MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải bài toán nhân lực cho Vũng Áng

Đây là lần đầu tiên Chính phủ chủ trì bàn về phát triển nguồn nhân lực cho riêng Khu kinh tế Vũng Áng, khu kinh tế có nhu cầu 35.000 lao động vào năm 2015.

Ngày 18/8, Hội nghị đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ các Dự án tại KKT Vũng Áng đã được tổ chức tại Hà Tĩnh. Đây được xem là sự kiện có tính chất “bản lề” để tìm ra các phương án tối ưu nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” về nguồn nhân lực cho Vũng Áng.

Lãnh đạo 5 Bộ, ngành, 9 trường đại học lớn của Việt Nam và hơn 40 doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn hàng đầu ở Vũng Áng cùng tham dự. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.

Quan tâm chăm lo đời sống người lao động là ưu tiên hàng đầu

Ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Đây là lần đầu tiên Chính phủ chủ trì bàn về phát triển nguồn nhân lực cho riêng KKT Vũng Áng, điều này cho thấy vai trò, vị trí của Vũng Áng là hết sức quan trọng không chỉ đối với địa phương, với quốc gia mà còn cả khu vực.”

Đối với khu kinh tế Vũng Áng- Hà Tĩnh, Chính phủ xác định đây là một trong những dự án trọng điểm của quốc gia, với tổng mức đầu tư giai đoạn đầu là 13 tỷ USD, các giai đoạn sau sẽ lên tới 20 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2015, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tại Khu kinh tế Vũng Áng tối thiểu là 35.000 lao động.

Đặt vấn đề tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng các nhà đầu tư lớn ở Vũng Áng cần sớm trả lời câu hỏi: nếu huy động được đủ cơ số lao động về Vũng Áng thì cơ chế nào sẽ tạo ra sức hút đối với hàng vạn lao động sẽ đến và ở lại lâu dài với Vũng Áng?

Thực tế cho thấy, ngay tại các dự án cấp quốc gia việc quan tâm chăm lo chuyện ăn ở, sinh hoạt của người công nhân vẫn chưa được các nhà đầu tư đặt ra đúng mức. Khi xây dựng chỉ có nhà máy mà không tính tới quy hoạch nhà ở dẫn đến sự thiếu ổn định và “chắp vá” trong cuộc sống người công nhân.

Đây chính là yếu tố khiến người lao động không an tâm làm việc, dẫn đến nguồn cung lao động khó kiểm soát. Để chủ động trong những yêu cầu về nhân lực phục vụ cho doanh nghiệp của mình, các DN cần trích 0,05% tổng số tiền đầu tư để chi trả cho đào tạo nguồn nhân lực.

Từ nay đến năm 2012 khu kinh tế Vũng Áng cần xây dựng tối thiểu 6.000 chỗ ở cho người lao động.

Phó Thủ tướng đề nghị, bên cạnh việc cam kết mức lương thỏa đáng, các đơn vị sử dụng lao động phải bảo đảm sẽ đáp ứng được chỗ ở của công nhân và gia đình họ. Quy hoạch và xây dựng các khu nhà ở cho người lao động tại Vũng Áng cũng chính là một trong những điểm then chốt để tạo ra sức thu hút với người lao động. Các nhà đầu tư ở Vũng Áng cũng như chính quyền tỉnh Hà Tĩnh phải xem đây chính là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Vận dụng tối đa các chính sách thu hút nguồn nhân lực

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu từ các trường đại học, các nhà đầu tư kiến nghị Chính phủ cho phép vận dụng tối đa các chính sách đã có về đào tạo nhân lực và xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp để áp dụng cho Khu kinh tế Vũng Áng. Bố trí đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu để đầu tư xây dựng cơ sở dạy nghề tại Vũng Áng đã được phê duyệt với tổng vốn 514 tỷ đồng. Năm 2011, bố trí 80 tỷ đồng cho Hà Tĩnh từ nguồn Đề án “ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”.

