Bi quan trở lại
Các thị trường bi quan bất ngờ bởi nhận định của FED và tin về kinh tế Mỹ. Điểm sáng nhất của tuần là dự báo tiền đầu tư sẽ chảy mạnh vào châu Á.
- 11-08-2010Cục diện châu Âu đã thay đổi ấn tượng chỉ sau 3 tháng
- 10-08-20103 năm nữa, khủng hoảng mới chấm dứt?
- 09-08-2010Không nên quá quan tâm đến việc kinh tế Mỹ suy thoái lần 2
Nỗi sợ tăng cao trên TTCK Mỹ
Trong tuần qua, cần chú ý đến việc chỉ số đo nỗi sợ của nhà đầu tư (chỉ số VIX) tăng vọt 15% trong phiên ngày thứ Tư, phiên đó chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm tới 275 điểm.
Trong tuần có phiên giao dịch kinh hoàng nhất trong lịch sử phố Wall (tuần có ngày 06/05 khi chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 1 nghìn điểm rồi hồi phục lại), chỉ số VIX tăng tới 90% lên mức gần 50. Thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008, chỉ số VIX từng lên mức 80.
Diễn biến chỉ số VIX từ đầu năm 2010 đến nay (Nguồn:MarketWatch)
Đầu tuần, sự lạc quan về hướng chính sách của FED đã giúp Dow Jones lên gần mức10.700 điểm. Nhận định về kinh tế Mỹ của FED công bố ngày thứ Ba đã “dội gáo nước lạnh” vào thị trường chứng khoán thế giới và thức tỉnh cho người ta rõ hơn về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái lần 2. Chốt tuần, Dow Jones về gần 10.300 điểm.
Tính cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 3,3%, chỉ số S&P 500 hạ 3,8% còn chỉ số Nasdaq hạ gần 5%.
Khối lượng giao dịch thấp: Khối lượng giao dịch trong tuần qua trên TTCK Mỹ thấp hơn nhiều so với tuần trước đó và mức trung bình của năm 2009.
Khối lượng giao dịch phiên đầu tuần trên các sàn the American Stock Exchange, NYSE và Nasdaq chỉ đạt 5,71 tỷ cổ phiếu. Phiên đầu và cuối tuần, khối lượng giao dịch dưới 6 tỷ cổ phiếu; 2 phiên khối lượng giao dịch trên 7 tỷ cổ phiếu và 1 phiên trên 8 tỷ cổ phiếu. Mức trung bình của tuần đạt 7,05 tỷ cổ phiếu. Mức trung bình của năm 2009 đạt 9,65 tỷ cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư đang đứng ngoài thị trường.
Điểm qua thông tin kinh tế Mỹ trong tuần:
Số lượng người thất nghiệp lần đầu tính theo tuần kết thúc ngày 07/08 bất ngờ tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng. Tuần qua, số lượng người thất nghiệp lần đầu tăng 2.000 lên 484.000, mức cao nhất tính từ tháng 2/2010.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2010 tại Mỹ tăng 0,3%; mức tăng mạnh nhất trong 1 năm và cao hơn so với dự báo của các chuyên gia.
Bộ Thương mại Mỹ công bố doanh số bán lẻ không tính ô tô, xăng và vật liệu xây dựng bất ngờ giảm 0,1% trong tháng 7/2010.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng do Thomson Reuters/University of Michigan công bố tăng lên mức 69,6 trong tháng 8 sau khi ở mức 67,8 trong tháng 7/2010.
Thị trường ngoài ra còn bi quan với lợi nhuận và dự báo lợi nhuận của nhóm ngành bán lẻ và công nghệ.
TTCK châu Á có tuần giảm điểm mạnh: Tính cả tuần, chỉ số MSCI của TTCK châu Á – Thái Bình Dương hạ 3,7% xuống 117,86 điểm và ghi nhận tuần giảm đầu tiên từ tuần kết thúc ngày 02/07. Chỉ số hiện thấp hơn 8,7% so với mức cao của năm thiết lập ngày 15/04/2010.
Thị trường Nhật hạ 4%; thị trường Úc hạ 2,3%; thị trường Hồng Kông hạ 2,8%; thị trường Trung Quốc hạ 1,9%.
Thị trường châu Âu kém lạc quan: Chỉ số Stoxx 600 của thị trường chứng khoán châu Âu hạ 1,2% xuống 255,56 điểm.
