iPhone và kinh tế Trung Quốc
iPhone 4 bán chạy, Apple hớn hở, Trung Quốc cũng hớn hở. Nhưng suy cho cùng cái Trung Quốc có cũng chỉ là "lấy công làm lãi".
Nhưng, người Mỹ sáng tạo ra iPhone và người Trung Quốc chỉ gia công. Người mua hàng thì bỏ nhiều tiền để mua sự sáng tạo của người Mỹ chứ không phải để mua thành quả sản xuất trực tiếp của Trung Quốc. Nên người Mỹ bán iPhone ra khắp thế giới để thu về lợi nhuận khổng lồ, thì Trung Quốc thì chỉ nhận được khoản "lấy công làm lời".
Đã nhiều năm nay, với thế mạnh nhân công giá rẻ, Trung Quốc trở thành " nhà xưởng của thế giới", lấy đó làm nền tảng tăng trưởng kinh tế. Không riêng gì iPhone, Trung Quốc gia công tất tần tật sản phẩm cho các nước khác, từ gia công cho Sony, Panasonic của Nhật Bản đến Samsung, LG của Hàn Quốc hay Nokia của Phần Lan, Siemens của Đức... Trung Quốc tăng trưởng chủ yếu nhờ vào việc "lấy công làm lời" với số lượng gia công khổng lồ. Cứ như thế, Trung Quốc phát triển dựa trên việc gia công từ sự sáng tạo của những quốc gia khác.
Không chỉ sử dụng yếu tố nhân công giá rẻ, Trung Quốc còn sử dụng cả những thủ thuật như định giá tiền tệ thấp đi để tăng tính cạnh tranh. Và họ đã giảm thiểu tất cả mọi thứ để cạnh tranh, giảm đến mức mà thứ trưởng thương mại Chung Sơn từng chia sẻ rằng mức lợi nhuận biên trung bình của lĩnh vực xuất khẩu Trung Quốc chỉ có 2%. Tức giá trị gia tăng mà họ có được trong chuỗi giá trị của nền kinh tế là rất thấp. Điều này cũng không quá khó hiểu khi "hàm lượng" tri thức, sáng tạo trong nền kinh tế của họ chủ yếu bắt nguồn từ các nước phát triển, nên họ không được thụ hưởng giá trị thặng dư từ đó.
Thực ra, từ những năm 80 thế kỷ trước, cựu thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ khởi xướng chiến lược nhập khẩu công nghệ lẫn tri thức để nâng cao trình độ công nghệ của Trung Quốc. Nhờ đó, Trung Quốc cũng đã dần nâng cao mặt bằng chung về trình độ khoa học kỹ thuật của mình. Nhưng để nhanh chóng có được những bước "đại nhảy vọt" thì họ vẫn cứ tập trung vào việc "lấy công làm lời" là nền tảng chung. Còn giá trị tri thức và sáng tạo đúng nghĩa trong ngành sản xuất vẫn rất thấp. Bằng chứng là những ngành công nghiệp mà Trung Quốc tập trung phát triển vẫn chưa có được giá trị riêng nào đáng kể.
Ví dụ như trong lĩnh vực ô tô, dù nhiều năm sử dụng chính sách bắt buộc các tập đoàn ô tô thế giới như Volwagen, BMW, Toyota, Honda... phải chia sẻ công nghệ thì xe hơi Trung Quốc vẫn đang rất vất vả đạt tiêu chuẩn để vào thị trường Mỹ. Đó là chưa kể tình trạng nhái mẫu mã xe hơi của các hãng phương Tây đến mức chóng mặt. Từ những chiếc xe cỡ nhỏ Mini Cooper, Smart đều bị Trung Quốc nhái đến cả những chiếc Roll Royce Phantom, Porsche Cayenne. Trung Quốc vẫn phải chờ những sáng tạo từ Mỹ và các nước khác để tiếp tục hành trình "kiếm tiền" của mình.
Như thế, Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng với một nền sản xuất mà giá trị tri thức không phải của họ. Nhưng giá trị cốt lõi thực sự của kinh tế thế giới ngày nay là tri thức. Chính vì vậy, cái Trung Quốc đang cần hướng tới không phải là họ gia công bao nhiêu chiếc iPhone 4 cho người Mỹ, mà Trung Quốc cần sáng tạo ra được bao nhiêu sản phẩm đình đám giống như iPhone 4.
Tuần Việt Nam