Các nhà đầu tư và các doanh nghiệp nước ngoài đều cho rằng khi đầu tư vào Việt Nam nói chung và Vũng Áng nói riêng họ không còn đặt mục tiêu thu hút lao động rẻ nữa mà đã chuyển hướng sang yêu cầu nguồn lao động chất lượng cao. Các doanh nghiệp nước ngoài ở Vũng Áng sẵn sàng chi trả mức lương khởi điểm cho người lao động từ 3-5 triệu/người/tháng, cao nhất lên tới 35 đồng triệu/người/tháng.

Các lĩnh vực đầu tư vào Vũng Áng chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp, luyện kim, cầu cảng, hóa dầu, nhiệt điện, nên nhu cầu lao động của các doanh nghiệp chủ yếu là lao động kỹ thuật (chiếm trên 71%), trong đó: kỹ sư, cán bộ kỹ thuật chiếm 8,57%, công nhân lành nghề: 57,14%. Trong khi đó, hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn chưa có trường Đại học, Cao đẳng nào có thể đảm nhận được nhiệm vụ đào tạo kỹ sư, cán bộ kỹ thuật.

Các doanh nghiệp hoạt động tại Khu kinh tế Vũng Áng thẳng thắn nhìn nhận rằng vẫn chưa có chính sách ưu tiên tuyển dụng lao động con em Hà Tĩnh vào làm việc tại các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã có chương trình phối hợp tổ chức tuyển sinh đào tạo cho con em vùng ảnh hưởng dự án, nhưng khi học xong không thực hiện tuyển dụng hết chỉ tiêu theo cam kết, vì vậy đã gây không ít băn khoăn trong tâm lý của người dân địa phương.

Qua hội nghị này, các nhà đầu tư nước ngoài vào KKT Vũng Áng nhận thấy phải từng bước thay đổi tư duy trong việc tuyển dụng nhân lực, cần chấm dứt tình trạng các doanh nghiệp tự tuyển chọn lao động ở các cấp trình độ thông qua thị trường lao động tự do, sau đó công ty tự đào tạo và đào tạo lại thông qua hợp đồng với các cơ sở đào tạo trên địa bàn. Đây là biện pháp ngắn hạn, thiếu tính bền vững và mang nặng tính thời vụ.

PGS. Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo tính toán của Bộ GD-ĐT, số lượng sinh viên đang học năm thứ 3, thứ 4 ở ĐH Kinh Tế quốc dân, ĐH Bách Khoa, ĐH Mỏ Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội có nguồn gốc Hà Tĩnh rất dồi dào.

UBND tỉnh Hà Tĩnh và các nhà đầu tư vào KKT Vũng Áng cần sớm lập kế hoạch, xác định nhu cầu lao động cụ thể với các trường đại học, qua đó tạo cơ chế và công bố rộng rãi để thu hút nguồn nhân lực đã được đào tạo này về làm việc lâu dài ở Vũng Áng. Kinh nghiệm của ĐH Bách Khoa Hà Nội và Tập đoàn Formosa là doanh nghiệp sẽ chi trả toàn bộ kinh phí học bổng, đào tạo nâng cao, đào tạo lại nhân lực cho các cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng.

Nhân dịp này, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã ký kết Tuyên bố Hội nghị về đào tạo và bảo đảm nhân lực đáp ứng nhu cầu Khu Kinh tế Vũng Áng.

Khu kinh tế Vũng Áng có tổng diện tích quy hoạch là 22.781 ha.

Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, Khu Kinh tế Vũng Áng đã cấp giấy phép cho 93 doanh nghiệp và nhà đầu tư với số vốn đăng ký trên 190 ngàn tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án lớn của các tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước như Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 7,9 tỷ USD, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I và II 2,4 tỷ USD...

Theo Từ Lương
Chính phủ

khanhhoa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên