Trung Quốc đang “vét” gạo Việt Nam
Điều bất ngờ là giá lúa gạo tăng cao không phải vì chương trình tạm trữ của Chính phủ mà là vì các thương nhân Trung Quốc đang ồ ạt vào VN thu gom.
Các doanh nghiệp (DN) của Trung Quốc đang ra sức “vét” gạo VN. Còn DN trong nước đang lo lắng trước nhu cầu gạo tăng đột biến từ nước này.
Ẩn số
Từ ngày 15.7-4.8, DN thu mua trên 460.000 tấn gạo hè thu tạm trữ trong số 1 triệu tấn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên tình hình mua bán gạo ở ĐBSCL khá sôi động.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là giá lúa gạo tăng cao không phải vì chương trình tạm trữ của Chính phủ mà là vì các thương nhân Trung Quốc đang ồ ạt vào VN thu gom. Lúa chất lượng thấp từ 2.800-3.200 đồng/kg hồi giữa tháng 7 đến nay đã tăng lên 3.850-4.200 đồng/kg; lúa chất lượng cao tăng từ 3.500-3.800 đồng/kg lên 4.100-4.450 đồng/kg. Hiện gạo 5% tấm xuất khẩu của VN đã tăng 20-30 USD/tấn so với hồi đầu tháng 7, lên mức 375 USD, gạo 25% tấm đạt 330 USD/tấn.
Tại cuộc họp mở rộng do Hiệp hội Lương thực VN (VFA) tổ chức ngày 6.8, nhiều DN cho biết, chỉ trong vòng 1 tháng, thương nhân Trung Quốc đã vào các tỉnh ĐBSCL mua vét gạo số lượng lớn.
Ông Cao Minh Lãm - Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu An Giang thông báo: “Họ thu gom cả tấm, gạo phẩm cấp thấp với giá cao. Ngoài chở bằng đường biển, thương nhân Trung Quốc còn sử dụng cả container chở gạo rầm rầm bằng đường bộ đưa ra cửa khẩu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc”.
Thông thường sau tháng 5, Trung Quốc ít khi nhập khẩu gạo, nhưng năm nay vẫn tiếp tục mua. Đây là thị trường luôn kín tiếng, do vậy, có thể coi việc họ mua ồ ạt và không kén chọn chất lượng là một ẩn số. Điều lo của VFA giờ đây không phải Trung Quốc ngưng mua gạo qua đường biên mậu mà là nếu tiếp tục mua quá nhiều, tạo ra nguy cơ thiếu hàng giao các hợp đồng đã ký trước đó. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cũng xác nhận: “Hiện có thông tin cho biết Trung Quốc mất mùa tới mười bốn triệu tấn gạo do lũ lụt vừa xảy ra liên tiếp. Do đó, nếu tin này chính xác, Trung Quốc sẽ mở cửa nhập khẩu gạo và lúc đó, chắc chắn thị trường gạo VN và thế giới sẽ rối tung”. Ông Phong cảnh báo: “Nếu Trung Quốc tiếp tục vào mua số lượng khoảng một triệu tấn gạo, thì coi chừng đến quý 4 năm nay, doanh nghiệp không có gạo xuất khẩu!”.
Rủi ro rình rập
Không chỉ tăng giá, nhu cầu gạo thế giới đang có dấu hiệu sôi động trở lại. Ngoài Trung Quốc đang thể hiện rõ sự thiếu hụt lương thực, nhiều nước khác ở khu vực châu Phi, Trung Đông cũng bắt đầu đẩy mạnh nhập gạo.
Nguyên nhân là do giá nhiều mặt hàng nông sản hiện nay đang có dấu hiệu tăng mạnh, nhất là lúa mì đã tăng 70-80 USD/tấn. Nếu so sánh lúa mì với gạo, thì trong các tháng tới, các nước nghèo như châu Phi sẽ chuyển sang mua gạo để tiết kiệm hơn.
Ngoài ra, dự kiến trong tháng 8, 9, Indonesia cũng sẽ khởi động nhập khẩu gạo trở lại. Trước tình hình chuyển biến nóng như vậy, VFA đã khuyến cáo DN nên đẩy mạnh mua vào, nhưng không nên bán ồ ạt mà lựa chọn đơn hàng giá cao mới bán. Ông Trương Thanh Phong nhắc lại: “Vụ hè thu này chỉ còn mấy trăm ngàn tấn, không thấm vào đâu nếu Trung Quốc tiếp tục tràn vào mua vét gạo. Do đó có thể xảy ra tình trạng thiếu gạo, sốt giá vào các tháng cuối năm”. Để tránh khủng hoảng lương thực ngay trong nước, VFA đã chỉ đạo các DN hội viên, trong những tháng cuối năm phải sẵn sàng can thiệp thị trường trong nước một khi có biến động khan hiếm, sốt giá.
Ông Bùi Tất Tiếp - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN - PTNT) cho rằng, cần phải xác định chính xác tổng lượng gạo xuất khẩu trong các hợp đồng đã ký kết với các đối tác, số gạo đã giao, tổng lượng gạo còn trong dân, trong kho của doanh nghiệp để có những chính sách phù hợp khi điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh Trung Quốc ồ ạt mua gạo của VN.
