MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Thủ tướng yêu cầu NHNN rà soát lại Thông tư 13?

20-08-2010 - 08:57 AM | Tài chính - ngân hàng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, rà soát một số điểm chưa hợp lý mà báo chí nêu trong Điều 5, 16, 18 của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 25/5/2010.

Xung quanh vấn đề này chúng tôi tóm tắt và bình luận về nội dung của một số điều nêu trên.

Điều 5. Tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ của tổ chức tín dụng

Một số điều quy định tại thông tư này có một số thay đổi so với Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19 tháng 4 năm 2005 là Thông tư 13 đã quy định một số khoản giảm trừ trong vốn tự có và tăng hệ số rủi ro một số khoản vay. Trong đó đáng chú ý hơn cả là hệ số rủi ro của một số khoản vay như sau:

Theo những quy định tại Khoản 5.5 thì hệ số rủi ro của những khoản vay đối với các khoản cho vay các công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết của tổ chức tín dụng đã được nâng lên 150% thay vì 100% như Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN. Chúng tôi cho rằng NHNN tăng hệ số rủi ro này nhằm hạn chế các ngân hàng sử dụng vốn huy động để tài trợ cho các doanh nghiệp có “quan hệ” với mình. Đây là một biện pháp cần thiết để phòng ngừa ngân hàng lạm dụng vốn huy động cho vay một cách thiếu kiểm soát đối với những doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, quy định này sẽ gây sức ép lên việc tái cơ cấu các khoản vay cho nên các ngân hàng cần thời gian và lộ trình để thực hiện. Thời gian có hiệu lực của Thông tư 13 có thể quá ngắn để ngân hàng tái cơ cấu lại những khoản vay này.

Quy định tại Điểm a- Khoản 5.6 trong đó cho vay đầu tư chứng khoán có hệ số rủi ro 250%. Tuy vậy, trong phần định nghĩa thuật ngữ tại Điều 2 - Thông tư 13 không định nghĩa rõ thế nào là cho vay đầu tư chứng khoán. Do vậy VNBA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại với trường hợp cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán do mức độ rủi ro về tín dụng là không đáng kể.

Thực tế, hệ số rủi ro tài sản có 250% đã được quy định tại Điều 4 – Quyết định số 03/2008/QĐ-NHNN. Trong đó kinh doanh chứng khoán được định nghĩa khá rõ trong tại Điều 3 của quyết định này. Điểm đáng lưu ý là “chứng khoán” theo định nghĩa tại Khoản 1 – Điều 25 luật chứng khoán bao gồm trái phiếu của công ty đại chúng.

Như vậy, nếu điều khoản này được thực thi một cách chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Trong khi đó về bản chất trái phiếu ít rủi ro tương tự như một khoản vay tín dụng.

Tại Điểm c-Khoản 5.6 quy định hệ số rủi ro là 250% đối với tất cả các khoản vay kinh doanh bất động sản. Bất động sản ở đây không phân biệt là bất động sản đã hình thành hay là tài sản hình thành trong tương lai, theo VNBA, là không phù hợp với mức độ rủi ro đối với từng loại tài sản khác nhau. Điều này sẽ gây khó khăn cho không ít ngân hàng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chiếm một tỷ lệ khá lớn.

Điều 16: Quy định về giới hạn góp vốn mua cổ phần

Các quy định trong điều này cũng khá mới so với những quy định trước đó. Trong đó đáng chú ý là quy định đã đặt ra giới hạn của việc tỷ lệ tối đa mà một ngân hàng có thể góp vốn vào một doanh nghiệp là 11%. Như vậy, những ngân hàng đang sở hữu quá tỷ lệ này thì sẽ làm như thế nào? Thực tế, để ngân hàng thoái vốn khỏi các doanh nghiệp sẽ cần một thời gian dài hơn thời hạn Thông tư có hiệu lực.

Điều 18: Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động

Điều này quy định tỷ lệ cấp tín dụng đối với các ngân hàng không quá 80% vốn huy động. Tuy nhiên, vốn huy động theo quy định này lại không bao gồm tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội và các tổ chức khác. Như vậy thực tế ngân hàng chỉ có thể cho vay được khoảng 60% vốn huy động, vì có tới 15-20% vốn huy động là vốn không thể cho vay theo quy định này. Theo VNBA thì tỷ lệ nguồn vốn đảm bảo khả năng thanh toán khoảng 35 đến 40% là tỷ lệ quá cao và không hợp lý.

Theo Vietstock

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên