Tăng tỷ giá – chuyện đương nhiên và có đáng để lo lắng?
Nguyên nhân chính để phá giá không phải từ nhập siêu.Tác động không quá lớn, ngoại trừ làm quá trình giảm lãi suất gặp thêm khó khăn.
Sau những tuyên bố trấn an thị trường từ NHNN về trạng thái thị trường ngoại hối vẫn đang tốt và sẽ giữ ổn định tỷ giá cho đến cuối năm, việc NHNN “đột nhiên” phá giá 2% tiền đồng bắt đầu từ ngày 18/8 có thể khiến nhiều người “ngạc nhiên”. Nhưng thực tế, động thái thay đổi tỷ giá này không quá “bất ngờ” nếu theo dõi kỹ những gì đã diễn ra trên thị trường ngoại hối kể từ đầu tháng 7.
Và dường đã như có được bài học về việc dồn dập đưa ra những thay đổi chính sách ở thời điểm đầu năm có thể khiến tăng tính bất ổn vĩ mô mạnh như thế nào, NHNN đã lựa chọn thời điểm công bố phá giá khi yếu tố lạm phát dường như đã được kiểm soát tốt và không còn gây quan ngại đối với thị trường.
Điều mà cần làm rõ ở đây là liệu động thái này thực sự có phải là để (và có thể) giảm sức ép nhập siêu như thông báo của NHNN, thị trường có nên quá lo lắng hay không, và từ nay đến cuối năm, tỷ giá có tiếp tục là rủi ro?Hình 1: Diễn biến USD trên thị trường từ 1/2-18/8/2010
Nguyên nhân chính để phá giá không phải từ nhập siêu
Nếu chỉ
nhìn vào thâm hụt cán cân thương mại các tháng gần đây thì cũng chưa có gì đáng
lo ngại lắm đến tỷ giá. Nhập siêu 7 tháng đầu năm là 7,26
tỷ USD, trong khi các nguồn tài trợ (FDI, FII, kiều hối, vay nợ ODA) có vẻ như
vẫn dồi dào để tài trợ được nhập siêu, theo đó, cán cân thanh toán ước thặng dư
3,4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Vậy tại sao vấn để tỷ giá lại trở nên căng thẳng
trong suốt thời gian qua?
Bản chất của vấn đề là với một nền kinh tế có tỷ lệ đô la hóa cao như ở Việt Nam, tỷ giá không chỉ phụ thuộc vào các dòng ngoại tệ ra vào nền kinh tế, mà còn phụ thuộc rất lớn vào bản thân sự dịch chuyển và cung cầu ngoại tệ ngay bên trong nền kinh tế. Và trong trường hợp này, nó đã khiến NHNN phải thay đổi tỷ giá để giảm căng thẳng trên thị trường.
Sau đợt
phá giá tiền đồng vào tháng 2, thị trường ngoại hối có vẻ như khá yên ả, tỷ giá
liên ngân hàng được giữ nguyên, chênh lệch tỷ giá thị trường tự do và tỷ giá
NHTM thu hẹp, trạng thái ngoại tệ của các NH luôn ở mức thặng dư. Nhưng dưới sự
bình lặng đó, là cơn sóng âm ỉ manh nha từ đầu quý 3, xuất phát từ tăng trưởng
dư nợ ngoại tệ tăng đột biến kể từ đầu năm, các doanh nghiệp chấp nhận rủi ro về
tỷ giá, vì không thể chịu nổi lãi suất tiền đồng quá cao. Trong 7 tháng đầu
năm, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ lên tới 34,4%, so với 8.4% dư nợ tiền đồng.
Nhưng bản thân doanh nghiệp cũng tự đề phòng bằng cách vay với kỳ hạn ngắn (3-6 tháng), theo đó, từ tháng 7, nhu cầu trả nợ vay USD khi đến thời điểm đáo hạn tăng cao, gây sức ép lớn đến cầu ngoại tệ. NHNN bắt đầu lo lắng, và từ giữa tháng 6 đã phải kiểm soát chặt tín dụng ngoại tệ.