Thông tin đáng chú ý trên thị trường châu Âu trong tuần bao gồm: sản xuất công nghiệp tháng 6/2010 bất ngờ đi xuống, số lượng đơn đặt hàng tiêu dùng bền giảm.
Chỉ số chính của 18 thị trường Tây Âu giảm điểm, ngoại trừ thị trường Iceland. Chỉ số DAX của thị trường Đức hạ 2,4%; chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh hạ 1,1% còn chỉ số CAC 40 của thị trường Pháp hạ 2,8%. Cổ phiếu các công ty trong nhóm ngành xây dựng hạ sâu nhất, mức hạ lên tới 5%.
Từ ngày 10/08/2010 khi FED nhận định đà phục hồi của kinh tế Mỹ sẽ khiêm tốn hơn so với dự đoán, giá trị thị trường của các TTCK thế giới đã mất gần 2 nghìn tỷ USD.
Ngân hàng Trung ương Anh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế
Ngân hàng Trung ương Anh công bố hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh trong báo cáo mới nhất.
Nguyên nhân đằng sau việc hạ dự báo chính là niềm tin đi xuống, điều kiện trên thị trường tín dụng thắt chặt và ảnh hưởng tiêu cực từ kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách của chính phủ.
Ngân hàng Trung ương Anh dự báo tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 3% đến cuối năm 2011. Dự báo đưa ra vào tháng 5 đề cập đến con số tăng trưởng 3,6%.
Đằng sau con số về sự tăng trưởng nhảy vọt của xuất khẩu Trung Quốc
Tháng 7/2010, thặng dư thương mại Trung Quốc lên mức 28,7 tỷ USD từ mức 20,02 tỷ USD của tháng 6/2010.
Thặng dư thương mại tháng 7/2010 của Trung Quốc như vậy cao nhất tính từ tháng 1/2009. Thặng dư thương mại 7 tháng đầu năm 2010 của Trung Quốc đạt 83,93 tỷ USD.
Giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 38,1% lên 145,5 tỷ USD còn giá trị hàng hóa nhập khẩu tăng 22,7% lên 116,8 tỷ USD.
Ông David Cohen, giám đốc tổ chức nghiên cứu và dự báo kinh tế Action Economics tại Singapore, nhận xét: “Tăng trưởng xuất khẩu là bằng chứng cho thấy nhu cầu toàn cầu đang phục hồi.”
Theo ông Cohen, số liệu tăng trưởng nhập khẩu thấp không đồng nghĩa với việc kinh tế Trung Quốc đang suy yếu.
Dù vậy, nhiều chuyên gia phân tích khác cho rằng chưa thể rút ra kết luận gì từ số liệu thương mại Trung Quốc tháng 7/2010. Trong số 8,7 tỷ USD thặng dư thương mại tháng 7 tăng so với tháng 6; chỉ 2,8 tỷ USD đến từ thương mại với Mỹ và châu Âu (theo tính toán của ngân hàng HSBC).
Chuyên gia kinh tế Hongbin Qu thuộc ngân hàng HSBC nhận xét tăng trưởng thương mại của Trung Quốc tháng 7 chủ yếu đến từ nhóm thị trường mới nổi.
Trung Quốc không phải là bong bóng chờ ngày phát nổ
Ông Byron Wien, giám đốc điều hành cao cấp tại Blackstone Group LP – công ty chứng khoán lớn nhất thế giới, cho rằng Trung Quốc sẽ đóng góp tới 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2010.
Ông Wien, chuyên gia tại Blackstone Group LP, nhận xét: “Nhiều người tại Mỹ tin rằng Trung Quốc là bong bóng đang chờ phát nổ, nhưng tôi nghĩ điều đó không đúng. Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay.”
Ông Wien, cựu chuyên gia chiến lược thị trường tại quỹ đầu cơ Pequot Capital Management, cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay có thể hơn 3% và Trung Quốc sẽ đóng góp 1%.
Chính phủ Trung Quốc hiện đang đưa ra biện pháp hạn chế đầu cơ bất động sản để ngăn bong bóng giá tài sản, hạn chế tín dụng và đóng cửa các nhà máy để thực hiện tốt mục tiêu tiết kiệm năng lượng sau 3 thập kỷ kinh tế liên tiếp tăng trưởng trên 10%. Tháng 7/2010, giá bất động sản không thay đổi so với tháng 6/2010.
Ông Wein nói: “Nếu có vấn đề đang tồn tại, đó chính là sự thừa mứa. Thế nhưng chính phủ Trung Quốc đã hạn chế mạnh tay, xét trên phương diện tín dụng ngân hàng. Tình hình trên thị trường bất động sản Trung Quốc không tệ như Mỹ.”