Theo ông Tiếp, nếu giá lúa gạo tăng đột biến mà nguyên nhân chủ yếu là do phía Trung Quốc ồ ạt mua gạo của Việt Nam thì cần có biện pháp bình ổn, không để xáo trộn về nguồn cung, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và không ảnh hưởng quá nhiều đến tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN xuất khẩu gạo.
Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN -â PTNT) cho biết, hiện các tỉnh phía Nam đang thu hoạch vụ lúa hè thu. Dự kiến với 1,6 triệu ha lúa đã gieo cấy, người nông dân sẽ thu về trên dưới 8 triệu tấn thóc, tương đương gần 5 triệu tấn gạo. Chúng ta cũng sẽ có thêm khoảng 1 triệu tấn thóc nông dân đem về từ Campuchia thông qua việc thuê ruộng trồng lúa.
Hiện chúng ta còn lúa gạo dự trữ, đã thu mua tạm trữ được một số trong dân và các DN vẫn còn. Trong khi cả nước đến thời điểm này đã xuất khẩu được trên 4 triệu tấn gạo trong tổng số trên 6 triệu tấn đã ký kết với các đối tác. Vì thế, nếu Trung Quốc mua thêm vài trăm đến khoảng 1 triệu tấn gạo của VN thì cũng không ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong nước.
Tuy nhiên, ông Ngọc lưu ý, rủi ro sẽ luôn rình rập những đơn vị xuất gạo sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. "Bài" của Trung Quốc là ban đầu mua vào với số lượng lớn. Khi các đơn vị kinh doanh trong nước ồ ạt đem hàng lên cửa khẩu, các đối tác bên ấy lại không mua nữa, hàng bị dồn ứ. Lúc đó, DN VN sẽ chịu thiệt, giống hệt như chuyện dưa hấu, cao su, vải thiều… bị ứ đọng, ép giá đã diễn ra liên tục trong thời gian vừa qua.
Nông dân lại... nhìn gạo tăng giá
Ở thời điểm này, giá lúa ở các tỉnh ĐBSCL tăng trung bình khoảng 500 đồng/kg so với tháng trước, nhưng phần lớn nông dân không còn lúa để bán. Ông Cù Minh Triết, nông dân xã Cần Đăng (Châu Thành, An Giang) cho biết: Khoảng hơn hai tuần nay thương lái đi tìm mua lúa rất nhiều, với giá khá cao khoảng 4.200 đồng/kg lúa khô, hạt dài; còn IR50404 cũng khoảng 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, lúa hàng hóa trong dân còn rất ít. Số hộ dân có đủ “lực” để trữ lúa chờ giá chỉ chiếm khoảng 20%, phần lớn nông dân bây giờ chỉ biết ngồi nhìn giá lúa tăng lên từng ngày.
Còn ông Phan Thành Lập, chủ một sân phơi lúa có quy mô 40 tấn/mẻ ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) thì nói: Với giá lúa hiện nay, nông dân có thể kiếm lời chút đỉnh, nhưng rất ít người còn lúa để bán vì họ đã bán hết vào thời điểm giá lúa đang rất thấp (khoảng 2.500 đồng/kg). Số ít nông dân đến thời điểm này còn lúa thì họ cũng chưa muốn bán vì tiếp tục chờ giá. Còn thương lái cũng đang thu mua khá dè dặt trước những biến động của thị trường.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, hồi đầu vụ hè thu, nhiều DN chê lúa phẩm chất thấp, khó tiêu thụ nên không mua, khiến giá lúa giảm mạnh. Sau khi Chính phủ có quyết định mua tạm trữ, giá lúa có nhích lên. Hiện tại lúa IR50404 lên tới 4.000 đồng/kg, lúa dài từ 4.400 - 4.600 đồng/kg. Bây giờ VFA lại thông tin là Trung Quốc mua gạo của ta với số lượng lớn, mua cả gạo phẩm chất thấp với giá cao thì cũng có thể coi là chuyện đáng mừng đối với nông dân.
Chỉ có điều, trong cách điều hành của VFA làm sao để nông dân không phải chịu thiệt, trong đó vấn đề công khai thông tin là rất quan trọng. "Đừng để cho DN người ta tiến hành thu gom hết lúa hàng hóa trong dân rồi mới tăng giá thì cái đó chỉ có DN được hưởng lợi. Làm sao công khai thông tin, kịp thời để hài hòa lợi ích của cả nông dân và DN chứ thông thường thì khi tăng giá, nông dân hết lúa để bán, lợi ích rơi vào tay DN. Hiệp hội cũng như các tổng công ty cần phải nắm rõ diễn biến của thị trường thế giới, phân tích đúng để tham mưu cho Chính phủ có những biện pháp hữu hiệu, kịp thời để tránh ảnh hưởng xấu đến nông dân. Bên cạnh đó cũng cần phân biệt giữa thu mua tạm trữ để đảm bảo an ninh lương thực với việc thu mua lúa hàng hóa", ông Quốc nói.
Theo Chí Nhân - Quang Thuần - Quang Duẩn
Thanh Niên