Nhưng NHNN lo lắng một, doanh nghiệp lo lắng mười. Các
doanh nghiệp chưa hoặc không có nguồn thu ngoại tệ đôn đáo thu gom USD đề phòng
khan hiếm ngoại tệ, các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ thì không
muốn bán ngoại tệ cho NH do e ngại không thể mua lại nếu có nhu cầu vào cuối
năm. Mất cân đối cung cầu USD, nguyên nhân từ cách ứng xử của các thành phần
kinh tế đối với ngoại tệ, được dung dưỡng bởi tình trạng đô la hóa cao của nền
kinh tế và cách quản lý còn chưa hiệu quả của cơ quan quản lý đã khiến thị trường
ngoại hối trở nên rất căng thẳng.
Và đương nhiên, giải quyết bằng điều chỉnh tỷ giá là lựa chọn duy nhất ở thời điểm hiện tại để khơi thông hơn các luồng ngoại tệ trong nước, tránh ảnh hưởng bất lợi đến ổn định vĩ mô của nền kinh tế.
Khó kiềm
chế được nhập siêu
Với mức độ và quy mô phá giá
như lần này của NHNN, hầu như sẽ ít tác động đến vấn đề nhập siêu của nền kinh
tế. Nhập siêu ở Việt Nam
vẫn là một yếu tố mang tính cơ cấu của nền kinh tế, khi phần lớn các hàng hóa
nhập khẩu đều là máy móc thiết bị và nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho quá
trình sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Nghiên cứu về điều kiện Marshall-Lerner tại Việt Nam cho thấy không có mối liên hệ rõ ràng nào giữa sự giảm giá tiền đồng với việc giảm khối lượng nhập khẩu từ nước ngoài. Nguyên nhân là do hệ số co giãn nhập khẩu của Việt Nam rất thấp, và tác động của tỷ giá lên giá nhập khẩu hàng hóa có một độ trễ nhất định (từ 3-9 tháng). Vì thế, tiền đồng bị phá giá ở mức độ 2% hầu như không ảnh hưởng đến khối lượng nhập khẩu, trong khi kim ngạch nhập khẩu còn có thể gia tăng do giá hàng hóa nhập khẩu đắt hơn.
Trong khi đó, cần phải phá giá ở mức độ cao hơn nữa mới có thể làm cho hàng hóa Việt Nam có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, và theo đó tăng mạnh được kim ngạch xuất khẩu. Sau một số năm lạm phát tăng thường xuyên, cao hơn nhiều so với tốc độ mất giá của tiền đồng, hiện nay tỷ giá danh nghĩa đang rời xa tỷ giá thực, khiến đồng Việt Nam thực tế đang được định giá khá cao khoảng 12%, ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh thương mại quốc tế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tác động không quá lớn, ngoại trừ làm quá trình giảm lãi suất gặp thêm khó khăn
Tác động của đợt phá giá tiền đồng lần này sẽ không
quá lớn, ngoai trừ có thể khiến việc giảm mặt bằng lãi suất trở nên khó khăn
hơn. Tiền đồng chính thức mất giá sẽ gây ra những biến động tâm lý cho người
dân. Nếu như trước đây, tỷ giá ổn định, chênh lệch lãi suất tiết kiệm tiền VND
và USD lên đến 6-7%, người dân có xu hướng gửi tiết kiệm tiền đồng thay vì tiền
USD.
Trong 7 tháng đầu năm, huy động tiền VND lên đến 19.4% trong khi huy động USD giảm 2.4%. Nhưng với đợt mất giá tiền đồng 2% này, chênh lệch lãi suất không còn quá hấp dẫn, người dân có thể thay đổi hành vi, nắm giữ USD nhiều hơn, và theo đó, tăng trưởng huy động tiền đồng sẽ bị ảnh hưởng, lãi suất vì thế cũng khó giảm hơn. Kỳ vọng lạm phát tăng cũng là nguyên nhân khiến cho mặt bằng lãi suất vốn đã khó giảm xuống, nay lại càng khó hơn.
Lạm phát cũng sẽ bị ảnh hưởng, thông qua kênh nhập khẩu các đầu vào của nền kinh tế, từ đó gia tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, cũng như gia tăng giá các hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu. Tuy nhiên, động thái tăng tỷ giá lần này cũng chỉ là hợp thức hóa việc tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp từ hơn một tháng nay. Các DN ít khi mua được USD với giá các NHTM niêm yết, mà thường phải trả thêm phí, hoặc phải mua giá cao ở TT tự do. Vì thế, yếu tố tăng tỷ giá có thể đã được phản ánh qua giá cả và lạm phát tháng 8, và do đó, ở những tháng kế tiếp, tác động sẽ không còn quá lớn.
