chưa thật sự ổn định.
Ngày 11/12/2008, Quỹ Mekong Enterprise Fund đã bán toàn bộ phần vốn của mình trong Saigon Gas cho tập đoàn dầu khí Total của Pháp. Đó có thể là một lựa chọn khôn ngoan của Mekong Capital. Tuy nhiên, nhiều tổ chức đầu tư lại chọn phương án IPO (phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng) hoặc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán làm phương án thoái vốn cho các khoản đầu tư PE của mình.
Sắp tới đây khi Tập đoàn Prime, một trong những tên tuổi có tiếng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, IPO, thì chắc hẳn đây là một phần trong kế hoạch thoái vốn của Dragon Capital và Vinacapital đối với khoản đầu tư của họ vào Prime.
Có câu: “high risk, high return” - Lợi nhuận cao, rủi ro cao. Với một hình thức đầu tư có tỷ suất sinh lời cao như PE thì rủi ro là điều không tránh khỏi. Nếu ví von sự hợp tác giữa quỹ đầu tư và doanh nghiệp là một cuộc hôn nhân thì thỏa thuận hợp tác sẽ là giấy đăng ký kết hôn. Quá trình “sống chung” giữa hai bên cũng đòi hỏi nỗ lực và thiện chí rất lớn để doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, không phải “cuộc hôn nhân” nào cũng “hạnh phúc”. Sau 6 năm “chung sống”, cuối năm 2009 SK Telecom đã phải tuyên bố “chia tay” S-Phone Việt Nam do lợi thuận thấp và tốc độ phát triển thuê bao chậm, sau khi đã đầu tư tới 150 triệu USD trong thời gian trước đó. Mới đây, ngay cả một tổ chức đầu tư PE lão luyện là Mekong Capital cũng đã thoái vốn tại Công ty cổ phần Mai Son sau hơn hai năm góp vốn.
Rõ ràng, hình thức đầu tư góp vốn vào các công ty tư nhân tại Việt Nam là một hướng đi có tiềm năng sinh lợi rất cao, nhưng kèm theo đó là những rủi ro không hề nhỏ, đòi hỏi các tổ chức đầu tư phải có sự nghiên cứu kỹ môi trường đầu tư, lĩnh vực kinh doanh cũng như nội tại doanh nghiệp.
Ngược lại, lợi ích của việc kêu gọi các tổ chức đầu tư PE chuyên nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp là rất lớn, nhưng tận dụng đến đâu thế mạnh của đối tác chiến lược cũng là câu chuyện cần bàn thêm.
Theo Nguyễn Chí Thanh
Báo Doanh nhân