Dòng tiền đầu tư sẽ chảy mạnh vào châu Á
Ông Jacky Tang, chiến lược gia về thị trường chứng khoán tại Bank of America Merrill Lynch, nhận xét: “Người ta đang bi quan về tăng trưởng kinh tế hơn bao giờ hết.”
Khảo sát do quỹ của ông thực hiện vào tháng 7/2010 cho thấy tâm lý hiện đang bi quan nhất từ tháng 2/2009.
Ông Tang khẳng định: “Điều quan trọng nhất là ở chỗ người ta đều đồng thuận về tăng trưởng sẽ đi xuống lần 2.”
Ông nhận xét: “Hiện nay Mỹ, cùng với châu Âu và Trung Quốc, đã giảm kỳ vọng tăng trưởng.”
Khảo sát đưa ra kết luận phản ánh từ quan điểm của 290 tổ chức quản lý quỹ với tổng tài sản 530 tỷ USD.
Nguồn tiền đầu tư như vậy rất lớn, nhà đầu tư sẽ tìm đến đâu?
Khảo sát gần đây cho thấy thị trường mới nổi và châu Á hiện là điểm đến hấp dẫn của các tổ chức tư vấn tài chính độc lập. 66% chuyên gia tư vấn tài chính độc lập khuyên khách hàng nên tăng cường hoạt động đầu tư tại nhóm nước mới nổi. 55% khuyên khách hàng quan tâm nhiều hơn đến châu Á.
Ông nhấn mạnh rằng trong khoảng thời gian từ tháng 11/2008 đến tháng 5/2010, tăng trưởng của thị trường chứng khoán các nước mới nổi kém hơn so với thị trường chứng khoán thế giới khoảng 21%. Tuy nhiên từ tháng 5/2010 đến nay, tình hình trên đã đảo ngược, thị trường mới nổi tăng trưởng tốt hơn thị trường thế giới 8%.
Điều này đồng nghĩa với việc nhóm thị trường như Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh.
Tính đến cuối tháng 7/2010, thị trường chứng khoán Indonexia tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới. Chỉ số Jakarta Composite của thị trường Indonexia tăng trưởng 26,2%; chỉ số SET của thị trường Thái Lan tăng 19,7%, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Malaysia và thị trường Philippin tăng lần lượt 14,5% và 13%. Thị trường Singapore cũng nhận được nhiều sự chú ý của giới đầu tư.
Đức lập kỷ lục về tăng trưởng kinh tế
Kinh tế Đức quý 2/2010 tăng trưởng 2,2%, cao hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia và ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong 23 năm.
Việc kinh tế tăng trưởng mạnh trong quý 2/2010 có thể khiến Bộ trưởng Kinh tế Đức công bố dự báo GDP cả năm 2010 tăng trưởng 2%, cao hơn dự báo 1,4% của chính phủ thế nhưng đúng với dự báo của giới chuyên gia.
Tăng trưởng GDP quý 1/2010 của Đức được điều chỉnh lên mức 0,5%, con số công bố lần đầu là 0,2%.
So với cùng kỳ năm trước, kinh tế Đức quý 2/2010 tăng trưởng 4,1%; con số này trong quý 1/2010 là 2,1%.
Đồng euro tăng giá sau số liệu trên và thị trường chứng khoán châu Âu tăng điểm vào lúc mở cửa.
Thế nhưng các chuyên gia thận trọng với tốc độ tăng trưởng thời gian tới bởi ảnh hưởng tiêu cực từ các kế hoạch cắt giảm ngân sách trên khắp châu Âu trong thời gian nửa sau của năm 2010.
Ông Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng ING của Hà Lan, nhận xét: “Nhìn về phía trước, có thể nói tốc độ tăng trưởng hiện tại khó có thể được duy trì trong những tháng tới. Do ảnh hưởng từ lĩnh vực xây dựng và việc xuất khẩu tăng trưởng bình thường trở lại, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Đức sẽ thấp hơn.”
Ngành công nghệ thế giới thận trọng sau tin từ Cisco
Hãng sản xuất thiết bị hệ thống hàng đầu thế giới Cisco công bố lợi nhuận quý vừa qua tăng 79%. Tuy nhiên doanh thu và dự báo doanh thu quý 3/2010 của Cisco khiến giới chuyên gia thất vọng.
Giám đốc điều hành của hãng còn nói nhiều đến khả năng hãng dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng chững lại.
Ngọc Diệp