Các khoản vay nợ nước ngoài cũng sẽ gia tăng. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2009, nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm 39% GDP, trong đó, vay nợ bằng đồng USD chỉ chiếm 16.61%, còn lại là đồng Yên (chiếm 41.96%) và các đồng tiền khác. Vì thế tỷ giá tăng 2% không có tác động nhiều đến khoản nợ vay nước ngoài. Chính cơ cấu đồng tiền vay khá đa dạng đã khiến nợ quốc gia Việt Nam giảm thiểu được khá nhiều rủi ro về tỷ giá.
Bên cạnh những tác động tiêu cực nhưng không quá lớn nêu trên, việc giảm giá nhẹ VND thực ra lại là bước đi phản ánh đúng hơn giá trị thực của tiền đồng, làm cho thị trường ngoại tệ được thông suốt hơn, chênh lệch tỷ giá tự do và tỷ giá NHTM có thể được rút ngắn trở lại, và ít gây tâm lý hoang mang cho người dân. Tăng tỷ giá còn khiến cho dư địa chính sách tiền tệ rảnh rang hơn, hỗ trợ thêm cho NHNN tăng cường tác động đến thị trường để hỗ trợ giảm lãi suất. Đồng Việt Nam giảm giá cũng kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục và tăng cường đầu tư giải ngân, đóng góp thêm vào cán cân thanh toán, tài trợ bổ sung cho thâm hụt thương mại.
Sức ép tỷ giá vẫn còn tiếp tục cho đến cuối năm
Sức ép đối với tỷ giá có lẽ là bài toán chưa có lời giải trọn vẹn. Việc phá giá tiền đồng 2% ở thời điểm này chỉ có thể làm nhẹ đi tạm thời căng thẳng trên thị trường ngoại hối, còn rủi ro tỷ giá vẫn tồn tại và có thể tăng cao hơn nữa vào cuối năm.
Hình 2 - Tỷ giá thực tế, tỷ giá danh nghĩa và nhập siêu (1992-2009)
Bản chất của vấn đề là tiền đồng vẫn bị định
giá cao, và vì thế luôn luôn có sức ép giảm giá. Từ năm 2004, mặc dù tỷ giá
danh nghĩa luôn có xu hướng tăng, nhưng mức độ mất giá quá thấp so với tỷ lệ lạm
phát cao, tỷ giá thực tế (REER) VND lại có xu hướng giảm, tiền đồng thực tế lên
giá quá cao. Tính đến cuối năm 2009, VND đã lên giá thực tế 12% so với đồng
tiền của các đối tác thương mại chính, nếu so sánh với năm gốc 2000. Từ đầu năm
2010 cho đến nay, tiền đồng đã chính thức giảm giá 5.3%, trong khi lạm phát vẫn
ở mức cao tương đối so với thế giới, đồng VND tiếp tục bị định giá cao khiến cạnh
tranh thương mại của Việt Nam bị suy giảm, nhập siêu vì thế đã tăng mạnh, đặc
biệt là 3 năm trở lại đây, và theo đó, vẫn gây sức ép giảm giá tiền đồng. Bên cạnh
vấn đề nhập siêu vẫn chưa thể giải quyết triệt để, áp lực đến giá trị VND vẫn
còn tồn tại, do đợt thay đổi tỷ giá lần này vẫn không làm thay đổi được bản chất
cung cầu các dòng ngoại tệ trong nội tại nền kinh tế đã hiện diện từ quý 3, như
là hệ quả của việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ quá nóng ở thời điểm 2 quý đầu
năm. Và chắc chắn, vấn đề tỷ giá từ nay cho đến cuối năm sẽ trở thành trung tâm
chú ý của thị trường, thay cho lạm phát của những tháng đầu năm.
TS. Tô Trung Thành
Giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Kinh tế trưởng, Công ty chứng khoán Thái Bình Dương (PSC)